Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự độc hại của trào lưu self-help trên TikTok

Xem quá nhiều clip nói về nâng cao năng lực, cải thiện hiệu suất làm việc có thể khiến người xem rơi vào áp lực "phải hoàn hảo", luôn thấy mình chưa đủ tốt.

Nhiều người bị áp lực phải hoàn hảo khi xem quá nhiều clip trên TikTok. Ảnh: JILL BURROW.

Trên TikTok có đầy rẫy những mẹo cải thiện bản thân, giúp chúng ta tìm ra phương pháp mới để làm việc năng suất, hiệu quả và toàn diện hơn.

Các hashtag chủ đề "self-help" (tự lực) ngày càng phổ biến, như #WorkOnYourself có 119,5 triệu lượt xem, #GetYourLifeTogether có hơn 40 triệu lượt và #SelfLoveLifestyle có gần 3 triệu, theo Hull Live.

Khi mở ứng dụng, bạn thấy dường như mọi người đều đang nỗ lực cải thiện bản thân, và bạn cũng có thể dễ dàng làm được điều đó với vô số video có sẵn.

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác. Chính trào lưu này khiến người xem quá tải vì áp lực phải luôn luôn tốt hơn.

Áp lực phải hoàn hảo

Dù chúng ta hiểu nâng cao năng lực bản thân là điều tốt, nhưng đến một thời điểm nào đó, việc "phải tốt hơn" sẽ trở thành gánh nặng tinh thần.

Gillian McMichael, nữ tác giả sách và người sáng lập Full Circle Global, nói rằng hầu hết chúng ta thường mong muốn tìm kiếm một giải pháp tốt hơn để làm mọi thứ. Chúng ta đang ở trong thời đại quá tải mạng xã hội, luôn so sánh, đối chiếu mình với người khác và muốn thứ họ có.

"Các nền tảng truyền thông xã hội gợi ý cách ta có thể đạt được mục tiêu, thay đổi cuộc sống và cải thiện bản thân. Nhưng chỉ với những clip ngắn 30 giây, rõ ràng rất khó để một người hiểu áp dụng được đúng cách", McMichael bày tỏ.

trao luu tiktok anh 1

Người trẻ dễ bị ám ảnh "mình chưa đủ tốt" khi xem quá nhiều video self-helf trên TikTok. Ảnh: Nathalie Lees.

McMichael cho biết trước tình trạng quá tải thông tin trên mạng xã hội, thật khó để một người biết được đâu là phương pháp hàng đầu nên áp dụng cho bản thân.

Thực tế, đầy rẫy những TikToker dù không có chuyên môn vẫn thể hiện như mình là một chuyên gia và trình bày kiến thức theo cách hạn hẹp.

Mỗi ngày, sẽ có thêm hàng nghìn video ngắn bảo chúng ta rằng nên làm điều gì đó khác biệt, chúng thật khó hiểu và không bền vững.

"Nhưng những 'lối đi tắt' không bao giờ hiệu quả trong bất cứ khía cạnh nào của cuộc sống, đặc biệt với sức khỏe. Tôi cho rằng trào lưu này chỉ tạo ra thêm áp lực và có thể mang đến kỳ vọng sai lầm", nữ tác giả nói.

Tư tưởng độc hại

Max Hovey là một Influencer, người tập trung vào việc trao quyền cho cộng đồng LGBTQ+ và thúc đẩy sự tích cực của cơ thể cũng như niềm tin với bản thân.

"Ý tưởng trở thành con người hoàn hảo của bạn một phần là áp lực được tạo ra từ mạng xã hội", Hovey nói, cho biết thêm rằng nỗi ám ảnh của chúng ta về việc "cải thiện bản thân" cũng sinh ra từ hiện tượng này.

trao luu tiktok anh 2

Mỗi người nên cân nhắc về điều mình cần thay đổi và hiểu rằng không ai hoàn hảo. Ảnh: Amber Lee/Daily Bruin.

Anh cho rằng mọi người đều tự đấu tranh cá nhân và áp lực phải luôn "kiểm soát cuộc sống của mình" là rất độc hại.

“Tôi không chắc những người làm nội dung có thực sự 'kiểm soát cuộc sống'. Họ đang chỉ thể hiện những điều tuyệt vời trong cuộc sống của mình mà không phản ánh về mặt khó khăn, khiến người xem cảm thấy tồi tệ về chính họ", Hovey bày tỏ.

McMichael nhận xét rằng mặt tích cực là đang có những chuyên gia chia sẻ kiến thức khoa học và mẹo tuyệt vời của họ với người xem. Nhưng bên cạnh đó, nhiều người không có chuyên môn cũng lao vào nói về chủ đề "thịnh hành" khiến thông tin bị rối loạn.

Những năm gần đây, mọi người quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần và muốn cải thiện bản thân. Do nhu cầu đó, các nguồn thông tin về chủ đề này cũng phong phú và trở nên dễ hiểu.

Tuy nhiên, McMichael cho rằng mỗi người nên cải thiện các khía cạnh cá nhân với lý do chính đáng và tìm cách bền vững, thay vì chạy theo hình tượng bất kỳ.

"Thực tế rất đơn giản, bạn sẽ hạnh phúc khi thay đổi mình theo hướng tích cực vì thấy đó là điều tốt chứ không phải muốn phô trương hình tượng hoàn hảo. Nếu muốn thay đổi bản thân, hãy tìm một huấn luyện viên hay chuyên gia hướng dẫn, thay vì nghe theo một người nào đó không có trình độ trên TikTok".

Nhà có nhiều cột

Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Đời Sống giới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

Hàng loạt video về ung thư trên YouTube gây hiểu lầm

Nghiên cứu của một nhóm từ Bệnh viện Sejong thuộc Đại học Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc) cho thấy khoảng 30% video về bệnh ung thư trên YouTube chứa thông tin sai lệch.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm