Theo thông tin từ phía người dân xã Chàng Sơn, Hà Nội, từ khi về chùa Chân Long, trụ trì Phượng đã thay toàn bộ bát hương hiện có trong chùa bằng những chiếc bát hương mới, rẻ tiền và được cho là mua từ chợ Nủa – một chợ trong huyện Thạch Thất.
Bên cạnh đó trụ trì Phượng đã tự ý mua và thay những pho tượng cổ bằng những pho tượng mới, tự ý cho thay đổi vị trí của các pho tượng cổ trong chùa theo ý của mình mà không được sự cho phép của chính quyền xã Chàng Sơn và sự đồng ý của người dân khiến họ bức xúc.
Khoảng tháng 5/2012, nỗi bức xúc của người dân lên đến đỉnh điểm khi hàng nghìn người dân ở xã Chàng Sơn phát hiện pho tượng cổ Vua Cha Ngọc Hoàng có niên đại hơn 400 năm được thờ tại gian hậu điện bỗng dưng biến mất mà không ai biết nguyên nhân. Theo lời những người dân tại đây thì trụ trì Phượng nói pho tượng do được làm bằng đất, nhiều năm tuổi nên đã bị vỡ, hỏng và sư Phượng đã để cho các vãi trong chùa đem đổ xuống sông Tây Ninh.
Bức tượng giống dung nhan sư Phượng được dùng để thay thế tượng Vua cha Ngọc Hoàng. |
Đặc biệt là việc những pho tượng lớn trong chùa đều bị đóng đinh trên đầu, tai và thân tượng để treo các hộp nhử mối...
Cụ Đỗ Khắc Thường - đội 6, xã Chàng Sơn bức xúc: “Một số tượng phật nhỏ giờ không còn, từ xưa, mỗi một tượng phật có 1 bát nhang nhỏ nhưng hiện nay đã bị mất hết. Chúng tôi có cha mẹ mất, vào chùa để cúng mà còn ra giá với chúng tôi là 5 triệu đồng/lần. Hơn nữa còn đóng đinh vào tai, đầu tượng, chúng tôi yêu cầu phải làm lễ để gỡ bỏ hết những vật treo bung beng trên thân tượng”.
Với những sự việc đã xảy ra, người dân đã thông báo cho chính quyền địa phương và căng lều, bạt ngủ tại chùa để canh và trông tượng.
Tự ý đúc tượng mình
Theo lời kể của anh T – người dân xã Chàng Sơn, sau vụ việc pho tượng Vua Cha Ngọc Hoàng biến mất không rõ tung tích, trụ trì Phượng đã trốn đi nơi khác và không ai liên lạc được với ông. Bẵng đi một thời gian dài, đến ngày 5/11 vừa qua người dân xã Chàng Sơn phẫn nộ với trụ trì Phượng vì bức tượng mới được đúc giống dung nhan của ông này.
Clip người dân Chàng Sơn đưa tượng ra khỏi chùa. |
Cũng theo ông Toàn thì vụ việc xảy ra vào ngày 5/11 vừa qua là việc sư Phượng chuyển tượng ra khỏi chùa và khi di chuyển pho tượng đến khu vực chợ Chàng Sơn thì bị người dân cản lại gây ách tắc giao thông. “Không biết tượng được đúc ở đâu và vào thời gian nào. Khi hỏi sư Phượng thì được biết pho tượng do một doanh nghiệp cúng tiến và giấu tên nên chùa nhận và đưa vào chùa”, ông Toàn cho biết thêm.
Trụ trì Thích Minh Phượng quê ở Nam Định, về chùa Chân Long được hơn 10 năm. Trước đó ông đã từng đi bộ đội và tu hành tại một chùa ở Hà Nội.
Nơi ở của trụ trì Phượng được trang bị máy lạnh và đầy đủ các thiết bị tiện nghi và còn có cả xe ô tô.