Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc bị thổi phồng quá mức?

Các nhà kinh tế đánh giá tốc độ phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị thổi phồng bởi làn sóng đầu tư vào bất động sản và cơ sở hạ tầng từ chính quyền Trung Quốc.

Từ nạn lũ lụt, sự bùng phát của dịch Covid-19 ở phương Tây cho đến việc nhu cầu nội địa rơi tự do, nền kinh tế Trung Quốc đang bị đè nặng bởi những áp lực từ cả bên trong và bên ngoài. Theo South China Morning Post, các nhà phân tích nhận định quá trình phục hồi của nền kinh tế thứ hai thế giới đã mất nhiệt lượng.

Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng. Tuy nhiên, động lực chủ yếu của nền kinh tế là đòn bẩy bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, chiến lược "lưu thông kép" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm dựa vào tiêu dùng nội địa vẫn chưa đi đúng hướng.

Doanh số bán lẻ tại quốc gia 1,4 tỷ dân vẫn yếu ớt, giảm 1,1% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có nghĩa là doanh số bán hàng chưa tăng bất cứ tháng nào suốt 7 tháng đầu năm nay.

Kinh te Trung Quoc anh 1

Tiêu dùng nội địa vẫn không phải động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Chi tiêu dè sẻn

Giới phân tích còn cảnh báo về một đợt sụt giảm mới. Chính phủ Bắc Kinh đang tìm cách giải quyết tình trạng lãng phí thực phẩm bằng cách buộc các nhà hàng phục vụ ít món hơn. Cùng với đó là những biện pháp siết chặt nhập khẩu thực phẩm do lo ngại virus corona lây lan qua các sản phẩm này.

Trong tuần này, virus corona được phát hiện trên cánh gà Brazil nhập khẩu vào Thâm Quyến. Chỉ trong vỏn vẹn 7 ngày, đây là lần thứ ba virus corona xuất hiện trên thịt và hải sản nhập khẩu. Như vậy, nguồn cung thực phẩm có khả năng sẽ bị siết chặt hơn.

"Doanh số bán lẻ có lẽ sẽ tồi tệ hơn trong tháng tới do chiến dịch mới của chính phủ nhằm giảm tình trạng lãng phí thực phẩm trong các nhà hàng", South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Imogen Page-Jarrett tại Economist Intelligence Unit bình luận.

"Nhu cầu nội địa vẫn yếu. Động lực kinh tế chính là hoạt động đầu tư và dự trữ hàng hóa của nhà nước", ông Page-Jarrett nhận định. Tuy nhiên, ông Shen Jianguang, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại JD Digital, cho rằng nỗ lực nhằm đảm bảo an ninh lương thực của Chủ tịch Tập không ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng.

Kinh te Trung Quoc anh 2

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc chưa thể phục hồi hoàn toàn.

"Giảm đồ thừa không có nghĩa là không tiêu thụ mà là tiêu thụ hợp lý hơn", ông Jianguang bình luận. "Trung Quốc từng hạn chế sử dụng tiền công cho tiêu dùng cá nhân, nhưng cuối cùng điều này không ảnh hưởng đến chi tiêu đối với hãng rượu Mao Đài", ông nhấn mạnh.

Bị thổi phồng

Quốc gia đông dân nhân thế giới đang chật vật để đưa tiêu dùng nội địa trở lại sau khi các nhà hàng, cửa hiệu và rạp chiếu phim phải đóng cửa trong những tháng đầu năm. Ở chiều ngược lại, ngành công nghiệp phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng 4,8% trong tháng 7, bằng với mức tăng hồi tháng 6.

Một số nhà máy đã hoạt động từ cuối tháng 2, trong khi các rạp chiếu phim chỉ có thể mở cửa trở lại vào tháng 7. Điều này khiến nhiều người nhận định sự phục hồi của Trung Quốc đã bị thổi phồng bởi các khoản đầu tư vào bất động sản và cơ sở hạ tầng.

"Nhu cầu nội địa vẫn yếu. Động lực kinh tế chính là hoạt động đầu tư và dự trữ hàng hóa của nhà nước",

- Imogen Page-Jarrett (Economist Intelligence Unit)

"Nó cho thấy câu chuyện về quá trình phục hồi của Trung Quốc đã bị thổi phồng quá mức. Trung Quốc vẫn sẽ có mức tăng trưởng vừa phải trong năm 2020 nhờ thị trường nội địa rộng lớn. Nhưng nước này không hoàn toàn miễn nhiễm với tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu", ông Carlos Casanova, chuyên gia kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Công ty bảo hiểm Coface, bình luận.

Bắc Kinh hạn chế sử dụng các gói kích thích ồ ạt như sau cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, nước này cũng sẽ dần bơm tiền vào nền kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách không dám bơm quá nhiều tiền vào một nền kinh tế vốn có đòn bẩy tài chính cao. Tuy nhiên, nhu cầu nội địa chậm chạp vẫn khiến họ phải tiếp thêm nhiệt lượng.

"Chúng tôi tin rằng các thị trường vẫn đang quá lạc quan vào tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm nay", Chuyên gia Kinh tế trưởng Lu Ting tại Nomura nhận xét.

Kinh te Trung Quoc anh 3

Ngành sản xuất của Trung Quốc phục hồi nhưng tiêu dùng vẫn yếu ớt. Ảnh: SCMP.

Theo ông Lu Ting, lũ lạt lan rộng tàn phá các thành phố dọc theo sông Dương Tử là gánh nặng đối với đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, những đợt bùng phát dịch mới có thể dẫn đến các lệnh hạn chế tiếp theo. Cùng với đó là xung đột gia tăng với Mỹ đe dọa đến tăng trưởng.

Ông Xu Hongcai, Phó giám đốc Ủy ban Chính sách Kinh tế thuộc Hiệp hội Khoa học Chính sách Trung Quốc, đồng ý rằng nhu cầu của người tiêu dùng vẫn chưa thể phục hồi.

"Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn nhưng không quá mạnh. Tất cả đều lo lắng về việc làm, thu nhập ngày càng giảm nên không ai dám chi tiêu nhiều", ông nhận định.

Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia, đầu tư tài sản cố định đã giảm 1,6% trong bảy tháng đầu năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 tại nước này là 5,7%, ngang bằng với tháng 6.

Những con số tố cáo Trung Quốc sẽ thất hứa với Mỹ trong năm nay

Để thực hiện đầy đủ thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc cần mua thêm hơn 170 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong năm nay. Giới quan sát nhận định đây là con số "bất khả thi".

Chữ ký của ông Trump cắt đứt quan hệ kinh tế, công nghệ Mỹ - Trung

Theo Bloomberg, khi ký vào sắc lệnh cấm TikTok và WeChat, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa cuộc đối đầu kinh tế và công nghệ Mỹ - Trung tới từng hộ gia đình Trung Quốc.

OceanBank sap doi ten hinh anh

OceanBank sắp đổi tên

0

Sau khi được MB tiếp quản, OceanBank dự kiến đổi tên thành MBV. Chủ tịch và tổng giám đốc mới của ngân hàng cũng là các lãnh đạo cấp cao tại MB.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm