Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự đối lập trong diễn văn nhận đề cử của hai ông Trump và Biden

Trong diễn văn của mình, cả ông Trump và ông Biden đều nói đây là kỳ bầu cử quan trọng nhất. Hai diễn văn đều có pháo hoa rực rỡ theo sau. Nhưng sự tương đồng chỉ dừng lại ở đó.

Khi phát biểu chấp nhận đề cử làm ứng viên đảng mình, ông Trump và ông Biden như thể đang tranh cử ở hai nước khác nhau. Những góc nhìn và thực tế mà hai ông đưa ra hoàn toàn trái ngược.

Nếu theo dõi hai diễn văn, tại ngày kết thúc các đại hội của đảng Cộng hòa (ngày 27/8) và đảng Dân chủ (ngày 20/8), khán giả sẽ nhìn thấy những thực tại khác hẳn nhau.

Bài phát biểu của ông Trump được đọc từ Nhà Trắng với các đại biểu ngồi dưới, hầu như không giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang. Ông Trump phát biểu từng ý một giữa những tràng vỗ tay như trong một đại hội truyền thống. Có thể tưởng như dịch Covid-19 không còn nữa.

Trước đó một tuần, ông Biden không có khán giả vỗ tay, ông đứng giữa một khán phòng gần như trống người và mọi thứ giống một hội thảo qua Zoom hơn là đại hội truyền thống. Ông Biden và bà Kamala Harris, ứng viên phó tổng thống, hạn chế bắt tay chúc mừng sau bài phát biểu. Họ đeo khẩu trang và bước ra ngoài trời, chào người ủng hộ đang theo dõi từ các ôtô đang đỗ cách xa nhau.

bau cu tong thong My anh 1

Ông Trump phát biểu trước khán giả liên tục vỗ tay như đại hội truyền thống. Ảnh: Reuters.

Ông Trump vẽ nên nước Mỹ hỗn loạn

Nhắm đến khối cử tri trung thành của mình, Tổng thống Trump vẽ nên một nước Mỹ với các thành phố hỗn loạn vì biểu tình, đầy rẫy nguy hiểm, còn ông Biden bị điều khiển bởi phe cấp tiến, ngả xa hẳn về cực tả, để rồi trở thành mối đe dọa cho người Mỹ.

Trong diễn văn khoảng một giờ như đại hội truyền thống, so với 25 phút của ông Biden, ông Trump dùng hàng loạt các phát biểu từ cường điệu hóa đến sai thực tế.

Các ứng viên tổng thống Mỹ vẫn thường bất đồng khi đi vào các vấn đề cụ thể, nhưng trong nhiều kỳ bầu cử gần đây, chưa hề có ứng viên reo rắc sợ hãi một cách bao trùm như ông Trump. Sau đó, ông nói mình đang là “người bảo vệ” cho nước Mỹ hiện tại.

Có thể thấy ngày càng rõ hơn cách công kích của ông Trump nhắm vào ông Biden: dùng những ngôn từ giật gân, gây hoảng sợ.

Ông Trump nói ông Biden “không phải là người cứu lấy linh hồn nước Mỹ, mà là người sẽ phá hủy việc làm của nước Mỹ, và nếu có cơ hội, sẽ phá hủy sự vĩ đại của nước Mỹ”.

“Joe Biden dành cả sự nghiệp của mình để chuyển việc làm và giấc mơ của người Mỹ ra nước ngoài, mở cửa biên giới, và cử con em chúng ta sang các cuộc chiến tranh ở nước ngoài”, ông Trump nói, dù không hề có cơ sở gì cho thấy ông Biden muốn “mở cửa biên giới”.

Tận dụng triệt để câu nói gần đây của ông Biden là có thể phải cân nhắc phong tỏa trở lại tùy tình hình dịch, ông Trump nói ông Biden là “đầu hàng” virus corona. Ông Trump nhất quyết yêu cầu các hoạt động kinh tế và trường học mở lại sớm, bất chấp thăm dò cho thấy đa số người Mỹ lo lắng về việc quay lại bình thường khi virus vẫn lây lan mạnh, theo New York Times.

Ông còn nói đảng Dân chủ muốn nhẹ tay với tội phạm, khiến “tội phạm lũ lượt tràn về các khu phố của bạn”. Ông đang tận dụng một số vụ bạo loạn trong phong trào biểu tình - đa phần là ôn hòa - trên khắp nước Mỹ mùa hè năm nay.

“Sẽ không ai còn được an toàn ở nước Mỹ của ông Biden”, ông Trump phát biểu.

Trả lời phỏng vấn gần đây, ông Biden phản bác lại rằng bạo lực đang diễn ra là ngay lúc này, ngay trong nước Mỹ dưới thời ông Trump.

bau cu tong thong My anh 2

Khán giả của ông Trump hầu như không giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang. Ảnh: Reuters.

Liên tục phát biểu một chiều

Khi đi vào cụ thể, dù là công kích ông Biden hay nêu thành quả của mình, các phát ngôn của ông Trump nhiều lần bị các báo Mỹ kiểm chứng là sai sự thật, thiên lệch hoặc cường điệu, xuyên suốt diễn văn.

Chẳng hạn, ông Trump tiếp tục nhận công về mình sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế Mỹ, dù những người kiểm chứng đều nói kinh tế đã có đà tăng trưởng lớn từ sau suy thoái, dưới thời Obama. Đà tạo việc làm những năm đầu thời Trump đã giảm so với những năm cuối thời Obama, theo New York Times.

Ông Trump cũng không nhắc tới thực tế là trong cùng ngày, 1,4 triệu người Mỹ phải xin trợ cấp thất nghiệp, và có tới 27 triệu người Mỹ đang sống nhờ trợ cấp này.

Trong suốt đại hội đảng Cộng hòa, thực tế thiệt hại kinh hoàng của Mỹ do đại dịch Covid-19 bị toàn bộ các diễn giả đảo ngược. Họ không lập luận bằng dữ kiện thực tế, mà chỉ nói Tổng thống Trump là lãnh đạo cần có vào thời điểm khó khăn này, dù thăm dò cho thấy đa số người Mỹ tin rằng ông Trump thất bại trong ứng phó dịch bệnh. Gần như không ai nhắc đến con số 180.000 người Mỹ tử vong, sự tê liệt về kinh tế, cũng như chặng đường phục hồi dài phía trước, theo New York Times.

Trong diễn văn, ông Trump tiếp tục dùng từ “virus Trung Quốc”. Ông liên tục nói mình quyết đoán chống dịch khi đã cấm đi lại từ Trung Quốc khá sớm, nhưng những người kiểm chứng nói lệnh cấm đó có nhiều ngoại lệ, và ngay sau đó, chính quyền của ông lúng túng, chậm trễ trong xét nghiệm, để virus lây lan.

Trong các tháng sau đó, ông Trump từng coi nhẹ mối nguy từ đại dịch, nói “virus sẽ tự biến mất”, nêu các liệu pháp chữa trị thiếu cơ sở, và từ chối ủng hộ đeo khẩu trang dù khoa học khẳng định lợi ích.

“Chúng tôi chuyển hàng trăm triệu khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ đến các nhân viên y tế tuyến đầu”, ông Trump phát biểu tại đại hội.

Nhưng những người kiểm chứng coi phát ngôn đó là một phía. Theo New York Times, một báo cáo từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ từ đầu đại dịch cho thấy nhiều bệnh viện không nhận được đồ bảo hộ từ kho dự trữ liên bang, hoặc không được nhận đủ - “không đủ dùng một ngày” - một bệnh viện nói trong báo cáo.

bau cu tong thong My anh 3

Nhiều phát ngôn của ông Trump bị những người kiểm chứng đánh giá là sai sự thật. Ảnh: New York Times.

Nhiều khẳng định của ông Trump về ông Biden cũng bị các kiểm chứng viên đánh giá là sai sự thật. Nhắm vào nỗi sợ của cử tri Cộng hòa, ông Trump liên tục gọi ông Biden là “phe cấp tiến, ngả quá xa về cánh tả”, và bị phe này điều khiển.

Phía ông Biden đang bị coi là chưa chuẩn bị tốt trước hướng đả kích này. Trên thực tế, ông Biden tranh cử như một người cánh tả ôn hòa, đánh bại ông Sanders là người “cấp tiến” hơn. Sau đó, để đoàn kết trong đảng Dân chủ, ông Biden hợp tác với ông Sanders, có ngả theo ông Sanders trong một vài vấn đề, nhưng đã từ chối hầu hết chủ trương của ông Sanders.

Ông Trump còn phê phán ông Biden sẽ giảm ngân sách cho cảnh sát và “đã hứa sẽ ngừng sản xuất dầu, than, khí thiên nhiên ở Mỹ” - dù ông Biden không hề hứa như vậy và cũng chưa từng nói ủng hộ giảm ngân sách cho cảnh sát, theo New York Times.

Không nêu kế hoạch tương lai

Một trong những phát ngôn có lẽ gây ngạc nhiên nhất, nhưng cũng rất giống phong cách cường điệu của ông Trump, là câu nói: “Tôi muốn nói rất khiêm tốn là mình đã làm nhiều hơn cho cộng đồng Mỹ gốc Phi hơn mọi tổng thống kể từ Abraham Lincoln".

Các sử gia từ lâu đã đồng thuận rằng Tổng thống Lyndon Johnson mới là người làm nhiều nhất cho người da đen, khi khởi xướng ba đạo luật Quyền Bầu cử, Quyền Dân sự và Nhà ở Công bằng.

Các ý kiến cho rằng trong những diễn văn quan trọng, ông Trump thường làm theo thông lệ là đọc diễn văn chuẩn bị trước, thay vì tùy hứng như khi đi vận động. Diễn văn ngày 27/8 vừa qua được cho là hiệu quả hơn với những cử tri còn do dự, so với nếu ông Trump “thích gì nói nấy”, có thể chỉ làm vừa lòng các cử tri trung thành.

“Thông thường, các diễn giả khác (ở đại hội) phê phán đối thủ, rồi ứng viên kết lại bằng diễn văn tích cực”, phóng viên Nate Cohn của New York Times bình luận.

Đó là công thức của đại hội đảng Dân chủ. Các diễn giả quan trọng đã đến để nói về mối đe dọa mà họ cho rằng ông Trump đang gây ra với nước Mỹ, rồi sau đó ông Biden sẽ kết lại đại hội bằng một diễn văn tươi sáng hơn.

"Ở đây, các diễn giả khen ngợi ông Trump hết lời, và không quá thống nhất trong việc phê phán ông Biden", theo Cohn.

Với diễn văn kiểu truyền thống có khán giả, một số vị khách được mời đến để minh họa cho diễn văn. Ông nhiều lần mời các vị khách đứng dậy để tán dương, giữa tràng vỗ tay của khán giả - cảnh tượng có hiệu quả lớn trên truyền hình mà đại hội “ảo” của đảng Dân chủ không có được.

Ông Trump không nêu nhiều về kế hoạch của nhiệm kỳ hai. Ông chỉ nêu chung chung về việc có thể tiếp tục giảm thuế, tiếp tục loại bỏ các quy định, vực dậy kinh tế.

Khác với diễn văn của ông Biden nhấn mạnh về khôi phục tinh thần đoàn kết, và “linh hồn” của nước Mỹ, diễn văn của ông Trump không chú trọng sự đoàn kết.

“Chúng ta ở đây, còn họ thì không”, ông Trump quay ra đằng sau, chỉ về Nhà Trắng, và phát biểu, nhận tràng vỗ tay. Đó chắc chắn không phải lời của một tổng thống muốn thể hiện sự đoàn kết.

“Nhìn chung, ông Trump không cố thể hiện mình là tổng thống cho toàn bộ người Mỹ, như ông Biden”, phóng viên Alan Rappeport của New York Times nhận xét. “Thay vào đó, ông cố thể hiện quan điểm rằng ai chống lại ông là không yêu nước. Sự chia rẽ cực độ là con đường mà ông Trump nhìn thấy để có nhiệm kỳ thứ hai”.

Bà Harris chỉ trích TT Trump: 'Ông ta sợ hãi'

Người đồng hành tranh cử cùng ông Joe Biden nói rằng TT Trump từ đầu đã sai lầm trong ứng phó với đại dịch Covid-19.

Ông Biden: TT Trump đã bỏ cuộc trong đối phó với đại dịch

Ứng viên tổng thống Joe Biden và ứng viên phó tổng thống Kamala Harris có cuộc phỏng vấn chung, trong đó ông Biden phê phán ông Trump đã “bỏ cuộc” khi đối mặt với dịch bệnh.

Hy vong moi cua ong Trump hinh anh

Hy vọng mới của ông Trump

0

Đơn kiện mà bang Texas đệ lên Tòa án Tối cao Mỹ đã mang lại cho Tổng thống Donald Trump hy vọng mới về việc trì hoãn, nếu không nói là lật ngược, chiến thắng của ông Joe Biden.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm