Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự bất an của các thí sinh chuẩn bị thi ĐH tại ổ dịch Bắc Kinh

Sau khi Bắc Kinh bùng dịch, các học sinh lớp 12 Trung Quốc lại càng suy sụp khi không được tới trường ôn thi đại học. Trong khi đó, kỳ gaokao lần này tỉ lệ chọi rất khốc liệt.

Zing trích dịch bài đăng Sixth Tone, đề cập đến nỗi lo lắng dịch bệnh xen lẫn sự căng thẳng thi cử của các học sinh lớp 12 tại Trung Quốc đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học.

Chưa đầy một tháng trước kỳ thi đại học gaokao, làn sóng dịch Covid-19 thứ hai xuất hiện tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Điều này khiến cho kỳ tuyển sinh vốn căng thẳng nay càng thêm mệt mỏi.

“Em cứ nghĩ mọi chuyện đã ở trong tầm kiểm soát. Giờ em mới nhận ra mình đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh”, Zoey Liu, học sinh lớp 12 tại một trường chuyên ở Bắc Kinh, cho biết.

ky thi tuyen sinh dai hoc anh 1

Các học sinh Trung Quốc cầu may cho kỳ thi gaokao tại đền thờ Khổng Tử ở Nam Ninh. Ảnh: CNS.

Liu là một trong 10,7 triệu thí sinh tham gia gaokao năm nay. Với gần 1 triệu giám thị ở 400.000 phòng thi trên toàn quốc, Bộ Giáo dục cho biết đây là sự kiện công cộng lớn nhất được tổ chức kể từ khi đại dịch xuất hiện.

Sau ca nhiễm đầu tiên của làn sóng dịch thứ hai được phát hiện ở Bắc Kinh hồi đầu tháng 6, trường học của Liu kiểm tra thân nhiệt của học sinh và giáo viên nghiêm ngặt hơn.

Tới ngày 17/6, mọi cơ sở giáo dục tại thành phố này lại đóng cửa một lần nữa. Các em học sinh tiếp tục học và ôn thi theo hình thức online. Tuy nhiên, các nhà chức trách nhấn mạnh kỳ thi tuyển sinh đại học vẫn sẽ diễn ra như dự kiến vào hai ngày 7 và 8/7.

Có thể nhận thấy, sự gián đoạn trong quá trình học tập năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới học sinh các cấp, nhất là các em lớp 12. Trước đó, học sinh Trung Quốc đã phải cách ly ở nhà từ tháng 1 tới hết đầu tháng 4.

ky thi tuyen sinh dai hoc anh 2

Covid-19 làm gián đoạn và ảnh hưởng lớn tới quá trình học tập của học sinh các cấp, đặc biệt là các em lớp 12. Ảnh: CGTN.

Zoey Liu đặt mục tiêu vào chuyên ngành tiếng Pháp tại Đại học Bắc Kinh danh giá. Tuy nhiên, cô bé nói rằng “có thể phải xem xét lại quyết định” nếu kỳ thi thử cuối cùng đạt điểm số không ưng ý.

“Ở nhà lâu quá làm em cảm thấy não bộ ì ạch. Nhưng em đang lấy lại được phong độ của mình sau khi trở lại trường một thời gian”, Liu cho biết.

Thông thường, các quốc gia Âu, Mỹ xem xét một loạt yếu tố trước khi tiếp nhận một học sinh vào đại học, như bài kiểm tra năng khiếu, các hoạt động ngoại khóa, bài tiểu luận và thư giới thiệu. Các bài thi như SAT hay A-levels có thể thi nhiều lần trong năm.

Trái lại, kỳ thi gaokao chỉ được tổ chức một lần trong năm và là yếu tố duy nhất quyết định học sinh Trung Quốc có trúng tuyển đại học hay không. Thí sinh nào trượt sẽ phải đợi tới năm sau để đăng ký lại.

Đối với hàng triệu thanh thiếu niên ở đất nước tỷ dân, gaokao là cột mốc quan trọng nhất đầu đời, kể cả những bạn trẻ ở vùng sâu vùng xa. Nói cách khác, kỳ thi tuyển sinh đại học sẽ quyết định tương lai “nở hoa hay bế tắc” của từng cá nhân.

ky thi tuyen sinh dai hoc anh 3

Các học sinh cuối cấp không có cơ hội tạm biệt thầy cô và bạn bè. Ảnh: People Visual.

Suy sụp tinh thần vì lại phải nghỉ học

Các bậc phụ huynh Bắc Kinh cũng bày tỏ lo ngại về dịch bệnh cũng như sự căng thẳng đối với kỳ thi tuyển sinh năm nay.

Gao Lan, mẹ của một học sinh khác cũng đặt nguyện vọng cao như Zoey Liu, lo lắng rằng việc đóng cửa trường đột ngột gây ảnh hưởng tới tâm trạng ôn thi của con gái.

“Ngày 16/6, nhà trường yêu cầu các học sinh phải đem hết đồ đạc về nhà. Lúc đó chưa có thông báo đóng cửa trường chính thức từ Bộ Giáo dục. Vì vậy, con gái tôi buồn lắm. Con bé nói rằng nó còn chưa kịp chào tạm biệt các thầy cô cũng như chụp ảnh kỷ yếu cùng bạn bè”, Gao kể lại.

Yu Tianyi, một chuyên gia tâm lý học, cho biết số lượng học sinh trung học cần ông tư vấn ngày càng tăng kể từ khi đại dịch xuất hiện.

“Vì không được đến trường, việc giao tiếp giữa các em giảm đáng kể. Đặc biệt, các học sinh trung học phổ thông cũng không được đáp ứng nhu cầu giải tỏa nội tâm và thể hiện bản sắc riêng”, ông nói.

“Điều này gây ra một loạt các vấn đề về tâm lý cá nhân. Những bạn trẻ càng bị áp lực học tập nặng nề càng thấy yếu đuối, mệt mỏi”, Yu cho biết.

ky thi tuyen sinh dai hoc anh 4

Một lớp học căng thẳng tại tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc). Ảnh: People Visual.

Liu Jian là một học sinh lớp 12 đến từ vùng nông thôn phía đông bắc tỉnh Cát Lâm. Sau khi quay trở lại trường được một tháng, cậu bé lại phải nghỉ học vì xuất hiện 12 ca nhiễm mới hồi giữa tháng 5.

“Nhiều người trong số chúng em đang đứng trên bờ vực sụp đổ tinh thần. Em và các bạn cứ nghĩ là dịch bệnh đã ổn cả rồi nhưng hóa ra lại chưa. Có quá nhiều áp lực đè nặng lên vai chúng em, nhất là khi kỳ tuyển sinh đang sắp diễn ra”, Jian nói.

“Học sinh rất háo hức khi được trở lại trường. Rồi đột nhiên, các em lại phải ở nhà vì các ca nhiễm mới. Nếu cứ lặp đi lặp lại như thế, thanh thiếu niên sẽ cảm thấy áp lực và bất an nhiều hơn”, chuyên gia tâm lý học Zang Kai cho biết.

Học ở nhà không hiệu quả

Nếu như các năm trước, phần lớn các cuộc tư vấn tâm lý xoay quanh áp lực thi cử, thì năm nay các chuyên gia như Kai lại nhận những câu hỏi về sự bất đồng giữa bố mẹ và con cái.

ky thi tuyen sinh dai hoc anh 5

Học hành căng thẳng kèm theo bất đồng với bố mẹ khiến nhiều học sinh suy sụp tinh thần. Ảnh: CGTN.

“Khi học tại nhà, đa số học sinh không làm việc hiệu quả bằng lúc trên trường. Vì vậy, phụ huynh thường can thiệp và nhắc nhở, mắng mỏ các em. Điều này dẫn đến những bất đồng trong gia đình, gây ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả học tập của học sinh”, ông nói.

Wu Yuhao, một thí sinh gaokao khác đến từ tỉnh Chiết Giang, cho biết phụ huynh còn lo lắng về kỳ thi này nhiều hơn cậu.

“Kể từ khi em học online ở nhà, bố mẹ em cằn nhằn rồi thúc giục học bài liên tục. Họ cũng muốn giúp đỡ em về bài vở lắm nhưng không đủ khả năng. Bố mẹ chỉ có thể thể hiện sự quan tâm em bằng cách nấu cho em những bữa ăn ngon hơn thôi”, Wu kể lại.

Áp lực cũng đè nặng lên đôi vai của Lu, một học sinh cuối cấp ở tỉnh Quảng Đông. Lu đặt mục tiêu vào học viện cảnh sát, nếu trượt thì cô bé sẽ nhập ngũ.

Kể từ khi được đi học trở lại hồi đầu tháng 4, cô bé dành ít nhất 14 tiếng trên trường. Lu thường thức dậy từ 6 giờ sáng, trở về nhà sau 10 giờ tối, và vẫn dành thêm 2 tiếng để làm bài tập về nhà.

ky thi tuyen sinh dai hoc anh 6

Đa số trường học cắt tiết thể dục của học sinh lớp 12 để các em có thêm thời gian ôn thi. Ảnh: People Visual.

“Bọn em không còn được học thể dục để tăng thời lượng cho các môn học khác. Lượng bài tập về nhà cũng tăng lên. Không khí lớp học ngày một căng thẳng”, nữ sinh nói.

Mẹ của Lu cảm thấy lo lắng cho tâm lý của con gái. Cô thường xuyên trò chuyện, hỏi thăm Lu để chắc chắn rằng cô bé vẫn ổn. Cuối tuần, cô thường cùng con gái tản bộ một lúc để giải tỏa căng thẳng sau giờ học.

Năm nay, mẹ của Lu cũng nhận trách nhiệm đưa đón con gái đi học. Điều này dường như giúp khích lệ tinh thần Lu rất tốt.

“Mỗi tối khi thấy mẹ đợi ở cổng trường, em thấy mọi mệt mỏi hay căng thẳng dường như biến mất”, cô bé chia sẻ.

Vui tới bến, cư xử thô tục trên mạng, giới trẻ khó tìm việc làm

Những cuộc vui "tới bến" thời sinh viên hay những phát ngôn mang tính bạo lực, thô tục trên Internet của giới trẻ gây ảnh hưởng tới cơ hội nghề nghiệp tương lai.

Hồng Chang

Bạn có thể quan tâm