Nghiên cứu dựa vào dữ liệu do kính thiên văn không gian Kepler của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thu thập trong suốt 4 năm qua cho thấy, 1/5 số lượng ngôi sao sở hữu hành tinh nằm ở “vùng sống” giống trái đất. Số hành tinh có khả năng nuôi dưỡng sự sống trong dải Ngân Hà lên tới 40 tỷ.
Mô phỏng hành tinh nằm ở "vùng sống" (màu xanh), nơi nhiệt độ không quá nóng cũng không quá lạnh, đủ để nước tồn tại dưới dạng lỏng. Ảnh: PA. |
“Chúng ta vẫn biết rằng sự sống không dễ nảy nở trên một hành tinh. Tuy nhiên, với 40 tỷ cơ hội, tôi rất lạc quan rằng chúng ta không đơn độc. Những hành tinh nằm ở "vùng sống" rất phong phú ở trong chính thiên hà của chúng ta, dải Ngân Hà”, Andrew Howard, một nhà nghiên cứu của Viện Thiên văn, Đại học Hawaii, phát biểu.
Daily Mail cho biết, các chuyên gia người Mỹ rút ra kết luận sau khi phân tích khối dữ liệu khổng lồ do kính thiên văn Kepler thu thập. Trong mỗi giờ, Kepler chụp hình 300.000 ngôi sao và các hành tinh quay xung quanh nó. Suốt 4 năm qua, Kepler đã chụp ảnh khoảng 200 tỷ ngôi sao.
Trong khoảng 40 tỷ hành tinh nằm ở “vùng sống”, nơi có nhiệt độ phù hợp để nước tồn tại dưới dạng lỏng, các nhà khoa học còn phát hiện 10 "bản sao" của trái đất, tương đồng về kích thước, khối lượng và nhiệt độ bề mặt với địa cầu. Chúng làm tăng khả năng tìm thấy sự sống ngoài trái đất trong chính dải Ngân Hà.