UBND TP Hà Nội vừa đề xuất cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hàng loạt cây cầu vượt qua sông Hồng và sông Đuống, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 35.000 tỷ đồng.
Theo dự kiến, đến năm 2021, những cây cầu mới là cầu Tứ Liên, cầu Đuống 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) và cầu Giang Biên sẽ được xây mới theo hình thức hợp tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT hoặc BOT.
Ngay sau có đề xuất xây cầu, tin đồn sốt đất tại các vùng lân cận, được hưởng lợi về hạ tầng bắt đầu xuất hiện.
Đất đắt nhưng không phải do… xây cầu
Phường Long Biên (quận Long Biên) là nơi được coi “may mắn” nhất khi 2 trong số những cây cầu mới dự kiện sẽ bắc qua đây. Cầu Trần Hưng Đạo được cho là đi qua địa phận thôn Thạch Cầu và Tư Đình. Cầu Vĩnh Tuy 2 đi qua thôn Nha, thôn Thống Nhất của phường này.
Hà Nội dự định xây một số cây cầu qua sông Đuống và sông Hồng. Ảnh: Hiếu Công. |
Theo ghi nhận, phường Long Biên đã có hạ tầng tương đối phát triển. Giao thông khá hoàn chỉnh với cầu Vĩnh Tuy và hệ thống đường Đàm Quang Trung, đường Cổ Linh, đường Long Biên - Xuân Quan, đê Tả Hồng… Các trục đường đều được làm lớn, không chỉ có ý nghĩa với phường Long Biên mà còn cả TP Hà Nội và vùng lân cận.
Theo người dân, từ khi hạ tầng phát triển, đất đai khu vực phường Long Biên cũng tăng giá theo. Tại thôn Thạch Cầu và Tư Đình, giá đất phân hóa thành rất nhiều loại. Theo anh Hoàng Bình, một người am hiểu giá đất tại địa phương, có nhiều mức giá đất tùy thuộc vào gần đường giao thông lớn đến đâu.
Anh Bình lấy ví dụ đất mặt đường Cổ Linh có thể lên tới 160-180 triệu đồng/m2. Trong ngõ lớn có thể phổ biến ở mức 60-80 triệu đồng/m2, sâu trong làng giá đất ở mức 30-40 triệu đồng/m2 tùy loại. Những ngõ sâu, giá đất vào khoảng 25-30 triệu đồng/m2.
Anh Bình nói khu vực này có hạ tầng phát triển từ lâu, có thể vào thành phố bằng cầu Vĩnh Tuy và Chương Dương đều tiện, nên giá đất từ trước nay đã tương đối cao.
Quận Long Biên được đánh giá có hạ tầng khá phát triển. Ảnh: Hiếu Công. |
“Giá đất cứ nhích lên theo từng năm. Năm nay giá đã tăng khoảng 3-5 triệu/m2 so với năm 2016. Còn tin đồn sốt đất theo cầu mới là không đúng sự thật”, anh Bình cho biết.
Tại thôn Nha, chân cầu Vĩnh Tuy, tình hình tương tự cũng diễn ra.
Nguyễn Nam, một người buôn đất tại thôn, cho biết giá đất với ngõ có thể cho ôtô đi vào phổ biến từ 40-45 triệu đồng/m2. Những vị trí xa trung tâm hơn giá khoảng 25 triệu đồng/m2.
Nói về tin đồn tăng giá đất theo những cây cầu, anh Nam bác bỏ.
“Không có chuyện đất ở đất ở đây đột ngột tăng giá. Hạ tầng ở đây vốn phát triển với các trục đường lớn. Mới đây nhất có AEON mall nên giá đã được định cao sẵn. Tôi nghĩ khó mà cao hơn nữa khi chỉ mới nghe nói sẽ xây cầu qua đây”, anh Nam chia sẻ.
Đất Gia Lâm vẫn ảm đạm chờ... cầu
Dọc 2 bên bờ sông Đống đoạn từ Cầu Đuống xuống đến xã Dương Hà (bên tả) và xã Giang Biên (bên hữu), câu chuyện về việc xây dựng một loạt cây cầu được người dân bàn tán rất nhiều từ quán nước đến hàng sửa xe. Tuy nhiên, chuyện sốt đất gần như không ai nói.
Có mặt tại xã Dương Hà và xã Giang Biên, nơi được cho sẽ xây dựng cầu Giang Biên nối tiếp với cầu Vĩnh Tuy, cuộc sống của người dân gần như không có thay đổi gì về việc xây dựng cầu cũng như tin đồn giá đất.
Tại xã Giang Biên, nơi đã có hạ tầng tương đối tốt, có thể hưởng lợi từ Khu đô thị gần đó, người dân cho biết chưa hề có tin đồn giá đất. Theo anh Nguyễn Hoàng, người trên đường Phúc Lợi, dân tại xã chủ yếu là người bản địa, việc mua bán đất không quá sôi động.
Giá đất tại Giang Biên phổ biến từ 25-30 triệu đồng/m2. Khu vực nào mặt đường lớn, thuận tiện đi lại có thể lên đến 30-40 triệu đồng/m2. Anh Hoàng và nhiều người dân bác bỏ chuyện sốt đất, cho rằng không có khách mua, không có nhiều người bán bán và giá cả cũng không thay đổi nhiều.
Bên kia sông Đuống, tại thôn Hạ, xã Dương Hà, nơi được cho là cầu Giang Biên sẽ đi qua, thị trường nhà đất còn ảm đạm hơn rất nhiều.
Xã Dương Hà vẫn là một vùng quê chưa bị đô thị hóa nhiều của huyện Gia Lâm, người dân còn xa lạ với khái niệm sốt đất.
Ông Thạch Văn Quyển, trưởng thôn Hạ, xã Dương Hà, khẳng định với Zing.vn không hề có sốt đất tại địa phương. Ông Quyển cho biết cơ quan chức năng đã tiến hành đo đạc, khảo sát một vị trí cách trung tâm thôn khoảng 300 m để xây dựng cầu Giang Biên.
Người dân địa phương tại các nơi xây dựng cầu bác bỏ việc sốt đất. Ảnh: Hiếu Công. |
Tuy nhiên, thị trường nhà đất khá ảm đạm, không có nhiều người mua, cũng ít hộ trong thôn bán đất. Người làm nghề môi giới bán đất lại càng hiếm. Giá đất tại thôn chỉ vào khoảng 15 triệu đồng/m2. Chỗ nào đất đẹp lắm, gần đường lớn có giá khoảng 20 triệu đồng/m2.
Cảnh báo chuyện thổi giá trực lợi
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cảnh báo nhà đầu tư cần hết sức chú ý đến các tin đồn thất thiệt về giá đất. Theo ông Đính, việc quy hoạch xây cầu đã có chủ trương từ lâu.
Khi có thông tin về hạ tầng đi qua vùng nào, làm tăng giá trị đất đai là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, giá trị đất đai sẽ tăng theo sự đầu tư và thực trạng đầu tư.
Việc mới có chủ trương đầu tư mà giá đất đã biến động là điều không có. Ông Đính nhấn mạnh giá đất có thể biến động nhích lên nhẹ do niềm tin, chứ không có chuyện tăng đột biến.
Chuyên gia cho rằng cần hết sức lưu ý đến tin đồn sốt đất. Ảnh: Hiếu Công. |
Ông Đính nhắc lại bài học về sốt đất từng xuất hiện ở Ba Vì những năm trước để cảnh báo các nhà đầu tư.
“Thậm chí tin đồn sốt đất giống như khi xuất hiện một số khu vực ngoại thành của TP.HCM mới đây. Nhiều người đồn thổi giá đất khi có quy hoạch hoặc một dự án nào sắp triển khai”, ông Đính nhấn mạnh.
Ông Đính cảnh báo những người môi giới không chuyên nghiệp hoặc một số cá nhân tạo ra giá ảo, sóng ảo để trục lợi, câu kéo khách hàng.
“Người dân cần hết sức cảnh giác trước khi đầu tư”, ông Đính nhấn mạnh.