Khi đó, không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước khác, cả trong khu vực và ở những nơi khác, sẽ bình thường hóa việc cưỡng ép như kỹ năng để ép buộc những nước khác, ông Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore, viết trên Maritime Issues ngày 22/7.
Bài viết xuất hiện vài ngày sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam.
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 có hai tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống, một trong hai tàu đó nặng 12.000 tấn là một trong những tàu tuần duyên lớn nhất châu Á.
Tiền lệ mở đường cho sử dụng vũ lực
Sự nguy hiểm của việc Bắc Kinh leo thang căng thẳng ở Biển Đông, theo ông Koh, không chỉ đối với các nước trong khu vực, các nước có lợi ích từ tuyến đường hàng hải này, mà còn có thể tạo ra tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế.
"Nhưng lịch sử đã dạy chúng ta, sự hòa giải kéo theo hung hăng nếu người gây hấn không biết giới hạn của họ", ông Koh viết.
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc. Ảnh: Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc. |
"(Sự cố này) có thể tạo ra một tiền lệ mới, rằng các quốc gia mạnh hơn có thể mặc sức đối xử theo cách của họ với những nước nhỏ hơn, bất chấp các nguyên tắc đã được công nhận. Nếu điều này được chấp nhận, các hành động vũ trang trắng trợn có thể gia tăng", Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển, Đại học Philippines và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với Zing.vn.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) ở Bangkok gần đây, trong tuyên bố chung không đề cập các hoạt động quân sự hóa ồ ạt của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp. Thái độ này có thể tạo ra cảm giác rằng Trung Quốc đã thành công trong việc áp đặt diễn ngôn rằng: hòa bình và ổn định tại khu vực vẫn được duy trì, vì vậy các thế lực bên ngoài không nên can dự vào.
"Vậy tại sao Bắc Kinh lại làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông, và đe dọa phá hỏng diễn ngôn mà họ "dày công" xúc tiến lâu nay?", ông Koh đặt câu hỏi.
Theo ông, bước đầu tiên trong việc hiểu hành động của Trung Quốc là phải đi ngược lại căn cứ những tuyên bố của họ. Khu vực EEZ đang nóng của Việt Nam cũng nằm trong đường 9 đoạn Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Tòa Trọng tài PCA vào ngày 12/7/2016 đã phán quyết đường 9 đoạn vô hiệu, nhưng Bắc Kinh lại không hề coi trọng phán quyết của tòa quốc tế. Điều này chỉ cho thấy chính sách của Trung Quốc trên Biển Đông không hề thay đổi như nhiều người nhận định.
Lập luận của Trung Quốc là các hoạt động dò tìm năng lượng bởi những bên "có tranh chấp" với Trung Quốc bên trong đường chín đoạn, bao gồm khu vực EEZ của Việt Nam và bãi cạn Luconia (Malaysia đang tiến hành), là bất hợp pháp vì nó được tiến hành trong vùng biển tranh chấp.
Trung Quốc sợ ra tòa quốc tế
Tất nhiên Bắc Kinh không quan tâm việc đường 9 đoạn bị tuyên bố vô hiệu cách đây 3 năm. Tuy nhiên, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), các quốc gia ven biển như Việt Nam chỉ đang thực thi quyền chủ quyền hợp pháp trong phạm vi EEZ (mà ở đó EEZ từ đường cơ sở ở đất liền có hiệu lực mạnh hơn).
Ông Koh nhận định rõ ràng Trung Quốc không muốn ra Tòa Trọng tài, bất cứ sự thỏa hiệp nào với tòa sẽ làm ảnh hưởng đến tính chính danh của các lãnh đạo Trung Quốc, những người đã tuyên bố sẽ bảo vệ "chủ quyền và quyền trên biển của Trung Quốc".
Ở bên ngoài, Bắc Kinh tô vẽ cho các hành động của mình, dù đi kèm vũ lực và đe dọa, như những sự tự vệ chính đáng trước hành vi khiêu khích của nước khác. Họ bao biện cho hành động của mình ở Biển Đông là một phản ứng lại hoạt động thăm dò dầu của Việt Nam trong khu vực. Thông điệp rất rõ ràng: không ai nên thăm dò và khai thác dầu trong "vùng biển tranh chấp" (đây thực tế là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được quốc tế công nhận) mà không được Trung Quốc cho phép, dù Bắc Kinh làm tương tự ở những nơi khác.
Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) tại CSIS ở Washington, Mỹ, nói rằng Trung Quốc thích áp dụng biện pháp hù dọa thông qua các tàu hải cảnh và tàu dân quân, thay vì lực lượng quân sự.
"Nhưng khi các bên khác kiềm chế, Trung Quốc thường rút lui thay vì leo thang quân sự", ông nói, nhưng lưu ý rằng "nếu xảy ra va chạm vô ý, căng thẳng có thể leo thang".
Trung Quốc sử dụng lực lượng hải cảnh của mình để áp dụng các biện pháp đe dọa, cưỡng ép các tàu nhỏ hơn của nước khác, nhưng hạn chế sử dụng lực lượng quân sự. Ảnh: AP. |
ASEAN phải thể hiện mạnh mẽ
Ông Koh nhận định rằng việc Hà Nội tuyên bố yêu cầu Bắc Kinh rút tàu thuyền, bao gồm cả tàu Hải Dương Đại Chất 8, khỏi EEZ cho thấy Việt Nam đang cứng rắn. Không lâu sau đó, Mỹ ra tuyên bố chỉ trích việc Trung Quốc dựa vào các hành động cưỡng ép để cản trở việc thăm dò dầu khí của các nước khác.
Cũng trong thông cáo, Việt Nam kêu gọi "các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này", động thái được các chuyên gia nhận định là nhằm quốc tế hóa vấn đề và không để Trung Quốc xử lý chuyện này "nội bộ".
Vậy điều sẽ khiến Trung Quốc rút lui khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?
Ít nhất, theo chuyên gia của NTU, ASEAN cần có một lập trường thống nhất và rõ ràng trong tình huống này. Bản thảo tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN tháng này cho thấy ASEAN lên án hành động của Trung Quốc tại Biển Đông làm "xói mòn niềm tin". Dù vậy, đó chỉ là bản thảo và sự chia rẽ thời gian qua có thể ảnh hưởng ngôn từ, lời lẽ của tuyên bố chung, hạn chế ảnh hưởng của nó lên Bắc Kinh.
Tuyên bố mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao Mỹ lên án hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. |
Giới lãnh đạo ASEAN cần cảnh báo Bắc Kinh rằng bất cứ hành động cưỡng ép nào như sự kiện mấy tuần qua ở Biển Đông, đi ngược lại các nguyên tắc và luật lệ quốc tế đã được xác lập, đe dọa những thành tựu mà ASEAN và Trung Quốc đã đạt được trong hai năm đàm phán COC vừa qua. Sự kiện này nên là miếng giấy quỳ, phép thử cho tính trung tâm và vai trò quan trọng hãy còn tiếp tục của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.
Giờ là lúc để thể hiện, sau khi khối đã không thể ra được tuyên bố chung vào tháng 7/2012 để đối phó với các tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc, ông nói.
Giờ cũng là lúc để cộng đồng quốc tế, không chỉ các quốc gia thành viên ASEAN, nhận ra rằng những nỗ lực để hòa giải với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã không cho ra quả ngọt, dù sau rất nhiều nỗ lực.
Một mặt, Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy ngoại giao, nhưng họ được trông thấy đã xúc tiến COC thời gian qua. Mặt khác, họ tiếp tục tận dụng các công cụ cưỡng ép để đạt được mục đích, bất chấp xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của các bên khác.