Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự cố đáng nhớ của Hoa hậu Việt Nam

Ngay trước chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008, ứng viên Trần Thùy Dung bị ngã từ trên xe tuk tuk, gáy đập mạnh xuống đất gây chấn thương, xây xát nặng.

Cú ngã

Thùy Dung được đưa vào phòng - chính xác là biệt thự của chị Thúy Hiền - Trưởng Ban thí sinh để dưỡng thương. Khách sạn 5 sao The Nam Hải (Hội An) năm ấy đã bố trí cho Ban tổ chức và các thí sinh ở trong những biệt thự ven biển đẹp tuyệt vời. Vì quá rộng nên di chuyển ngay trong khuôn viên khách sạn cũng phải đi xe tuk tuk.

Mẹ của cô được mời đến để chăm sóc động viên con. Cô khóc nức nở như một đứa trẻ. Mẹ cô lại tương đối bình tĩnh trong khi Trưởng Ban tổ chức Dương Xuân Nam có vẻ còn hốt hoảng hơn. Mấy thành viên Ban tổ chức người thì cầm tay Dung an ủi, người chẩn trị vết thương. Nghe hỏi thăm, bà mẹ tâm sự: “Nó ở nhà được cưng lắm, vâng tôi thấy cháu cũng xinh, khi cười nũng nịu thì xinh mà lúc khóc dỗi dằn ai, cũng xinh”.

Băng bó xong, mọi người quyết định đêm hôm sau, thi chung kết Thùy Dung sẽ phải buông tóc để che bớt vết thương ở gáy. Sự việc khá nghiêm trọng, may mà không quá ảnh hưởng. Vả chăng tuổi trẻ phơi phới, qua buổi chiều và một đêm ngủ dậy, sức khỏe cô hồi phục nhanh chóng.

Trần Thùy Dung diện áo dài thừa hưởng của mẹ để dự cuộc thi 2008. Ảnh: Dương Thị.

Về cuộc năm 2008, tôi từng viết rằng “không có phương án 2” để lựa chọn, riêng ngoại hình mà nói. Song cú sốc về chuyện học hành của hoa hậu thì không phải ai cũng lường được. Bởi dù từng trò chuyện với cô, có hỏi cả học hành nhưng tôi đã không phát hiện ra cô chưa tốt nghiệp trung học. Giờ chuyện này đã qua chẳng nên nhắc lại làm gì, song nó làm tôi nhớ một chi tiết nhỏ của cuộc Hoa hậu Thế giới Người Việt lần thứ nhất ở Nha Trang trước đó, 2007.

Một hôm, nhà báo Phương Yên chạy đến thông báo với tôi, giọng nghiêm túc “Tuổi của Teresa Sam trong danh sách bị sai đấy”. Chị đã phát hiện ra điều này sau một hồi hỏi chuyện thí sinh. Hóa ra cách tính tuổi của người nước ngoài và người Việt có khác nhau, và trong danh sách thì Teresa (sống ở vương quốc Anh) bị già hơn tuổi thực 1 tuổi. Ban tổ chức phải chỉnh lại ngay, về sau Teresa đoạt Á hậu 1. Đây cũng là một kinh nghiệm để tôi dặn phóng viên trẻ rằng phải luôn kiểm tra chéo và chớ có như một nhân vật của Tsekhov- chỉ tin, hoàn toàn tin những điều ghi trên bao bì.

Giọt nước mắt đêm chung kết

Vừa vào cuộc Hoa hậu Thế giới Người Việt lần thứ nhất, ai cũng nhìn ra Teresa Sam là một ứng viên sáng giá. Cô có vẻ ý thức được điều đó nhưng thường nói với ứng viên - đối thủ Ngô Phương Lan: Teresa không hoa hậu được đâu. Điểm yếu của cô đó là nói không sõi tiếng Việt. Vào thi ứng xử, mào đầu được một ít, Teresa khóc “Xin Ban tổ chức và khán giả cho em nói tiếng Anh”. Mọi người xôn xao.

Từ Vinpearl ra sân bay tạm biệt Nha Trang, tôi đi nhờ xe của một vị là thành viên chủ chốt Ban tổ chức cuộc thi Nữ hoàng Trang sức. Vị này cho biết lặn lội vào đây xem để rút kinh nghiệm cho cuộc của mình và chế giễu Á hậu “Nói không nên lời xong rồi khóc hu hu! Cuộc của tôi có một cô cũng thế đấy, hỏng hết việc”.

Tuy nhiên, Trưởng Ban tổ chức kiêm Trưởng Ban giám khảo năm đó lại có vẻ quý những giọt nước mắt này, cho rằng nó thành thật, tự nhiên, là một nét duyên của người con gái, khác với một cô cũng “ầng ậng” ở cùng thời khắc nhưng theo ông thì hơi “diễn”.

Cô gái này cũng xinh, cũng hồn nhiên, được nhiếp ảnh gia Trần Thành Công săn đón từ chặng thi phía Bắc. Chạm mặt cô vào sáng sau chung kết ở khách sạn, tôi hỏi “Hôm qua em khóc là khóc thật đấy à”, cô ngớ ra có vẻ giận nhưng thực sự lúc buột miệng như vậy tôi không hề có ý định đá xoáy gì cô.

http://www.tienphong.vn/van-nghe/26-nam-hoa-hau-viet-nam-nhung-su-co-nho-nho-768539.tpo

Theo Dương Thị/ Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm