Andree Wu mới chỉ thực tập tại Yitu Technology, một startup ở thành phố Thượng Hải, vài tháng nhưng cô đã cảm thấy ở công ty như ở nhà: bầu không khí ấm áp, một cây đàn piano và một tủ lạnh đầy thức ăn. Mỗi ngày, cấp dưỡng chuẩn bị các món như súp, thịt bò và đậu đũa.
Đối với những người phải làm việc muộn, công ty cấp cho họ bữa ăn nhẹ vào lúc 22h đêm cùng chăn màn.
Theo BBC, Wu thường xuyên làm việc trong thời gian dài, từ 9h30 sáng đến 21h30 tối, nhưng không hề phàn nàn. Tình trạng này là điều thường xuyên diễn ra tại các startup công nghệ ở Trung Quốc.
“Mọi người đều muốn hoàn thành công việc trước khi rời khỏi văn phòng. Người ta làm việc chăm chỉ để tạo ra giá trị bản thân. Chúng tôi có rất nhiều việc nhưng không có nhiều nhân viên. Vì vậy, một người phải đảm nhiệm nhiều vị trí”, Wu chia sẻ.
Công ty công nghệ Yitu tạo ra không gian thoải mái bằng cách đưa cây xanh vào trong văn phòng. Ảnh: Justin Bergman |
Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), lao động Trung Quốc làm việc trung bình 2.000-2.200 giờ mỗi năm, cao hơn so với Mỹ (1.790 giờ), Hà Lan (1.419 giờ), Đức (1.371 giờ) và Nhật Bản (1.719 giờ).
Để phản ánh tình trạng này, một ca đoàn nghiệp dư tại Thượng Hải đã sáng tác một bài ca với tựa đề “Thân thể tôi trống rỗng”.
“Ai cần ngủ? Thật lãng phí thời gian! Ai cần ăn khi mà PowerPoint là thức ăn của tôi?”, họ hát.
Giờ làm việc khắc nghiệt trở thành mối quan ngại. Một số bài báo đề cập đến tình trạng chết do làm việc quá sức và luật không thể bảo vệ đầy đủ quyền lợi cho người lao động.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu về giờ làm việc của người Trung Quốc năm 2014 chỉ ra tình trạng làm việc trong thời gian dài có thể kìm chân quốc gia này trở thành cường quốc kinh tế. Làm việc trong thời gian ngắn hơn không chỉ cải thiện năng suất và sức khỏe của người lao động mà còn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế, từ “được làm tại Trung Quốc” sang “được làm bởi Trung Quốc”.
Cạnh tranh về chi phí và tốc độ
Tuy nhiên, các startup Trung Quốc, đặc biệt là những công ty trong giới công nghệ, đang yêu cầu nhân viên phải tăng ca. Để hỗ trợ, ngoài bữa khuya, những công ty như Baishan Could, thậm chí đặt cả giường ngủ tại công sở.
Thậm chí văn hóa làm việc tại startup ở Trung Quốc còn khốc liệt hơn Thung lũng Silicon, Gary Rieschel (người đồng sáng lập Qiming Venture Partners) nhận xét.
Với nhiều startup công nghệ tại Trung Quốc, mô hình kinh doanh của họ không dựa trên ý tưởng độc đáo. Ngoài ra, họ cũng cạnh tranh với đối thủ tại Mỹ trên 2 phương diện: chi phí và tốc độ.
"Khi đó, chỉ văn hóa 24/7, 365 ngày mới có thể giúp họ thành công”, Rieschel nhận định.
Việc cạnh tranh khiến nhân viên của các công ty phải làm việc với công suất tối đa. Ảnh: Reuters. |
Ken Xu, đối tác của Gobi Partners, cho biết nhiều lao động công nghệ trẻ là người sống xa gia đình. Vì vậy, họ sẵn lòng ở lại văn phòng muộn để kiếm thêm và giao lưu với đồng nghiệp. Và chỉ với một khoản tiền nhỏ, công ty có thể mang lại những tiện nghi như ở nhà.
“Họ có thể nghỉ ngơi một chút để chơi game hoặc trò chuyện với người khác. Khi về nhà, họ cũng chỉ làm điều tương tự. Đó là một phần trong lối sống. Họ không muốn về nhà mà chỉ muốn ở đây”, ông nói.
Phong cách Thung lũng Silicon
Leo Zhu, người đồng sáng lập Yitu, dành một thập kỷ học tập và nghiên cứu tại Mỹ, giành học vị tiến sĩ ở trường Đại học California tại Los Angeles và học bổng sau tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts. Khi trở về, ông mang theo văn hóa startup của Mỹ và sáng lập công ty.
Zhu cho biết, tuy nhân viên phải làm việc trong thời gian dài nhưng giờ giấc khá linh hoạt. Họ có thời gian ăn trưa và ăn tối. Những người có gia đình có thể đến sớm và rời văn phòng vào lúc 20h. Văn phòng cũng trang bị một số trò chơi và tổ chức đấu bóng rổ và thứ bảy.
Ghế tựa tại nơi làm việc do đích thân ông chọn có mức giá khoảng 450 USD/chiếc. Nhân viên công ty mặc đồ giản dị, áo phông, quần short và giày thể thao. Mỗi tuần, Yitu tổ chức các cuộc hội thảo theo phong cách TED, nói về các chủ đề liên quan đến những học thuyết và công nghệ máy tính mới.
“Những người trẻ tại đây quan tâm nhiều hơn về tăng trưởng. Họ muốn học hỏi chứ không chỉ đơn giản là hoàn thành nhiệm vụ”, ông nói.
Vấn đề niềm tin
Tuy nhiên, sống trong văn phòng có vài nhược điểm. Rieschel nói rằng tình trạng của các startup Trung Quốc hiện nay tương đối giống với nhiều công ty Nhật Bản trong những năm 1980 và 1990.
“Liệu việc mọi người phải có mặt ở công ty trong thời gian dài, từ ngày này qua ngày khác có thực sự cần thiết? Liệu lao động tại các startup có thể làm việc trong trạng thái hiệu quả nhất khi họ thiếu ngủ?”, ông nói.
Shen Ai Xiang, người sáng lập 24 tuổi của Eluying, cung cấp dịch vụ cắm trại trực tuyến, cũng nhận thức được những rủi ro. Tuy nhiên, anh cho rằng startup công nghệ thành công cần tự cân bằng bởi anh tin làm việc ít hơn không phải là một lựa chọn.
“Thực ra, tôi không khuyến khích nhân viên ngủ lại tại văn phòng bởi giấc ngủ tốt hơn, đặc biệt tại nhà, có thể mang lại chất lượng công việc tốt hơn. Tuy nhiên, hầu hết nhân viên của các startup Trung Quốc không cần nhiều sáng tạo. Họ chỉ cần khả năng thực hiện và để sự sáng tạo cho cấp quản lý”, Shen chia sẻ.
Giống người sáng lập của Yitu, Shen tin rằng chìa khóa để thúc đẩy thế hệ trẻ làm việc là cho họ sự sở hữu nhiều hơn hoặc tạo ra một văn hóa làm việc mà họ có thể tin tưởng.
Thanh niên ngày nay không quan tâm nhiều về chuyện làm việc cho công ty lớn như thế hệ trước. Họ ngày càng muốn tham gia vào một công ty mới thành lập, xây dựng một cái gì đó từ đầu. Và làm việc 60-70 giờ mỗi tuần có thể là sự đánh đổi lớn nhất.