Theo Nikkei Asian Review, các doanh nghiệp Trung Quốc đang khẩn trương tận dụng miếng bánh béo bở tại thị trường Hong Kong mà Ant Group để lại. Dự kiến trong tháng 11, sàn chứng khoán Hong Kong sẽ ghi nhận nhiều đợt chào bán công khai lần đầu với tổng trị giá hơn 12 tỷ USD.
Đây sẽ là con số lớn nhất được ghi nhận kể từ đợt niêm yết lần 2 của Tập đoàn Alibaba trên sàn Hong Kong vào cùng kỳ năm ngoái. Theo nguồn tin này, có 6 công ty Trung Quốc đang cố gắng tận dụng thời cơ “tuyết lở thanh khoản” sau khi Ant Group tạm hoãn niêm yết tại Hong Kong.
Trong đó phải kể đến Sunac China Holdings, tập đoàn bất động sản lớn thứ tư tại Trung Quốc đại lục. Cùng hãng bất động sản China Resources Mixc Lifestyle, Sunac đang tìm cách huy động 1 tỷ USD từ thị trường béo bở này.
Công ty con của Tập đoàn China Evergrande Group - nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc - cũng đang nộp hồ sơ niêm yết tại sàn chứng khoán Hong Kong. Theo ước tính, các công ty trên dự kiến huy động khoảng 3 tỷ USD trong các đợt IPO.
Nhiều công ty Trung Quốc lên kế hoạch IPO tại Hong Kong sau khi Ant Group thông báo tạm hoãn niêm yết. Ảnh: Nikkei. |
“Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục khách hàng đẩy nhanh tiến độ lên ít nhất là một tuần vì thanh khoản đang giảm”, Nikkei dẫn lời một người có liên quan đến công ty sắp niêm yết tại sàn Hong Kong cho hay. Theo người này, để IPO thành công tại Hong Kong, bên cạnh chất lượng và giá cả thì thời điểm sẽ là thứ quyết định.
Bằng chứng là trong 11 năm qua, sàn chứng khoán Hong Kong đã 7 lần ghi nhận các đợt chào bán công khai quy mô lớn, chủ yếu thành công nhờ tính thanh khoản tốt.
Trước đó, Ant Group công bố kế hoạch IPO kép vào ngày 5/11 tại cả hai sàn Thượng Hải và Hong Kong. Dự kiến thương vụ này sẽ mang về 39,6 tỷ USD cho công ty của tỷ phú Jack Ma, và trở thành đợt IPO lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, chỉ hai ngày trước khi lên sàn, thương vụ của Ant Group bất ngờ phải hoãn lại do có sự thay đổi trong quy định của chính quyền Trung Quốc.
Nhiều nguồn tin cho biết đợt chào sàn của Ant Group đã thu hút lượng lớn quỹ đầu tư toàn cầu cũng như các nhà đầu tư nhỏ lẻ với số lượng đăng ký mua kỷ lục, đẩy lượng tiền mặt trong hệ thống ngân hàng Hong Kong lên mức đỉnh với 458,2 tỷ HKD (tương đương 59,1 tỷ USD).
Cơ quan tiền tệ đã phải can thiệp hơn 20 lần trong một tháng qua để duy trì tỷ giá đồng HKD với đồng USD trong biên độ giao dịch.
Đã một tuần kể từ khi thương vụ IPO của Ant Group bị hoãn, song vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy tiền được rút ra. Một nhà quản lý danh mục đầu tư tại một đơn vị đã đặt mua hơn 1 tỷ USD cổ phiếu của tập đoàn này, cho biết ông đang xem xét tới các thương vụ IPO khác và tìm hiểu cổ phiếu tài chính của Trung Quốc đại lục để đầu tư.
Theo dữ liệu của sàn chứng khoán Hong Kong, kể từ ngày 3/11, lượng mua ròng cổ phiếu niêm yết tại sàn chứng khoán Trung Quốc đại lục thông qua chương trình kết nối chứng khoán đạt 36,7 tỷ NDT (5,6 tỷ USD), so với mức bán ròng đạt 16 tỷ NDT trong 8 ngày trước đó.
Diễn biến này trái ngược hoàn toàn so với đợt bán tháo trên sàn chứng khoán đại lục vào cuối tháng 7, thời điểm Ant Group công bố kế hoạch IPO.
Đợt chào sàn lần đầu của Ant Group được kỳ vọng là thương vụ IPO lớn nhất thế giới. Ảnh: Nikkei. |
Dữ liệu cho thấy nhóm cổ phiếu được nhà đầu tư săn đón nhất bao gồm cổ phiếu của hãng rượu Quý Châu Mao Đài, ngân hàng China Merchants, bảo hiểm Ping An và ngân hàng ICBC. Đáng chú ý, cổ phiếu của ngân hàng China Merchants đã tăng khoảng 11% kể từ ngày 3/11, trong cổ phiếu của Ping An cũng tăng 8% trong giai đoạn này.
Các nhà đầu tư toàn cầu đang sở hữu gần 5% cổ phiếu tại thị trường Trung Quốc đại lục. Họ sẵn sàng mua vào nhằm nâng tỷ lệ nắm giữ tại thị trường chứng khoán lớn thứ 2 thế giới, với kỳ vọng thu lời trong thập kỷ tới.
Ngoài ra, căng thẳng thương mại với Mỹ cũng góp phần thúc đẩy thị trường tài chính Trung Quốc đại lục chủ động hơn trong việc phát triển công nghệ và thiết lập một hệ sinh thái giao dịch riêng, nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.