Cuối tuần trước, Apple phát đi thông báo thúc giục người dùng cập nhật lên phiên bản iOS mới nếu không muốn iPhone, iPad cũ không sử dụng được.
Theo đó, các thiết bị từ iPhone 5, iPad 4 trở xuống nếu không cập nhật trước ngày 3/11 sẽ gặp sự cố về GPS và không thể hiển thị ngày giờ chính xác. Đồng thời, nếu không cập nhật, người dùng sẽ không truy cập được các dịch vụ của Apple như mail, iCloud...
Thực tế Apple đã đưa ra bản cập nhật này từ ngày 22/7, và 3/11 chỉ là hạn chót cho mọi người dùng iPhone cập nhật. Đây cũng không phải là lỗi của Apple, mà đến từ hệ thống định vị toàn cầu GPS.
Lỗi hệ thống GPS không chỉ khiến bản đồ ngừng hoạt động mà còn làm gián đoạn mọi dịch vụ khác. Ảnh: MakeUseOf. |
Theo Cnet, khi hệ thống GPS được phát triển vào thập niên 1970, những cỗ máy thời đó có khả năng xử lý và lưu trữ hạn chế. Để tiết kiệm bộ nhớ, các nhà khoa học đã sử dụng hệ đếm 10 bit, đồng nghĩa với chúng chỉ có thể ghi nhận 1.024 giá trị.
Trong một hệ thống GPS, thời gian không được lưu theo kiểu lịch chia theo ngày, tháng, năm mà lưu theo tuần. Vì vậy một hệ thống GPS sẽ lưu dữ liệu ngày tháng tối đa 1.024 tuần, tương đương khoảng 19 năm. Sau khi đạt đủ 1.024 tuần, bộ đếm sẽ được khởi động lại về giá trị 0. Do vậy, các thiết bị sử dụng GPS cũng sẽ tự động đặt thời gian trở lại về mốc 0 khi bộ đếm khởi động.
Bộ đếm thứ nhất được khởi động vào ngày 6/1/1980. Đến ngày 21/8/1999, bộ đếm này đã đầy và cần phải đặt lại. Đó được xem là thời điểm kết thúc "kỷ nguyên GPS" đầu tiên. Bộ đếm thứ 2 đã kết thúc vào ngày 6/4 vừa qua.
Từ tháng 3, những nhà sản xuất thiết bị thu GPS lớn như TomTom đã ra thông báo tới khách hàng về việc cập nhật phần mềm của các thiết bị cũ.
Đồng hồ nguyên tử trên các vệ tinh đều được tinh chỉnh qua hệ thống vệ tinh GPS. Ảnh: NASA. |
Điều mọi người ít biết là phần lớn đồng hồ nguyên tử trên các vệ tinh quanh Trái Đất đều được tinh chỉnh theo thời gian của hệ thống GPS. Do vậy, nếu không được cập nhật phần mềm, việc đặt lại làm cho thời gian của thiết bị và các hệ thống sai lệch, có thể dẫn đến nhiều hệ thống ngừng hoạt động.
Đó là lý do Apple cảnh báo các thiết bị chưa cập nhật iOS mới sẽ không truy cập được email, iCloud.
Lỗi này ảnh hưởng tới số ít thiết bị iOS ra đời cách đây ít nhất 7 năm, bao gồm iPhone 5 trở về trước, iPad 4 và iPad mini trở về trước. Trên thực tế, Apple đã ngừng cập nhật iOS cho những model trên từ 3 năm trước. Tuy vậy, với sự cố "Y2K GPS" lần này, Apple quyết định đưa ra thêm một bản cập nhật nữa để hỗ trợ người dùng.
Không phải mọi thiết bị sử dụng GPS đều bị đặt lại thời gian vào ngày 6/4. Nếu như các thiết bị được thiết lập mốc "tuần 0" muộn hơn, ngày hết hạn bộ đếm cũng sẽ bị lùi lại. Đó là lý do tới bây giờ Apple mới ra cảnh báo tới người dùng chứ không phải từ cách đây nửa năm.
Sự cố này tương tự Y2K 20 năm trước. Từ trước năm 2000, để tiết kiệm dung lượng lưu trữ trong hoàn cảnh bộ nhớ vô cùng đắt đỏ, các máy tính, vi mạch đồng hồ điện tử đều chỉ dùng 2 số cuối của năm. Chẳng hạn như thay vì lưu 1991, máy tính ở thời điểm đó chỉ lưu đơn giản là 91.
Mọi thứ đã diễn ra bình thường từ thập kỷ 60, 70, nhưng đến những năm cuối của thập kỷ 90, các lập trình viên nhận ra rằng máy tính không phân biệt được 1900 và năm 2000 vì chúng đều có tận cùng là 00. Như vậy, khi chuyển giao sang thế kỷ mới, mọi hoạt động có sử dụng máy tính và vi mạch đồng hồ điện tử đều bị đảo lộn.