Đáp lại các lệnh trừng phạt mới từ Washington, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Mỹ cắt giảm một nửa nhân viên ngoại giao ở nước này trước ngày 1/9.
Điều này sẽ khiến phái đoàn ngoại giao của Mỹ chỉ còn 455 người, gần bằng số nhân viên ngoại giao Nga làm việc tại Mỹ. Với số nhân viên ít ỏi còn lại, hoạt động của Đại sứ quán và các lãnh sự quán sẽ khó khăn hơn trước.
Mặc dù động thái của Moscow không nghiêm trọng bằng việc trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ, đây vẫn được đánh giá là bước đi gây căng thẳng và có thể làm trầm trọng thêm mối quan hệ đang suy giảm giữa 2 nước.
Các nhà ngoại giao làm công việc tay chân
Các nhà ngoại giao kỳ cựu cho biết những sự kiện gần đây nhắc nhở họ về cuộc đối đầu trong Chiến tranh Lạnh khi Mỹ và Liên Xô tham gia vào một loạt vụ trục xuất ngoại giao ăn miếng trả miếng.
Sau vài lần trục xuất, khoảng 200 công dân Liên Xô làm việc cho phái đoàn ngoại giao Mỹ đã bị đuổi. Steven Pifer, người từng làm việc tại Đại sứ quán ở Moscow vào thời điểm đó, cho biết động thái này “nhằm khiến Đại sứ quán Mỹ sụp đổ”.
Cờ của Mỹ tung bay tại lãnh sự Mỹ ở St Peterburg, Nga, ngày 31/7. Ảnh: Reuters. |
Các nhân viên địa phương được thuê để thực hiện những công việc tay chân như cọ toilet hay mua thực phẩm. Do quen thuộc với ngôn ngữ, văn hóa và bộ máy hành chính của Liên Xô nên họ cũng có thể hỗ trợ các nhà ngoại giao Mỹ trong một số vấn đề.
Quyết tâm không để bị Liên Xô đóng cửa hoạt động, các nhà ngoại giao Mỹ đã thay phiên nhau làm các công việc từng được nhân viên bản địa thực hiện.
“Cứ mỗi hai tuần, thay vì viết điện tín, tôi lại đi làm trong bộ quần áo công nhân”, nhà ngoại giao John Herbst, người từng làm việc tại Đại sứ quán Moscow, nói với Huffington Post.
Cùng với một nhân viên khác, Herbst đã lái xe tới biên giới để nhận hàng, dỡ hàng và dọn nhà vệ sinh. Vợ chồng của các nhân viên trong Đại sứ quán cũng tới giúp đỡ.
Washington sau đó đã gửi các nhà thầu tới để giúp đỡ các nhà ngoại giao Mỹ ở Moscow. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Đại sứ quán đã thuê lại người Nga làm việc.
Nhân viên Nga mất việc
Hiện tại, phái đoàn ngoại giao của Mỹ ở Nga phụ thuộc rất nhiều vào việc tuyển dụng nhân viên địa phương.
Theo một báo cáo của Thanh tra Bộ Ngoại giao Mỹ, tính đến năm 2013, phái đoàn ngoại giao của Mỹ tại Nga, bao gồm Đại sứ quán tại Moscow, Lãnh sự quán tại St. Petersburg, Yekaterinburg và Vladivostok, sử dụng 1.279 nhân viên. Con số này bao gồm 934 nhân viên tuyển dụng tại địa phương và 301 nhân viên được tuyển trực tiếp từ Mỹ.
Năm ngoái, các quan chức Mỹ dự đoán Nga sẽ trả đũa sau khi Tổng thống Barack Obama trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga để phản ứng việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Ban đầu, Moscow đã tổ chức một cuộc đối thoại riêng với các quan chức trong đội ngũ chuyển giao của ông Trump về các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, ngay sau khi Quốc hội Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga vào tuần trước, ông Putin đã quyết định cắt giảm nhân viên sứ quán Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Đô đốc Vladimir Korolev trong một cuộc diễu hành của hải quân tại St Petersburg vào ngày 30/7. Ảnh: Reuters. |
Không những tăng gánh nặng cho các nhà ngoại giao Mỹ, việc cắt giảm biên chế còn đẩy hàng trăm nhân viên Nga được Mỹ thuê tới nguy cơ mất việc.
Trả lời về việc các nhân viên ngoại giao sẽ phải đi đâu, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: "Đó là lựa chọn của Mỹ”.
“Đó là các nhà ngoại giao và các nhân viên kỹ thuật, nghĩa là chúng tôi không chỉ nói về các nhà ngoại giao. Con số này bao gồm cả những người không thực hiện sứ mệnh ngoại giao, những người được thuê tại địa phương và các công dân Nga làm việc ở đó”, ông nói.
Người Nga muốn tới Mỹ phải đợi lâu hơn
Mặc dù vậy, theo Alexander Baunov, thành viên cao cấp của Trung tâm Carnegie tại Moscow, hậu quả cuộc trả đũa của Nga không tồi tệ đến mức gây mất lòng Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bằng cách công bố các biện pháp trả đũa trước khi ông Trump ký vào dự luật cấm vận, "ông Putin gửi một thông điệp rằng ông đang trừng phạt Quốc hội Mỹ, chứ không phải của nước Mỹ của ông Trump", Baunov viết trong một bài đăng trên Facebook được Reuters trích dẫn.
“Ông Putin đã để ông Trump tránh khỏi ngọn lửa và không làm tổn hại cái tôi của ông ấy”, chuyên gia này nhận xét.
Tòa nhà đại sứ quán Mỹ ở Moscow. Ảnh: Sputnik. |
Ngoài việc cắt giảm nhân viên ngoại giao, Moscow cũng sẽ tịch thu 2 tài sản ngoại giao của Mỹ gồm một nhà kho ở phía nam Moscow và một khu phức hợp ở ngoại ô thành phố, nơi nhân viên sứ quán tới nghỉ ngơi cuối tuần.
Hôm 31/7, các nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Moscow lo lắng đợi xem liệu họ có bị mất việc hay không. Trả lời Reuters, một quan chức Đại sứ quán Mỹ cho biết sứ quán sẽ có một buổi họp toàn thể để cung cấp thêm thông tin.
Tuy nhiên, cho đến nay, quan chức giấu tên này nói chưa có thông tin về việc bộ phận nào sẽ gánh chịu hậu quả của việc cắt giảm.
Theo người này, các nhân viên địa phương bị sa thải có thể sẽ nhận được thỏa thuận tương tự khi USAID đóng cửa hoạt động ở Nga vào năm 2012.
Những người đã làm việc cho Đại sứ quán từ 15 năm trở lên trông đợi được cấp thẻ xanh và một công việc trong chính phủ Mỹ trong khi những người khác có thể nhận được 2-3 tháng lương.
Một lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng bởi sự cắt giảm nhân viên là hoạt động cấp thị thực cho công dân Nga tới Mỹ. “Nếu biên chế thực sự bị cắt giảm thì người Nga có thể phải đợi hàng tuần thậm chí hàng tháng để lấy được visa tới Mỹ”, Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Moscow, viết trên Twitter hôm 30/7.