Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, báo cáo với Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Sở Y tế "hiện sốt xuất huyết đang ở ngưỡng báo động dịch".
Tính đến 1/10, trên địa bàn có 10.624 ca mắc, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2014. Từ đầu năm đến nay, TP có 5 ca tử vong (2 trẻ em) do sốt xuất huyết. Trung bình mỗi tuần có 600 ca mắc bệnh.
Thời điểm này đang là đỉnh dịch, số bệnh nhân tăng cao. Theo ông Dũng, con số này đang ở ngưỡng báo động đỏ.
TP HCM đã có 239 phường, xã có người mắc bệnh. 8 địa bàn trọng điểm là quận 8, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn và Gò Vấp.
Bệnh nhân và người nhà nằm ở cầu thang bệnh viện. Ảnh: Lê Quân. |
TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đơn vị đang đối mặt với tình trạng nhiều bệnh nhân tuyến dưới lên khám cho... yên tâm. Mặc dù bác sĩ cố gắng giải thích, thuyết phục họ về bệnh viện vệ tinh hoặc tuyến dưới nhưng vẫn không giảm tải được.
Không chỉ sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, viêm đường hô hấp cũng đang trong giai đoạn chuyển mùa.
Còn theo bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, nơi này đã tiếp nhận 6.629 ca sốt xuất huyết điều trị ngoại trú và 2.832 ca nội trú từ đầu năm tới nay.
TS. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thông tin, 1/3 số bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại đây được chuyển đến từ các tỉnh khác.
Nhiều ca xảy ra tình trạng suy gan, viêm cơ tim, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ nguy kịch, dẫn đến tử vong.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế ) chỉ đạo các bệnh viện phía Nam phải đẩy lùi dịch và giảm tối đa số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết.
"Các bệnh viện phải nâng cao chất lượng điều trị nhưng phải cố gắng giảm tải, tránh tình trạng lây nhiễm chéo như dịch Sởi lây lan vào năm 2014. Vì lây nhiễm chéo giữa sốt xuất huyết với những bệnh truyền nhiễm khác sẽ làm cho công tác điều trị rất khó khăn, nguy cơ tử vong cao", ông Phu nói.