Trong các tội danh mới được bổ sung vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 có hai tội danh về lĩnh vực tần số vô tuyến điện. Đó là tội danh sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh và tội cố ý gây nhiễu có hại.
Người vi phạm khi sử dụng tần số sai quy định có thể bị phạt 100 triệu đồng hoặc phạt tù tới 5 năm. Ảnh minh họa. |
Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm, chứ không chỉ bị xử phạt hành chính như trước.
Bộ Luật Hình sự sửa đổi quy định, người nào sử dụng tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh vào mục đích khác (Điều 293), hoặc người nào cố ý gây nhiễu có hại, cản trở hoạt động bình thường của hệ thống thông tin vô tuyến điện (Điều 294), gây thiệt hại từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức hoặc gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm sẽ có mức phạt sẽ là 1-5 năm.
Trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm trong quản lý tần số vô tuyến điện ngày càng gia tăng. Trong đó, hành vi sử dụng điện thoại không dây kéo dài không đạt chuẩn hay trạm kích sóng di động trái phép gây can nhiễu mạng di động khá phổ biến, gây mất sóng hoặc ảnh hưởng mạng di động 3G.
Theo số liệu từ Cục Tần số vô tuyến điện, tính đến cuối năm 2015, gần 3.500 thiết bị phát sóng chuẩn DECT 6.0 gây nhiễu đã bị phát hiện. Song hầu hết, người sử dụng không biết đây là hành vi trái quy định.
Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 27/11/2015 tại kỳ họp thứ 10. Bộ luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.