Steve Jobs - một trong 20 người ảnh hưởng nhất nước Mỹ
Cố CEO của Apple được vinh dự nằm trong danh sách những con người vĩ đại của nước Mỹ, góp phần định hình nên diện mạo của quốc gia.
>>Steve Jobs từng thử ma túy năm 15 tuổi
>>Hàng nghìn người hâm mộ dự lễ tưởng niệm Steve Jobs
Cố CEO của Apple được vinh danh. |
Tạp chí Time vừa vinh danh Steve Jobs là một trong 20 người có ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ, đưa ông sánh ngang với những nhân vật như George Washington, Alexander Graham Bell hay Albert Einstein.
Bản danh sách được Time đưa ra nhằm vinh danh những con người vĩ đại, những đại sứ văn hóa góp phần định hình lên diện mạo của nước Mỹ. Trong đó, Jobs được xem là nhân vật vĩ đại nhất trong thời kỳ số hóa hiện nay.
Trong đoạn tóm tắt về Steve Jobs, Time viết: “Jobs là một người có tầm nhìn, một đại thiên tài về thiết kế. Ông góp phần làm thay đổi ngành công nghiệp máy tính, biến nó trở nên đơn giản, thân thiện với con người hơn. Ông luôn luôn coi sứ mệnh của mình là phải tạo ra những sản phẩm vĩ đại. Sứ mệnh đó đã hoàn thành”.
Steve Jobs qua đời vào năm ngoái bởi căn bệnh ung thư tuyến tụy. Tại thời điểm đó, những người hiểu rõ về con người ông đã từng so sánh Jobs với nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison, người cũng có tên trong bản danh sách của Time.
Steve Jobs sinh ngày 24/2/1955 tại San Francisco, được ông bà Paul và Clara Jobs đem về nuôi dưỡng tại Mountain View (California) do cha mẹ đẻ của ông là Bdulfattah Jandali và Joanne Simpson khi đó còn là sinh viên, chưa đủ điều kiện nuôi dưõng trẻ nhỏ. Từ khi còn là học sinh trung học, Jobs đã có niềm đam mê đặc biệt đối với máy tính và thường xuyên lang thang tại các nhà máy của HP tại Palo Alto, California. Sau đó, ông được nhận vào làm thêm ở đó cùng với Steve Wozniak. Đến năm 1972, Steve Jobs thi vào đại học Reed tại Portland, Oregon và bị đuổi học ngay trong kỳ đầu tiên. Thời gian đó, Jobs không về nhà mà lang thang trên các con phố, lượm vỏ chai Coca lấy tiền kiếm sống, tối về ngủ dưới nền đất và đi ăn chực tại một nhà thờ gần đó vào mỗi dịp cuối tuần. Mùa thu năm 1974, Jobs quay trở lại California và làm việc dưới vị trí của một kỹ thuật viên tại Câu lạc bộ Homebrew cùng với Wozniak. Sau đó, chàng thanh niên Steve Jobs quyết định sang Ấn Độ tu nghiệp một thời gian và trở về trong sự sửng sốt của mọi người với một cái đầu được cạo trọc cùng bộ trang phục của nhà sư. Năm 1976, ông cùng với Wozniak thành lập công ty Apple với vốn khởi nghiệp chỉ 1.300 USD, là tất cả tài sản của cả hai người cộng lại. 8 năm sau, họ cho ra đời chiếc máy tính Macintosh đầu tiên, mở ra một cuộc cách mạng về máy tính cá nhân sau đó. Mặc dù vậy, những thăng trầm chưa thôi đeo đuổi Jobs, khi ông bị đẩy khỏi Apple vào tháng 5/1985. Ngay sau đó, ông thành lập NeXT Computer và trở lại Apple 12 năm sau đó (1997), khi công ty này đang đứng trên bờ vực phá sản. Jobs - cùng với những cộng sự đắc lực của mình như Tim Cook và Jonny Ive - đã vực dậy một Apple đang tan rã, biến nó trở thành công ty số một thế giới như hiện nay với các sản phẩm mà cả thế giới đều phải ngả mũ kính phục như iPhone, iPod hay máy tính Mac. Trong suốt những năm lãnh đạo Apple, Jobs đã từng ba lần phải rời bỏ cương vị CEO để trị bệnh. Năm 2003, ông bị phát hiện đã mắc phải căn bệnh ung thư tuyến tụy, và phải trải qua một cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u năm 2004. Năm 2009, ông tiếp tục có một cuộc cấy ghép gan. Tháng 8/2011, Jobs chính thức từ chức CEO tại Apple, nhường lại ngôi vị thuyền trưởng của hãng cho Tim Cook, trước khi qua đời vào ngày 5/10, đúng vào thời điểm thế hệ mới của iPhone - sản phẩm tâm huyết của cả đời ông - ra mắt. |
Thành Duy
Theo Infonet.vn