Ông Shinzo Abe sinh năm 1954 tại Tokyo, trong một gia đình có truyền thống làm chính trị với ông ngoại là Nobusuke Kishi, Thủ tướng Nhật giai đoạn 1957-1960, và cha là Shintaro Abe từng giữ chức ngoại trưởng. Trong ảnh, ông Abe (trái) chụp ảnh cùng cha, mẹ và anh trai năm 1957. Ảnh: Getty. |
Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học chính trị tại Đại học Nam California (Mỹ), ông Abe trở về Nhật, tham gia tích cực trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) và từ năm 1982 trở thành thư ký cho cha, khi đó là Ngoại trưởng Nhật Bản Shintaro Abe. Đến năm 1993, ông giành được ghế trong Hạ viện và đảm nhận một loạt chức vụ trong chính phủ. Tư tưởng cứng rắn của ông với Triều Tiên nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của LDP. Năm 2003, ông Abe được bổ nhiệm làm tổng thư ký đảng LDP. Ảnh: Getty. |
Đến năm 2006, sau khi ông Junichiro Koizumi rời chức lãnh đạo đảng LDP và vai trò thủ tướng vì giới hạn nhiệm kỳ, ông Abe trở thành người kế nhiệm hai chức vụ. Thời điểm đó, Thủ tướng Abe là thủ tướng đầu tiên của nước này sinh sau Thế chiến II và là thủ tướng trẻ nhất lịch sử sau chiến tranh. Tuy nhiên chỉ một năm sau, ông Abe phải từ chức với lý do sức khỏe. Trong ảnh, Thủ tướng Abe khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội năm 2007. Ảnh: Getty. |
Ông Abe nhậm chức thủ tướng lần đầu tháng 9/2006. Ảnh: Kyodo. |
Ông Abe tại trụ sở của đảng LDP ở Tokyo vào ngày bầu cử 16/12/2012. Ông Abe một lần nữa được Quốc hội bầu làm thủ tướng Nhật Bản. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông dẫn dắt đảng LDP giành chiến thắng trong các cuộc tổng tuyển cử năm 2014 và 2017, cũng như các cuộc bầu cử thượng viện vào năm 2013, 2016 và 2019. Ảnh: Kyodo. |
Theo Wall Street Journal, ông Abe được đánh giá là người đã định hình lại nước Nhật thời hiện đại, bao gồm phục hưng nền kinh tế Nhật từ tình trạng trì trệ những năm 1990. Kế hoạch phục hưng nền kinh tế Nhật Bản của ông, có tên là Abenomics, thúc đẩy thị trường chứng khoán phục hồi và tăng lợi nhuận doanh nghiệp. Trong ảnh, ông Abe cùng các học sinh ở thành phố Chiba tham gia cuộc diễn tập thảm họa toàn quốc ngày 1/9/2013. Ảnh: AP. |
Đoàn Nhật ăn mừng ở Buenos Aires tháng 9/2013 khi Tokyo được chọn làm nơi đăng cai Olympic mùa hè 2020. Ảnh: Kyodo. |
Thủ tướng Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 27/5/2016. Trong thời gian nắm quyền, ông Abe đã thúc đẩy hợp tác quân sự chặt chẽ hơn với Mỹ và tăng cường sức mạnh quân sự quốc gia. Ảnh: AP. |
Sau nhiều năm có mối quan hệ lạnh nhạt với Trung Quốc, Thủ tướng Abe nỗ lực mở ra kỷ nguyên mới cho hai nước. Vào năm 2018, lần đầu tiên sau 7 năm, một thủ tướng Nhật Bản có chuyến thăm tới Bắc Kinh. Tại đây ông Abe hội đàm cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để phát triển mối quan hệ giữa hai quốc gia. Ảnh: AP. |
Từ đầu năm 2020, chính phủ của ông Abe đối mặt cùng lúc hai cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhật hiện ghi nhận hơn 63.000 ca nhiễm virus corona và vẫn đang loay hoay kiềm chế bùng phát lây nhiễm trong khi phần lớn Đông Á đã kiểm soát tương đối tốc độ lây lan của virus. Thị trường chứng khoán Nhật dần hồi sinh trong nhiệm kỳ thứ hai của lãnh đạo LDP, nhưng rồi đại dịch ập đến và phá hỏng mọi kế hoạch. Ảnh: Reuters. |
Ngày 17/8, ông Abe (thứ ba từ trái sang) xuất hiện tại bệnh viện Đại học Keio ở Tokyo, làm dấy lên lo ngại về tình trạng sức khỏe của ông. Thời điểm đó, nhà lãnh đạo 65 tuổi đã làm việc hơn 130 ngày không nghỉ ngơi. Ảnh: Kyodo. |
Không lâu sau đó, Thủ tướng Abe xác lập kỷ lục mới. Tính tới ngày 23/8, ông là nhà lãnh đạo của Nhật Bản trong hơn 2.798 ngày liên tục - tương đương với kỷ lục được chú ruột Eisaku Sato của ông (trái) xác lập trước đó. Kể từ ngày 24/8, Thủ tướng Abe là thủ tướng có tổng số ngày tại vị và thời gian nắm quyền liên tục lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Ảnh: Nikkei. |
Tới ngày 28/8, ông Abe chính thức tuyên bố từ chức thủ tướng với lý do sức khỏe. Ông Abe bị bệnh viêm loét đại tràng kinh niên và căn bệnh này tái phát trong thời gian gần đây. Theo Mainichi, ông Abe từ chức trong thời điểm nước Nhật đang bất ổn và đặt ra những thách thức lớn chưa từng có cho nước này. Ảnh: Kyodo. |