Những sự điều chỉnh của chiến lược gia người Brazil đã giúp đội chủ nhà không chỉ tiếp tục duy trì thế trận áp đặt quen thuộc của mình, mà còn giúp Thái Lan tạo ra những cơ hội ăn bàn rõ rệt và giải quyết trận đấu.
Thay đổi cấu trúc đội hình
ĐT Thái Lan bắt đầu kì AFF Cup lần này với ý tưởng sử dụng cùng lúc cặp tiền đạo Teerasil Dangda và Adisak Kraison trên hàng công. Sau đó, nhu cầu kiểm soát bóng của ông Polking buộc chiến lược gia này phải có thêm một tiền vệ tấn công ở trên sân khi cầu thủ sinh năm 2001 Channarong Promsrikaev được tin tưởng. Đó cũng là thời điểm mà Thái Lan bộc lộ ra điểm yếu của mình khi không sở hữu đội hình có chiều sâu quá ấn tượng.
Đến trận đấu bán kết, thêm một lần nữa ông Polking có những tính toán về cấu trúc đội hình. Tiền vệ trung tâm Peeradol Chamrasamee là người được lựa chọn bên cạnh Theerathon Bunmathan và Sarach Yooyen ở khu trung tuyến. Người Thái tiếp tục thay đổi để tìm ra một cách bố trí hợp lý nhất.
Cấu trúc đội hình của Thái Lan trước Malaysia. |
Sự có mặt của cầu thủ mang áo số 8 khiến vai trò của cặp tiền vệ trung tâm của Thái Lan từ đầu giải đấu này có những sự thay đổi đáng chú ý.
Khi triển khai bóng từ phần sân nhà, Theerathon có xu hướng lùi sâu về ngang hàng với cặp trung vệ, trong khi Peeradol bắt cặp cùng Sarach ở khu vực giữa sân. Để gia tăng thêm tính kiểm soát trong thời điểm có bóng, ông Polking quyết định sử dụng thêm một tiền vệ có khả năng giữ nhịp.
Cấu trúc đội hình của Thái Lan ở thời điểm này là 3-2-5, cấu trúc đội hình duy trì được sự cân bằng trong cả thời điểm có bóng lẫn thời điểm chuyển đổi từ có bóng sang không bóng.
Cấu trúc 3-2-5 của Thái Lan. |
Tạo cơ hội với cấu trúc đội hình 3-2-5. |
Trên lý thuyết, Thái Lan thiếu đi một tiền vệ tấn công chơi ngay sau lưng Teerasil Dangda khi bóng được triển khai qua phần sân đối phương. Nhưng trong thực tế, đội bóng này biến hóa hơn thế. Sarach được yêu cầu giữ nhiệm vụ dâng cao tấn công khi mà Peeradol xuất hiện thường trực ở khu vực giữa sân.
Song song với đó, Theerathon Bunmathan cũng được giải phóng phần nào trọng trách điều tiết lối chơi, và cho thấy sự thoải mái của mình trong việc di chuyển.
Hậu vệ trái Sasalak và Theerathon thậm chí hoán đổi vị trí cho nhau. |
Đội trưởng của ĐT Thái Lan không còn phải đảm nhiệm cùng lúc nhiều trọng trách trong thời điểm Thái Lan kiểm soát bóng. Thay vào đó, Theerathon tỏ ra chuyên trách hơn với một nhiệm vụ là tận dụng tối đa chất lượng đường chuyền vào vòng cấm địa của mình. Bàn thắng mở tỉ số trận đấu của Teerasil Dangda là một ví dụ rõ nét.
Đó là pha bóng Peeradol cùng Sarach sắm vai những người điều tiết nhịp độ, trong khi Theerathon kiên nhẫn chọn vị trí ở biên và chờ bóng.
Tình huống dẫn đến bàn thắng mở tỉ số của Thái Lan. |
Theerathon xuất hiện ở hành lang cánh và sẵn sàng cho quả tạt của mình. |
Một thay đổi có chủ đích của ông Polking. Việc có thêm một tiền vệ trung tâm xuất hiện trên sân giúp Thái Lan tạo ra một cấu trúc đội hình cân bằng hơn. Cùng với đó, nhóm tấn công ở cánh trái gồm Theerathon, Bordin Phala và Sasalak cũng tỏ ra thoải mái hơn ở khu vực 1/3 giữa sân.
Chiều sâu đội hình của tuyển Thái
Dù có mặt tại trận chung kết theo một cách đầy thuyết phục, cần phải khẳng định ông Polking đã phải tự điều chỉnh rất nhiều tại AFF Cup lần này trong bối cảnh Thái Lan không có được chiều sâu đội hình đủ tốt cho những phương án dự bị.
Teerasil Dangda, Bordin Phala và Ekanit Panya là những người gần như không có lựa chọn thay thế trong đội hình của ông Polking vào lúc này. Nếu như Teerasil vẫn cho thấy tầm ảnh hưởng vào lối chơi chung của mình, thì cả Bordin lẫn Ekanit đều không thực sự duy trì được sự ổn định và tính đột biến xuyên suốt cả giải đấu.
Chiến lược gia người Brazil đã phải thực hiện nhiều sự điều chỉnh khác nhau sau 6 trận đấu đã qua để vừa gia tăng khả năng kiểm soát thế trận cho ĐT Thái Lan, vừa duy trì được sức nặng của các pha tấn công. Điều đáng mừng với người Thái là việc họ đang sở hữu một HLV có sự am hiểu đáng nể với những cầu thủ mình sở hữu trong tay. Bởi lẽ, mỗi khi ông Polking điều chỉnh, dường như Thái Lan lại có những nét tươi mới trong lối chơi của mình.
Phút thứ 69 của trận bán kết lượt về, Bordin Phala được rút ra nghỉ, Weerathep Pomphan, một tiền vệ trung tâm là người được ông Polking lựa chọn. Bất chấp việc Malaysia đang làm mọi thứ để tìm kiếm bàn gỡ với cường độ chơi bóng được đẩy cao của mình, thì sự thay đổi ấy của ông Polking chỉ mất đúng 2 phút để phát huy hiệu quả. Một pha bóng mà người Thái đã quá điềm tĩnh để phát triển bóng một cách nhuần nhuyễn và dứt điểm trận đấu.
Weerathep vào sân, chơi không khác nào một trung vệ lệch trái trong thời điểm triển khai bóng – vai trò được đảm nhiệm trước đó của Theerathon.
Cấu trúc đội hình của Thái Lan khi Weerathep có mặt trên sân. |
Đội bóng của ông Polking phòng ngự bằng cách gia tăng quân số ở tuyến dưới để kiểm soát bóng một cách chắc chắn hơn. Không sai nếu nói rằng Thái Lan có đến 4 tiền vệ trung tâm kể từ khi Weerathep góp mặt. Chính cầu thủ mang áo số 18 này là người có pha xử lý gọn gàng trước áp lực của đối phương, phát triển bóng lên phía trước cho Sarach trong tình huống mở ra pha lập công của Adisak.
Tình huống phát triển bóng với 4 tiền vệ trung tâm của Thái Lan. |
Pha bóng dẫn đến bàn thắng của Adisak. |
Đó là một hình ảnh rất điển hình của Thái Lan dưới sự dẫn dắt của Mano Polking. Một đội bóng luôn hướng đến việc chiếm sự chủ động với quả bóng, một đội bóng luôn làm mọi thứ để tạo ra sự áp đặt.
Sau những điều chỉnh trên con đường bước vào trận chung kết, Thái Lan dường như đã tìm được công thức ưng ý nhất của mình. Hai trận đấu với ĐT Việt Nam sẽ là nơi hai triết lý bóng đá đối lập đụng độ với nhau, khi sự thực dụng của ông Park Hang-seo chạm trán với tính biến hóa mà ông Mano Polking đã luôn thể hiện.
Ông Park đã thua tâm phục khẩu phục một năm trước đó cũng tại AFF Cup. Liệu tại giải đấu lần này, sẽ có một màn phục thù đến từ vị chiến lược gia người Hàn Quốc?
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...