Là loại hình phát triển nhanh trong 3 năm trở lại đây trên thị trường tiền số, stablecoin (tiền ổn định) hỗ trợ các hệ sinh thái tài chính phi tập trung và giúp việc giao dịch thuận tiện hơn. Ở giai đoạn đỉnh cao, tổng giá trị vốn hóa của mảng stablecoin từng đạt khoảng 186 tỷ USD.
Tuy nhiên, cú sập của UST (TerraUSD), đồng stablecoin thuật toán thuộc hệ sinh thái LUNA, thị trường và nhà chức trách có cái nhìn thận trọng hơn về loại tài sản này. Đồng thời, nhiều đồng tiền ổn định bị mất mốc 1 USD, giá trị vốn hóa giảm sâu trong giai đoạn vừa qua.
Nhiều stablecoin không còn ổn định
Stablecoin được tin tưởng bởi chúng đảm bảo giữ giá với đồng tiền pháp định gắn liền. Sau sự việc UST/LUNA, lòng tin của nhà đầu tư với loại tài sản này phần nào bị lung lay bởi 1 USD stablecoin có thể không còn bằng 1 USD. Chỉ trong một tuần, hơn 20 tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường stablecoin.
USDX tăng giảm bất thường dù là "tiền ổn định". Ảnh: Coinmarketcap. |
Hiệu ứng dây chuyền tự sự việc UST tác động lên USDN của Waves hay USDX của Kava. Hai đồng stablecoin này cùng bị giảm sâu khỏi mốc 1 USD. Cụ thể, vào ngày 12/5, giá USDN chỉ còn 0,75 USD/đồng, USDX là 0,51 USD/đồng. Ngoài ra, stablecoin USDX của Kava vốn giữ nhiều UST để làm tài sản dự trữ. Vì UST sập sâu, dự án này cũng “lâm nguy”, đã gần 10 ngày USDX chưa thể chạm trở lại mốc 1 USD.
UST sập còn có tác động lên USN, USDD, những stablecoin thuật toán có mô hình tương tự vừa ra mắt cách đây không lâu. Justin Sun, người sáng lập TRON, dự án vận hành USDD cho biết stablecoin của ông là mục tiêu tiếp theo sau UST. Tuy nhiên, tổ chức đã chuẩn bị sẵn sàng hàng tỷ USD để đáp trả các cuộc tấn công tài chính.
Gần 8 tỷ USD vốn hóa của Tether đã bốc hơi trong hơn một tuần. Ảnh: Coinmarketcap. |
Đồng thời, USDT, đồng stablecoin lớn nhất thị trường, được bảo chứng bằng tài sản thực cũng bị ảnh hưởng. Lần đầu sau hơn một năm, USDT mới giảm sâu xuống mức 0,97 USD. Bên cạnh đó, từ 13/5 đến nay, đồng tiền ổn định này vẫn chưa thể lấy lại mốc 1 USD.
Vấn đề khiến stablecoin nêu trên sụt giảm là bởi lòng tin của người dùng bị lung lay. Dù được bảo chứng bằng tài sản thực nhưng USDT là stablecoin bảo chứng một phần. Điều này đồng nghĩa hơn 79 tỷ USDT đang lưu hành không được hỗ trợ bằng 79 tỷ USD. Tether, công ty quản lý stablecoin này dùng tiền của người gửi để đầu tư nhiều hạng mục, chỉ giữ một phần để trả khi được yêu cầu rút tiền.
Chính điều này dấy lên lo ngại trong cộng đồng về việc các khoản đầu tư của Tether có thể gặp vấn đề giữa giai đoạn kinh tế khó khăn. Dẫn đến tài sản của công ty không đủ để bảo chứng cho USDT. Chỉ trong một tuần, vốn hóa của USDT đã sụt giảm gần 8 tỷ USD. Dòng tiền này chảy sang USDC và BUSD, những đồng tiền ổn định được bảo chứng toàn phần.
Trở ngại về mặt pháp lý
Trước những khi sự cố với stablecoin xảy ra gần đây, nhà quản lý ở nhiều quốc gia không có cái nhìn thiện cảm với loại tài sản này.
Vào tháng 7/2021, Bộ trưởng tài chính Mỹ, Janet Yellen đã triệu tập chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED), người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và sáu quan chức khác để họp kín, thảo luận về stablecoin Tether (USDT). Đồng tiền mã hóa này có thể gây ra tình trạng lạm phát, khiến tài chính Mỹ gặp rủi ro.
Giới chức Mỹ e ngại những rủi ro từ stablecoin và các loại tài sản số. Ảnh: Bloomberg. |
Người dẫn chương trình của CNBC, Jim Cramer cũng đã khuyên các nhà đầu tư bán toàn bộ số tiền mã hoá của họ. “Nếu Tether sụp đổ, loại stablecoin này sẽ phá huỷ toàn bộ hệ sinh thái tiền mã hoá", Jim nói.
Ngày 10/5, khi cú sập sâu diễn ra, trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ, bà Janet Yellen đã nhắc đến sự kiện đồng TerraUSD de-peg (mất mốc neo 1 USD). Bà cho rằng điều đó có thể gây ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính Mỹ và kêu gọi ban hành khung pháp lý cho stablecoin, để giám sát lĩnh vực này.
"Có một loại stablecoin tên là TerraUSD đã hoạt động và đang giảm giá trị. Nó minh họa rõ ràng việc stablecoin là một loại hình phát triển nhanh chóng và gây ra rủi ro tới sự ổn định của ngành tài chính. Chúng ta cần một khung pháp lý phù hợp", bà Yellen nói.
Theo Reuters, trong cuộc họp của nhóm G7 mới diễn ra tại Đức, các nhà lãnh đạo tài chính từ các nước công nghiệp lớn đã kêu gọi đưa ra quy định cho các loại tài sản số sau cú sập của Terra, gây hỗn loạn thị trường.
Tương lai nào cho stablecoin?
Trước sự đi xuống của các đồng stablecoin khác, USDC là bên được hưởng lợi. Nhờ cơ chế bảo chứng toàn phần, Circle, đơn vị quản lý của đồng tiền số này thu hút thêm 4 tỷ USD vốn hóa trong tuần qua. Tương tự, BUSD của Binance cũng có mức tăng 2 tỷ USD, lên mức 18 tỷ USD.
Stablecoin vẫn là thành phần quan trọng của các hệ sinh thái DeFi. Ảnh: Coincu. |
Trao đổi với Zing, ông Mai Nghĩa, người sáng lập K300 Ventures cho rằng với xu hướng tài chính phi tập trung hiện nay, việc stablecoin thuộc quản lý của một công ty là nút thắt. Do đó, mô hình stablecoin phân mảnh, hoạt động dựa trên hợp đồng thông minh sẽ là mục tiêu phát triển của mảng này. Tuy nhiên, hầu hết giao thức tiền ổn định hiện tại đều có lỗ hổng. Tiêu biểu là sự cố Terra, gây sụp đổ cả hệ sinh thái.
Đánh giá về mô hình stablecoin của các hệ sinh thái hiện có, ông Phạm Nguyễn Anh Huy, Giảng viên tài chính cao cấp, người sáng lập Trung tâm công nghệ tài chính và mã hoá Đại học RMIT cho rằng USDD của TRON quá giống UST, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong khi đó, ông đánh giá cao USN của NEAR hơn bởi được bảo chứng bởi nhiều tài sản, gồm USDT, nên có thể chống chịu biến động tốt hơn.
“NEAR triển khai USN theo hướng phòng ngừa rủi ro, mức lãi suất hợp lý. Nhưng điều này sẽ khiến sản phẩm không hấp dẫn, khó thu hút dòng tiền. Ngoài ra, mô hình sẽ vẫn có thể tồn tại lỗ hổng cơ chế, phải theo dõi nhiều hơn khi mở rộng mới đánh giá được”, ông Mai Nghĩa nhận xét.