Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (bên trái) tiếp xúc bà con cử tri quận 1, TP.HCM, sáng 2/12. Ảnh: Quốc Ngọc |
Sót tội là một vấn đề cần quan tâm trong chống tham nhũng
Công luận mới chỉ nói nhiều đến chuyện oan sai, tại sao chưa đề cập đến chuyện sót tội? Sót tội cũng chính là một vấn đề cần quan tâm trong chống tham nhũng.
Ngày 2/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri tại quận 1 và quận 3 (TP.HCM) về kết quả kỳ họp thứ sáu Quốc hội khoá XIII vừa qua, đồng thời, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của bà con cử tri.
Nói nhiều về oan sai mà không đề cập đến sót tội
Trước sự quan tâm, bức xúc lớn của người dân về vấn nạn tham nhũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng bên cạnh những gì đã làm được trong công tác chống tham nhũng thì cái chưa làm được còn rất lớn. Điều này đã làm phiền lòng nhân dân quá nhiều. “Trung ương đã cố gắng hết sức để nói và làm đúng sự thật. Khoảng 80 vụ án tham nhũng mới đây đã được xử nghiêm minh hơn và hy vọng sắp tới độ nghiêm minh trong xét xử tham nhũng sẽ cao hơn nữa”, ông nói.
Một vấn đề hết sức thời sự cũng đã được cử tri đặt ra là oan sai trong hệ thống điều tra, xét xử hiện nay. Theo Chủ tịch nước, qua những vụ án oan sai được phơi bày gần đây, phải ghi nhận những cơ quan, đơn vị, cá nhân đã dám nói lên sự thật. Điều này nên được phát huy tốt hơn nữa.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước đặt vấn đề công luận mới chỉ nói nhiều đến chuyện oan sai, tại sao chưa đề cập đến chuyện sót tội? Chủ tịch nước dẫn ra rằng cần phải nhìn cả hai mặt của vấn đề này. Sót tội cũng chính là một vấn đề cần quan tâm trong chống tham nhũng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng cho rằng, một bộ phận “không nhỏ” cán bộ, đảng viên biến chất thì không thể là “nhỏ” được.
“Không thể đưa ra con số cán bộ yếu kém chỉ chiếm có 1% được, nếu chỉ có bấy nhiêu thì cần gì Đảng phải ra Nghị quyết Trung ương 4 - Chủ tịch nước nhấn mạnh - Khi đã gọi là nhóm lợi ích thì đương nhiên mang nghĩa lợi ích của các nhóm này hoàn toàn mâu thuẫn với lợi ích của quốc gia, của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đây đương nhiên là những kẻ xấu không thể là người vì dân, vì nước được”.
Cử tri cũng nêu vấn đề cơ quan chức năng áp dụng biện pháp xử lý quá nhẹ tay đối với các tội trộm chó, đinh tặc… nên đã đẩy người dân đến hành động “tự xử”, hậu quả nghiêm trọng. Chủ tịch nước yêu cầu cần phải đổi mới nhận thức trong pháp luật hình sự nhằm giải quyết dần những sơ hở trong phạm pháp hình sự mà cử tri đã nêu.
Vai trò Mặt trận Tổ quốc phải được nâng cao
“Trước đây, cái gì không được 100% là chúng ta khó chịu lắm. Tuy nhiên, vào thời điểm này, tôi yêu cầu nên tập thói quen chấp nhận những cách nghĩ khác nhau”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trả lời thắc mắc của cử tri về tỉ lệ đại biểu đồng ý thông qua Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá 13.
Theo Chủ tịch nước, ý thức dân chủ đã ngày càng được nâng cao trong Đảng và xã hội. Chủ tịch nước cho rằng tôn trọng ý kiến khác nhau mới là giải pháp ổn định, bền vững dài lâu. “Không nên còn ở trong hội trường thì biểu quyết 100% nhưng khi ra ngoài thì đủ thứ ý kiến khác nhau. Cần gì, cứ bày tỏ ngay trong cuộc họp”, Chủ tịch nước nói.
Từ đó, Chủ tịch nước cho rằng việc một Phó Thủ tướng, một ủy viên Bộ Chính trị được cử đảm nhận trách nhiệm cao nhất tại UBTƯ MTTQ Việt Nam cho thấy Trung ương đã hết sức đề cao công tác Mặt trận.
“Vai trò của Mặt trận không còn chỉ nổi lên trước các cuộc bầu cử HĐND nữa. Theo thể chế chính trị của nước ta, công tác này hết sức quan trọng. Muốn vững bền phải tôn trọng tất cả những gì chúng ta đã nói, ban hành văn bản. Do đó, càng phải khẳng định MTTQ là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.
Theo Dân Việt