Chiến tranh Thế giới thứ II đã dạy cho người Nhật nhiều bài học đắt giá. Là quốc đảo nằm giữa biển, nghèo tài nguyên và ít đất canh tác. Phần lớn hoạt động của nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, việc duy trì hoạt động các tuyến đường biển, đường không có ý nghĩa sống còn đối với Tokyo.
Những năm Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản đã xây dựng hạm đội tàu ngầm phi hạt nhân được đánh giá hàng đầu thế giới. Quá trình thiết kế, đóng mới các tàu ngầm được phân chia giữa 2 nhà thầu quốc phòng hàng đầu là Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Heavy Industries đều có trụ sở tại thành phố cảng Kobe.
Tokyo thường duy trì hoạt của các tàu ngầm theo chu kỳ 20 năm. Các lớp tàu ngầm mới được chế tạo dựa trên lớp tiền nhiệm với những cập nhật và nâng cấp về công nghệ. Lớp tàu ngầm mới nhất đang được đóng mới là Soryu. Tàu được đóng mới dựa trên tàu ngầm lớp Oyashio. Hai lớp tàu ngầm này đang hình thành xương sống lực lượng tác chiến dưới nước của Nhật Bản.
Tự động hóa cao
Tàu ngầm lớp Soryu có lượng choán nước 4.200 tấn. Đây là tàu ngầm lớn nhất được đóng mới ở Nhật sau Thế chiến II, cũng là một trong những tàu ngầm phi hạt nhân lớn nhất thế giới. Tàu có chiều dài 84 m, rộng 8,5 m. Soryu có thể lặn sâu tối đa 500 m, phạm vi hoạt động 6.100 hải lý.
Tàu ngầm lớp Soryu, cỗ máy tác chiến dưới nước nguy hiểm nhất của Nhật Bản. Ảnh: Seaforces |
Soryu có mức độ tự động hóa rất cao, thủy thủ đoàn chỉ 56 người cùng 9 sĩ quan, giảm 10 người so với tàu ngầm lớp Harushio những năm 1990. Cảm biến chính của tàu là hệ thống định vị thủy âm đa chức năng ZQQ-7 với một mảng hình cầu phía trước mũi, 4 mảng gắn ở thân tàu.
Một mảng kéo thụ động để phát hiện các đối tượng phía sau. Radar tìm kiếm mục tiêu mặt nước ZPS-6F, hệ thống tác chiến điện tử ZLR-3. Hệ thống phóng mồi bẫy đánh lừa vũ khí dẫn đường âm thanh.
Tàu có thiết kế thủy động lực học với đuôi hình chữ X giúp tăng khả năng cơ động và hoạt động tốt hơn ở sát đáy biển. Ngoài ra, thiết kế này cũng giúp tàu vận hành dễ dàng ở những khu vực nước nông. Thân tàu được phủ một lớp cao su có tác dụng hấp thụ sóng âm thanh giúp tàu khó bị phát hiện hơn.
Động cơ tiên tiến
Trái tim của tàu là hệ thống động cơ không khí tuần hoàn độc lập (AIP). 4 động cơ AIP Stirling V4-275R Mk (sản xuất theo giấy phép của Thụy Điển) cho phép hoạt động liên tục dưới nước đến 2 tuần. Động cơ AIP giúp tàu ngầm hoạt động êm, khó bị phát hiện hơn.
Ngoài ra tàu còn được trang bị động cơ diesel Kawasaki 12V 25S. Hệ thống động lực này giúp tàu đạt tốc độ tối đa khi lặn 20 hải lý/giờ, 13 hải lý/giờ khi nổi.
Soryu là một trong số ít những tàu ngầm trên thế giới được trang bị động cơ AIP. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Hiện chỉ có một số quốc gia trên thế giới gồm Đức, Pháp, Thụy Điển vận hành các tàu ngầm phi hạt nhân được trang bị động cơ AIP. Nga và Trung Quốc được cho là đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện loại động cơ phức tạp này.
Soryu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm có thể bắn ngư lôi Type-89, hoặc tên lửa chống hạm Harpoon. Tàu có thể mang theo tổng số 30 ngư lôi và tên lửa.
Nhà phân tích quốc phòng Kyle Mizokami ở San Francisco, Mỹ nhận xét tàu ngầm lớp Soryu là sự kết hợp hoàn hảo giữa cảm biến tinh vi, tính năng tàng hình cùng hệ thống vũ khí mạnh mẽ. Soryu là cỗ máy “săn lùng – tiêu diệt” hiệu quả cao.
Tuy vậy, tàu ngầm hiện đại nhất Nhật Bản đã thất bại trong cuộc đấu thầu chương trình thay thế tàu ngầm lớp Collin của Australia. Ông Mizokami nhận định phạm vi hoạt động chỉ 6.100 hải lý là nguyên nhân chính khiến tàu ngầm Nhật thất bại.
Đối với nhiệm vụ bảo vệ vùng lãnh hải và các tuyến đường biển quan trọng xung quanh Nhật Bản đó không phải là vấn đề quan trọng. Nhưng với nhiệm vụ tuần tra xa bờ của hải quân Hoàng gia Australia, phạm vi của Soryu là không đủ.
Dù thất bại trong cuộc đấu thầu tại Australia, song giới phân tích quân sự thế giới vẫn đánh giá rất cao tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản. Tàu là một trong những sát thủ đại dương đáng sợ nhất thế giới.