Roger Launius - tác giả cuốn Apollo’s Legacy xuất bản tháng 5 vừa qua - chia sẻ với trang Space về niềm tin của cựu tổng thống Mỹ với sứ mệnh Apollo 11.
Ngày 20/7/1969, người dân trên khắp thế giới đã xem trên truyền hình trực tiếp hình ảnh các phi hành gia của tàu Apollo 11, trong đó có Neil Armstrong và Buzz Aldrin, bước những bước chân lịch sử đầu tiên lên Mặt Trăng.
Thành công của tàu vũ trụ Apollo 11 thực sự là một bước nhảy vọt khổng lồ, nhưng nó không phải là một phép màu bỗng dưng đến.
Kế hoạch một thập kỷ
Vào ngày 25/5/1961, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy (JFK) tuyên bố trước một phiên họp đặc biệt của Quốc hội rằng nước Mỹ đã lên kế hoạch đưa con người lên Mặt Trăng và đưa họ trở lại Trái Đất an toàn trước khi kết thúc thập kỷ này.
John F. Kennedy phát biểu về việc đưa con người lên Mặt Trăng. Ảnh: NASA |
Vào thời điểm đó, Mỹ mới chỉ có một lần kinh nghiệm đưa con người tiến vào vũ trụ và bước đi này cũng mới diễn ra chỉ ba tuần trước đó. Vào ngày 5/5/1961, phi hành gia Alan Shepard (nằm trong nhóm 7 phi hành gia đầu tiên của nước Mỹ) đã thành công bay vào vũ trụ. Tuy nhiên, chuyến bay này không hoàn thành được quỹ đạo vòng quanh Trái Đất.
Dù vậy, JFK vẫn tin tưởng rằng Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) - được thành lập năm 1958 - có thể thực hiện được lời hứa táo bạo của ông.
"Tôi nghĩ ông ấy cho rằng điều đó có thể xảy ra", Roger Launius - nhà sử học về không gian của NASA từ năm 1990 đến 2002 và là tác giả của cuốn Apollo’s Legacy - chia sẻ.
Được nhà xuất bản Smithsonian Books phát hành tháng 5 vừa qua, Apollo’s Legacy là những câu chuyện đa diện đưa tới thành công của Apollo 11, ý nghĩa của nhiệm vụ này và những ảnh hưởng lâu dài của nó tới xã hội Mỹ.
JFK đã đi đến kết luận trên sau khi ông thảo luận về ý tưởng đưa con người lên Mặt Trăng, lên vũ trụ với NASA - nơi đã lên kế hoạch cho những điều thậm chí còn lớn lao hơn. Theo chuyên gia về các chính sách vũ trụ John Logsdon, vào năm 1959, NASA đã xác định Sao Hỏa là mục tiêu dài hạn trong chương trình đưa con người lên vũ trụ. Đến đầu năm 1961, sau khi xem xét nhiều bản phân tích, NASA nhận định dù nhiệm vụ đặt chân lên hành tinh đỏ sẽ khó khăn và đòi hỏi sự đột phá đáng kể, không có vấn đề nào về công nghệ có thể ngăn điều đó xảy ra.
"Lập trường này đã hình thành nên cơ sở của NASA khi họ nói với ông Kennedy, 'Nếu ngài cam kết cung cấp các nguồn lực, thưa Tổng thống, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể làm điều đó (đưa phi hành đoàn đổ bộ lên Mặt trăng)", Logsdon - giáo sư danh dự về khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington - nói với trang Space.
"Vì vậy, ban lãnh đạo NASA có niềm tin tương đối lớn về khả năng thực hiện ở mức cơ bản chương trình hạ cánh trên Mặt Trăng, mặc dù hành trình đặt chân lên Mặt Trăng sau đó đã không diễn ra như điều họ nghĩ tới ban đầu ", ông Logsdon nói thêm.
Sách Apollo's Legacy. Ảnh: Amazon |
Tìm kiếm tài trợ và ủng hộ là một nhiệm vụ lớn trong kế hoạch đặt chân lên Mặt Trăng. Và JFK đã có một lợi thế lớn: Phó Tổng thống của ông là Lyndon Johnson, một cựu lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, rất có kinh nghiệm trong việc gây ảnh hưởng, kêu gọi ủng hộ tại Quốc hội.
Mục tiêu cho năm 1969 là "có thể thực hiện được và về mặt chính trị, Johnson đã có Quốc hội đứng sau hỗ trợ", ông Launius chia sẻ với trang Space.
Cuộc chạy đua không gian gay gắt với Liên Xô
Dĩ nhiên, một phần lớn của sự hỗ trợ đó bắt nguồn từ mong muốn vượt lên Liên Xô - đối thủ của nước Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Thông báo của JFK được đưa ra chỉ 6 tuần sau khi Liên Xô thực hiện thành công chuyến phi hành vũ trụ có người lái đầu tiên trên thế giới. Ngày 12/4/1961, nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin đã bay vào không gian, đánh dấu bước tiến vượt bậc trong chương trình hàng không vũ trụ của Liên Xô.
Chuyến bay của Gagarin là lần chiến thắng thứ hai của Liên Xô sau khi họ phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới mang tên Sputnik vào quỹ đạo Trái Đất tháng 10/1957.
Neil Armstrong bước đi trên mặt trăng. Ảnh: NASA |
"Kennedy nhận thấy một áp lực rất lớn để Mỹ có thể 'bắt kịp và vượt qua' Liên Xô trong 'cuộc đua không gian'", các quan chức nắm rõ về lịch sử phát triển của NASA đã viết trong một cuốn tư liệu về Apollo 11.
Cuộc trò chuyện với người đứng đầu NASA thời điểm đó là James Webb và nhiều chuyên gia khác cuối cùng đã thuyết phục được JFK rằng nước Mỹ có lẽ sẽ dẫn trước Liên Xô trong cuộc đua lên Mặt Trăng, bất chấp những thất bại trước đó, các nhà sử học NASA nói thêm.
Và mong mỏi đó đã xảy ra. NASA đã đạt được thành công theo lộ trình từng bước, khởi động chương trình Apollo và có sự phối hợp với Project Mercury - chương trình không gian có người lái thứ nhất và Dự án Gemini - chương trình chuyến bay không gian có người lái thứ hai.
Dù vậy, Liên Xô tiếp tục vượt lên trong cuộc đua không gian vào giữa những năm 1960. Trong đó, nhà du hành vũ trụ Alexei Leonov là người đầu tiên đi bộ ngoài không gian vào tháng 3/1965. Hành trình này diễn ra ba tháng trước khi phi hành gia Ed White của NASA mạo hiểm bước đi bên ngoài phi thuyền Gemini của mình.
Liên Xô đã định đặt chân lên Mặt Trăng nhưng thất bại. Họ đã chế tạo một tên lửa khổng lồ gọi là N1 cho hành trình lên Mặt Trăng nhưng chưa phóng nó thành công.
Nước Mỹ đã đạt được điều đó trong cuộc đua vũ trụ vào ngày 20/7/1969.