Theo USA Today, một trong những chương trình truyền hình được xem nhiều nhất nửa tháng qua trên Netflix và trở thành hiện tượng toàn cầu là Squid Game. Ra mắt ngày 17/9, bộ phim Hàn Quốc hiện đứng thứ nhất trong top xem nhiều trên Netflix của 70 quốc gia, bao gồm Mỹ.
Trong thời đại phát trực tuyến, nhiều series truyền hình nước ngoài có sức ảnh hưởng toàn cầu. Giống Money Heist và Lupin, Squid Game hầu như không được truyền thông nước ngoài chú ý. Bộ phim chỉ phổ biến tại quốc gia và một vài khu vực lân cận. Tuy nhiên, khi phát hành, tác phẩm được đạo diễn Hwang Dong Hyuk ấp ủ 10 năm vào danh sách những bộ phim không nói tiếng Anh thành công nhất trên Netflix.
Bộ phim sinh tồn đứng đầu trên Netflix ở 70 quốc gia. Ảnh: Netflix. |
Phơi bày mặt trái xã hội
“Một cảm giác nguyên sơ, hấp dẫn và khó rời mắt trong bộ phim đẫm máu, kinh dị và rối loạn tâm lý sâu sắc”, USA Today viết trong bài đánh giá.
Squid Game kể về nam chính Seong Gi Hun (Lee Jung Jae đóng). Anh vốn có công việc ổn định, nhưng sau đó kinh doanh thua lỗ, bị vợ con bỏ rơi và sống bám mẹ già. Gi Hun quyết định nhận lời tham gia trò chơi sinh tồn vì "không muốn sống ở đáy xã hội cho đến lúc chết".
Gi Hun và 455 người mang trong người số nợ khổng lồ, không có khả năng chi trả, quyết định tham gia trò chơi. Người chiến thắng cuối cùng mang về số tiền lên đến 45,6 tỷ won (khoảng 38,7 triệu USD). Tuy nhiên, trong quá trình tham gia những trò chơi trẻ em, họ trả giá bằng sinh mạng sau khi bị loại.
Theo USA Today, Squid Game có nét tương đồng với Battle Royale (2002). Bộ phim của Nhật Bản kể về những đứa trẻ bị chính phủ độc tài buộc chiến đấu đến chết. Series Hàn Quốc cũng làm liên tưởng đến loạt phim The Hunger Games.
Song, điều khác biệt của Squid Game là người chơi tham gia dưới hình thức tự nguyện. Họ có quyền dừng cuộc chơi theo ý kiến số đông. Tuy nhiên, khi trở lại cuộc sống thực, người sống sót đối mặt vấn đề khó khăn hơn: Họ không có đường lui, không thể chi trả số nợ khổng lồ và rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan - hoặc là ở tù, bị xã hội đen thanh toán hoặc đồng ý chơi tiếp để bỏ túi số tiền 45,6 tỷ won dù phải trả giá bằng mạng sống.
Những người chơi trong trò chơi sinh tồn đến từ mọi tầng lớp trong xã hội. Ảnh: Netflix. |
Theo BBC, thể loại không mới nhưng hình ảnh ấn tượng, các trò chơi dễ hiểu, xoáy sâu vào tâm lý con người giúp Squid Game thu hút khán giả toàn cầu. “Các vòng chơi đơn giản, chủ yếu là trò chơi trẻ em. Song, việc tham gia trò chơi thời thơ ấu nhưng phải trả giá bằng mạng sống khiến người xem đứng ngồi không yên”, tác giả William Lee viết trong bài đánh giá.
Trong một cuộc phỏng vấn, đạo diễn Hwang Dong Hyuk nói: “Điều trớ trêu là gần 500 con người trưởng thành liều mạng trong vô vọng để giành chiến thắng ở loạt trò chơi dành cho trẻ em. Các trò chơi đơn giản, luật chơi dễ hiểu giúp người xem dễ dàng theo dõi và tập trung vào các nhân vật”.
Các yếu tố hoài cổ, ví dụ trò "đèn xanh, đèn đỏ" ở tập 1, vòng "tách kẹo" ở tập 2 là trò chơi dân gian quen thuộc với trẻ em châu Á, nhất là người Hàn Quốc. Điều đó giúp bộ phim lan tỏa mạnh ở nhiều quốc gia. “Squid Game khiến tôi muốn ăn lại kẹo đường Dalgona. Đã 20 năm rồi tôi mới tìm lại cảm giác này”, BBC dẫn nguồn một khán giả Hàn Quốc.
Các chuyên gia cho rằng thành công của chương trình đến từ cách khai thác tâm lý nhân vật. 456 người chơi mang trong người số nợ khổng lồ đến từ mọi tầng lớp trong xã hội.
Nam chính Gi Hun là người có công việc ổn định, kinh doanh thua lỗ nên lâm vào nợ nần. Nhân vật Sang Woo (Park Hae Soo đóng) - trước là bạn bè thân thiết, sau là đối thủ chính của Gi Hun - thuộc tầng lớp tri thức, vì thất bại trong lúc chơi cổ phiếu nên lâm nợ.
Phim còn khai thác cô gái nhập cư từ Triều Tiên. Kang Sae Byeok (Jung Ho Yeon đóng) sống bằng nghề móc túi và nuôi ước mơ đổi đời. Cuộc đời của thanh niên lao động trái phép từ Pakistan bị ông chủ ăn chặn lương cũng là điểm đáng chú ý.
Kim Pyeong Gang, giáo sư chuyên ngành Văn hóa toàn cầu tại Đại học Sangmyung - nói với BBC: “Khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ - những người thường xuyên phải chịu sự xa lánh và oán hận trong cuộc sống thực - dường như đồng cảm với các nhân vật trong phim”.
Theo chuyên gia, bộ phim phơi bày mặt trái của xã hội siêu cạnh tranh ở Hàn Quốc và các nước láng giềng Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy làm việc chăm chỉ và có ước mơ, không phải ai cũng có thể vào đại học tốt, kiếm được công việc ổn định.
Yếu tố công bằng cũng là điểm hút khách. Ở cuối series, Oh Il Nam - người chơi số 001, đồng thời là "trùm cuối" thao túng trò chơi - nói: “Tất cả người chơi đều bình đẳng. Chúng tôi mang đến cho những người bị đối xử thiếu công bằng, bị phân biệt đối xử ở thế giới bên ngoài cơ hội cuối cùng để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh công bằng”.
Tuy nhiên, cái giá của sự công bằng này quá đắt. Mạng sống con người bị mang ra làm trò tiêu khiển của những kẻ nhà giàu.
Thành công và những tranh cãi
Theo USA Today, bộ phim của đạo diễn Hwang Dong Hyuk gây ấn tượng mạnh bởi tính thẩm mỹ cao. Những cảnh quay toàn tạo nên thế giới siêu thực, đầy màu sắc. Hình ảnh người nối đuôi đi qua những bậc thang gợi cảm giác họ là nhân vật trong các trò chơi điện tử. Trái ngược với những con phố u ám ở Seoul, người chơi tận hưởng sự choáng ngợp, mang lại cảm giác thoải mái trước khi họ bước vào cuộc chiến sinh tồn.
Tác giả Kelly Lawler cho rằng mức độ máu me của tác phẩm không đáng sợ như The Walking Dead, nhưng cảnh giết chóc dồn dập trên nền nhạc trẻ em gây ám ảnh, cách mô tả trò chơi hấp dẫn làm nên thành công cho phim.
Guardian cho rằng Squid Game có cách khai thác thông minh, mang lại nỗi ám ảnh với các trò chơi điện tử. Người chơi bị những kẻ thao túng theo dõi qua màn hình máy vi tính. Họ bị loại, tước đi sinh mạng một cách nhanh chóng, không thể định đoạt số phận của chính mình.
“Những hành lang trải dài như mê cung, nhạc phim leng keng… giống như bữa tiệc đáng sợ dành cho trẻ em. Trong thế giới này, đạo diễn sắp đặt người chơi vào tình huống khó xử - liệu họ có phản bội bạn bè để thoát chết, nỗi dằn vặt sau những trò chém giết”, Henry Wong của Guardian viết.
Squid Game có bối cảnh hoành tráng, màu sắc bắt mắt. Ảnh: Netflix. |
Truyền thông phương tây lý giải thành công của Squid Game tương tự Parasite - bộ phim Hàn Quốc đoạt giải Oscar 2019. Hai bộ phim đều khai thác sự chênh lệch giàu nghèo, những bất công của xã hội.
Song, bộ phim bị nhặt không ít sạn. Tuy được ấp ủ 10 năm, phim vướng lỗi cơ bản như lẫn lộn khi sắp đặt năm sinh nhân vật thiếu hợp lý.
Ngoài ra, phim bị so sánh với bộ phim The Gods Will (2014) của Nhật Bản. Nhiều người cáo buộc series đạo ý tưởng tác phẩm nói về học sinh trung học trong trò chơi sinh tồn, đặc biệt ở “Đèn xanh, đèn đỏ” - trò chơi để người chơi bị giết nếu cử động.
Tuy nhiên, Hwang Dong Hyuk phủ nhận mọi cáo buộc. Ông khẳng định hai bộ phim không có mối liên hệ nào, khán giả nhầm lẫn vì cả hai cùng thể loại. “Tôi lên kế hoạch cho Squid Game từ năm 2008 và bắt đầu viết kịch bản năm 2009. Những điểm tương đồng là trùng hợp. Không có sự sao chép nào ở đây”, ông khẳng định.
Ra mắt giữa đại dịch, bộ phim là tác phẩm hiếm hoi tạo tiếng vang toàn cầu. Khán giả yêu thích dòng phim sinh tồn mong muốn Squid Game ra mắt phần tiếp theo để giải quyết những vấn đề bị bỏ ngỏ. Song, điều đó lại khó xảy ra.
“Tôi không có kế hoạch phát triển Squid Game 2, chỉ nghĩ đến thôi đã mệt rồi”, Hwang Dong Hyuk nói với Variety.