Sử dụng sai hàng chục ngàn tỉ đồng ở Petro Vietnam
Khoản tiền lãi dầu khí mà PVN được giữ lại đến năm 2010 là hơn 34.800 tỉ đồng bị sử dụng sai hơn 15.600 tỉ đồng vào một số hoạt động tài chính là một trong số nhiều sai phạm ở Tập đoàn dầu khí.
>> Bộ trưởng Thăng có trách nhiệm trong sai phạm của tập đoàn dầu khí
>> PetroVietnam rút bớt vốn, đổi tên gọi dự án Tháp Dầu khí
PVN cũng phải kiểm tra, đánh giá hiệu quả các gói thầu chỉ định sai, đồng thời kiểm điểm với tập thể, cá nhân liên quan đến các khuyết điểm, sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ nêu... Thủ tướng vừa có ý kiến chỉ đạo như vậy về xử lý sau thanh tra tại PVN.
Ứng vốn, sử dụng quỹ không đúng
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại PVN (tập đoàn kinh tế nhà nước lớn nhất, đang nắm giữ khối tài sản, tài nguyên khổng lồ của đất nước) có nhiều sai phạm.
Cụ thể, PVN sử dụng sai quỹ đầu tư phát triển, chi vào những dự án không đúng mục đích sử dụng quỹ như chi 352 tỉ đồng làm đường từ TP Cà Mau đến KCN khí - điện - đạm Cà Mau, đến nay chưa đòi lại được. PVN còn tùy tiện sử dụng hơn 60 tỉ đồng để xây dựng đường giao thông xã và trường mẫu giáo ở Vũng Tàu. Các khoản chi này trái với quy chế quản lý tài chính công ty mẹ PVN do Chính phủ ban hành.
Tương tự, các quỹ khác do PVN quản lý như quỹ nghiên cứu khoa học và đào tạo, quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí, quỹ bảo đảm nghĩa vụ tài chính cũng bị sử dụng sai mục đích, tạm ứng đã lâu chưa quyết toán hoặc để nhà thầu chây ì không chịu nộp quỹ mà chưa có giải pháp xử lý.
Thanh tra Chính phủ còn nêu: Khoản tiền lãi dầu khí mà PVN được giữ lại đến năm 2010 là hơn 34.800 tỉ đồng đã bị PVN sử dụng sai đến hơn 15.600 tỉ đồng vào một số hoạt động tài chính. Số tiền này được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí kết luận là “chi không thuộc dự án trọng điểm dầu khí” như quy định.
Theo Thanh tra Chính phủ, PVN đã chi những khoản tiền không thuộc dự án trọng điểm dầu khí như quy định. |
Đáng chú ý, PVN đã ứng vốn xây dựng các công trình ngoài hàng rào Nhà máy lọc dầu Dung Quất và một số công trình tại các địa phương khác theo chỉ đạo của Chính phủ với số tiền hơn 1.647 tỉ đồng trong nhiều năm nhưng đến nay các đơn vị được ứng vốn không có kế hoạch trả nợ hoặc không có khả năng thanh toán.
PVN cũng tự ý ứng vốn cho một số địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Sóc Trăng, Hậu Giang với giá trị trên 620 tỉ đồng để các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khi chưa có chỉ đạo của Thủ tướng.
Đầu tư ngoài ngành gần 5.600 tỉ đồng
Thanh tra còn kết luận: Các khoản đầu tư của PVN vào ngành, lĩnh vực phụ trợ, đầu tư vào bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng có hiệu quả lợi nhuận rất thấp. Trong khi đầu tư vào ngành chính là dầu khí, tìm kiếm, thăm dò có tỉ suất lợi nhuận gần 29% thì với các công ty liên kết PVN bỏ vốn, lợi nhuận bình quân năm năm chỉ đạt 3,4%; đầu tư dài hạn đạt 6,53%; đầu tư vào bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng chỉ đạt lợi nhuận 2,82%. Riêng lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, PVN đã đầu tư gần 5.600 tỉ đồng.
Ngoài các sai phạm về quản lý, sử dụng vốn nói trên, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra nhiều vụ việc sai phạm khác ở PVN như bán căn biệt thự 69 Nguyễn Du (Hà Nội) thu 96 tỉ đồng. Căn biệt thự Thủ tướng cho phép bán chỉ định cho PVN làm trụ sở làm việc. Sau đó, UBND TP Hà Nội có quyết định giao đất, nói rõ là PVN không được chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích sử dụng nếu không được phép của địa phương. Thế nhưng chỉ một năm sau đó, PVN đã bán. Hiện Công an Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ này.
Ngoài ra, PVN chỉ định thầu hai gói với giá trị hơn 32 tỉ đồng, các đơn vị thành viên chỉ định thầu bốn gói với giá trị hơn 743 tỉ đồng, hơn 110 triệu USD, 0,6 triệu euro chưa đúng với với quy định của Thủ tướng về chỉ định thầu cung cấp dịch vụ cho các dự án của tập đoàn.
Thanh tra Chính phủ kết luận PVN phải chịu trách nhiệm chính về các sai phạm trên.
Khiếu kiện nhiều do xử lý đơn thư chưa tốt
Tại cuộc họp báo ngày 5/4, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân những tháng đầu năm có diễn biến phức tạp: Nửa cuối tháng 2 đến cuối tháng 3/2012 tăng về số lượt người, số đoàn đông người và tính chất, mức độ gay gắt hơn. Nguyên nhân một phần do hiệu ứng từ vụ cưỡng chế thu hồi đất trái luật ở Tiên Lãng nhưng lý do chính (rút ra từ ba hội nghị về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Chính phủ tổ chức ba miền) là công tác tiếp dân, xử lý đơn thư ở nhiều nơi chưa tốt. Có nơi còn né tránh, đùn đẩy giải quyết đơn, khiến người dân bức xúc, đến mức cơ quan nhà nước kết luận giải quyết rồi cũng không tin, không đồng tình… Một số nguyên nhân khác là yếu kém lâu nay của công tác quản lý đất đai, thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng... chưa được khắc phục. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế; kẻ xấu lôi kéo, kích động khiếu kiện đông người, phức tạp… Ông Tranh nhận định. Với tình trạng khiếu kiện đông người gia tăng, trước mắt Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp Bộ Công an vận động, thuyết phục để người khiếu kiện trở về. Thanh tra Chính phủ cũng lập các tổ công tác phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu kiện đông người, bức xúc, kéo dài. |
Theo Pháp Luật TP HCM