Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sử dụng siêu máy tính tìm kiếm thông tin liệt sĩ

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số đã chế tạo siêu máy tính để tích hợp dữ liệu thông tin, rút ngắn thời gian tìm kiếm liệt sĩ.

Tích hợp công nghệ để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số đã chế tạo siêu máy tính để tích hợp, chuẩn hóa dữ liệu thông tin quân nhân hy sinh do Bộ Quốc phòng cung cấp.

Chiều 10/7, thông tin về các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung bày tỏ việc còn trên 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập và trên 300.000 hài cốt liệt sĩ đang được an táng chưa đầy đủ thông tin là điều day dứt nhất của cả đất nước.

Ba bộ phối hợp

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, với cách làm phổ thông hiện nay, việc tìm kiếm liệt sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó bằng việc việc tích hợp công nghệ thông tin, tích hợp ngân hàng gen liệt sĩ sẽ giúp các gia đình có thể chủ động tìm kiếm thông tin, rút ngắn thời gian tìm kiếm, đối chiếu.  

Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn cho hay hiện Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số Việt Nam đã chế tạo siêu máy tính để tích hợp, chuẩn hóa dữ liệu thông tin quân nhân hy sinh do Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động cung cấp.

Cụ thể, Viện công nghệ phần mềm và nội dung số (thuộc Bộ Thông tin Truyền thông) đã chủ trì phối hợp cùng với Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) và Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) ứng dụng CNTT để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Cơ sở dữ liệu này giúp cho việc cập nhật, tiếp nhận và phân tích xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ một cách nhanh chóng và thuận tiện.

tim kiem thong tin liet si bang sieu may tinh anh 1
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (giữa), Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn (phải), Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lâm Phương Thanh tại cuộc họp báo chiều 10/7. Ảnh: C.K.

Từ 17/2 đến 30/5, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã thu lại nhiều kết quả khả quan như đã sử dụng siêu máy tính chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu về quân nhân hy sinh của Cục chính sách. Đối chiếu dữ liệu để lập dữ liệu trùng nhau, dữ liệu nhiễu, từ đó giúp rút ngắn đáng kể công tác xử lý chuẩn hóa dữ liệu của Cục chính sách, đẩy nhanh việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.

Đơn vị đã xây dựng trang thông tin tìm kiếm thông tin liệt sĩ dựa trên việc tích hợp cơ sở dữ liệu của Bộ LĐTB&XH, Bộ Quốc phòng để cung cấp cho cơ quan chức năng thông qua công cụ tìm kiếm duy nhất có thể tìm kiếm đầy đủ về liệt sỹ.

Trong đó sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn, xử lý ngôn ngữ tiếng Việt, cho phép máy tính tìm kiếm hoạt động tìm kiếm thông minh, giúp người dùng tiếp cận thông tin nhanh và phong phú hơn.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cơ quan chức năng có thể huy động nguồn lực, sức mạnh của các mạng xã hội như Facebook, Zalo trong việc cung cấp các thông tin còn thiếu nhằm thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt đưa lên hệ thống chung này.

Nâng mức sống của người có công

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết năm 2002, cả nước xác nhận 6 triệu người người có công, tới 2017 là 9 triệu. Trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1.300 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 800.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh…

Năm 2002, 17% gia đình người có công với cách mạng có mức sống thấp hơn mức sống trung bình của cộng đồng cư dân nơi cư trú, đến cuối 2016, chỉ còn 3%.

Bộ Lao động đề ra mục tiêu từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng, phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công đều có mức sống cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Bộ cũng sẽ giải quyết căn bản việc xác nhận hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng. 

Ngoài ra, từ năm 2005 tới nay, trên 70.500 hài cốt liệt sĩ được quy tập. Bằng phương pháp giám định ADN, 3.243 liệt sĩ được xác định danh tính, gắn biển tên.

Về các hoạt động kỷ niệm, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thông tin vào 9h30 ngày 27/7, Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Bên cạnh đó là Lễ kỷ niệm truyền thống 45 năm sự kiện Thành cổ Quảng Trị và chương trình nghệ thuật “Linh thiêng thành cổ”; chương trình Đại hoa đăng trên sông Thạch Hãn. Ngày 21/7, lễ cầu siêu với sự tham dự 10.000 người sẽ diễn ra tại bờ sông Thạch Hãn. 

Nghĩa trang bừng sáng đêm tri ân các anh hùng liệt sĩ

Tối 26/7, Nghĩa trang liệt sĩ TP Hà Nội sáng rực với hàng trăm ngọn nến để tưởng nhớ, tri ân những người lính đã ngã xuống bảo vệ Tổ quốc.

Công Khanh

Bạn có thể quan tâm