Rạng sáng 6/2, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP.HCM kiểm tra cơ sở kinh doanh Beer Garden Poc Poc trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Thời điểm đó, cảnh sát ghi nhận tại quán có 411 người (82 người nước ngoài); phát hiện 63 bình khí cười, hàng chục gói shisha, 6 kiện rượu. Đại diện cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp số bình khí và số rượu trên.
Theo quy định hiện hành, việc kinh doanh và sử dụng shisha, bóng cười có hợp pháp? Nếu vi phạm quy định pháp luật, chế tài xử lý là như nào?
Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Đoàn luật sư TP Hà Nội
Shisha là tên gọi của một loại thuốc hút có xuất xứ từ Ả Rập. Thực chất, đây là một loại cỏ được tẩm thêm mật ong cùng các hương liệu trái cây như nho, cam, táo, dâu…Shisha không phải là thuốc lá. Do vậy, không thể áp dụng các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho shisha.
Tại khoản 1, Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020, quy định những ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh thì shisha không nằm trong danh mục ngành nghề, hàng hóa, sản phẩm bị cấm đầu tư kinh doanh. Do vậy, shisha không phải hàng hóa, sản phẩm bị cấm nên cá nhân và tổ chức muốn kinh doanh hàng hóa, sản phẩm này chỉ cần đáp ứng các điều kiện về công bố tiêu chuẩn đối với hàng hóa, sản phẩm này bao gồm: Thành phần, tính chất… lên bao bì hàng hóa; nhãn hàng hóa; tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa, để người tiêu dùng được biết. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức kinh doanh mặt hàng này cần thực hiện thủ tục về thuế, kê khai hóa đơn chứng từ về hàng hóa, công bố tiêu chuẩn áp dụng cho hàng hóa trước khi đưa vào lưu thông.
Như vậy, shisha là mặt hàng không bị cấm kinh doanh nhưng để kinh doanh mặt hàng này cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện về công bố tiêu chuẩn sản phẩm, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chứng từ hóa đơn nhập khẩu từ nhà phân phối, nhà sản xuất để xuất trình khi cơ quan chức năng yêu cầu.
Bóng cười là một loại khí N2O (Dinitơ oxit hay nitrous oxide) được nén hoặc bơm vào quả bóng. Khí N2O thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, Phụ Lục II của Nghị định 113/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hóa chất).
Khí này khi hít vào có khả năng tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng, sảng khoái cho người sử dụng. Việc sử dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như: Cảm giác châm chích ở đầu chi và đi đứng loạng choạng; các rối loạn khí sắc; rối loạn trí nhớ; rối loạn giấc ngủ; các rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp; thiếu máu, thiếu B12...
Vì vậy, việc nhập khẩu, mua bán khí N2O để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội vẫn được thực hiện nhưng phải đảm bảo đúng những quy định chặt chẽ của pháp luật.
Bóng cười không nằm trong danh mục chất ma túy và tiền chất theo quy định tại Nghị định 73/2018/NĐ-CP. Việc sử dụng bóng cười tuy chưa có điều luật cụ thể nào quy định cấm nhưng việc mua bán, sử dụng bóng cười cho người là vi phạm. Do sử dụng bóng cười gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người sử dụng nên không được cấp phép để mua bán, sử dụng cho người.
Vì vậy, hành vi sản xuất bóng cười trái phép cung cấp cho thị trường sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 17 Nghị định 71/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 17/2022/NĐ-CP. Mức xử phạt với hành vi sản xuất bóng cười từ 20 đến 25 triệu đồng (đối với cá nhân). Đối với tổ chức doanh nghiệp vi phạm, mức phạt gấp đôi mức quy định trên.
Như vậy, hành vi sản xuất và sử dụng bóng cười là hành vi vi phạm pháp luật. Người sản xuất, phân phối và sử dụng mặt hàng này đều sẽ bị cấm.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…