Ding Hong (39 tuổi, họa sĩ thiết kế nhân vật hoạt hình người Trung Quốc) đã theo đuổi lối sống "không tiêu thụ" suốt 11 năm qua. Một ngày đầu năm 2009, cô quyết định không thuê nhà nữa mà chuyển đến sống ở văn phòng của công ty.
Theo Sohu, hành lý của cô chỉ vỏn vẹn có chiếc vali nặng 15 kg. Đêm, khi đồng nghiệp về hết, Ding Hong lấy tấm thảm tập yoga trải lên mặt bàn phòng họp, gấp chiếc khăn choàng màu đỏ làm gối rồi nằm ngủ tới sáng.
Cô gái quê Quý Châu cảm thấy hạnh phúc khi mỗi sáng không phải chen chúc trên tàu điện ngầm. Cô cũng làm vệ sinh cá nhân, tắm giặt, phơi quần áo ngay trong công ty. Vị trưởng phòng biết làm như vậy không hay song vẫn "mắt nhắm mắt mở" cho nhân viên của mình.
Ding Hong có ham muốn vật chất rất thấp, không muốn mua sắm thứ gì khiến hành trang của mình thêm nặng. Cô mặc đi mặc lại vài bộ quần áo. Cô còn ăn lại đồ ăn thừa từ đồng nghiệp, những món ăn còn lại sau tiệc tối của công ty.
Sống ở thành phố Bắc Kinh đắt đỏ nhưng mỗi tháng cô tiêu chưa đến 500 nhân dân tệ.
Ding Hong là một trong những người đầu tiên theo đuổi lối sống không tiêu thụ ở Trung Quốc. |
Lựa chọn cá nhân
Ding Hong nói rằng nhờ vứt bỏ được những điều tầm thường trong đời sống, cô tập trung hơn hẳn cho những tác phẩm của mình.
Cô làm việc ngày càng tốt. Công ty từng hai lần đề nghị thăng chức cho Ding Hong nhưng cô từ chối vì không thích quản lý người khác.
Vì gần như không tiêu tiền, Ding Hong tiết kiệm được khoản tiền rất lớn.
Cô đam mê du lịch và sẵn sàng chi tiền cho việc khám phá vùng đất mới. Cô đã đi khắp nhiều nơi từ Á sang Âu.
Năm 35 tuổi, Ding Hong quyết định New Zealand học về sản xuất hoạt hình với mức học phí 80.000 nhân dân tệ/năm. Tác phẩm hoạt hình độc lập đầu tiên của cô có tên "Crazy Driver" đã giành được Giải thưởng Phim hoạt hình xuất sắc từ Weta Studios.
Câu chuyện đặc biệt của Ding Hong đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ ở Trung Quốc, khiến họ muốn theo đuổi lối sống Freeganism giống như cô. Đây là triết lý sống của những người muốn thoát khỏi sự ràng buộc của chủ nghĩa tư bản hiện đại, hạn chế tiêu thụ các nguồn lực. Họ được gọi chung là Freegan.
Ding Hong thích du lịch và hiện sống tại New Zealand. |
Các Freegan hạn chế tiêu tiền, tận dụng các nguồn tài nguyên có sẵn, thậm chí ăn đồ ăn thừa, dùng lại đồ cũ, ở nhà hoang. Họ cho rằng chủ nghĩa tư bản phát triển nhanh, tạo ra phần dư thừa và lãng phí nên muốn dùng những nguồn lực thừa trong xã hội để đáp ứng nhu cầu cơ bản của mình.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa họ hoàn toàn không tiêu tiền. Nhiều người chỉ là đơn giản hóa nhu cầu vật chất để tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống, tìm thấy điều mình muốn.
Chia sẻ cuộc sống của mình lên diễn đàn, Ding Hong thu hút sự chú ý. Cô có tới 30.000 người hâm mộ, trong đó nhiều người muốn học theo lối sống tương tự. Trên QQ, một nhóm có tên "Freegan, những người không tiêu thụ" đã có 330 thành viên, một số người đã bắt đầu chuyến tới sống trong văn phòng công ty.
Ở chiều hướng ngược lại, không ít dân mạng cho rằng lối sống của Ding Hong là cực đoan, thiếu trách nhiệm, bởi nếu không có chi tiêu sẽ không thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
"Tôi chưa bao giờ phản đối chủ nghĩa tiêu dùng, cũng chẳng có khao khát trở thành tâm điểm. Không tiêu thụ chỉ là lựa chọn của cuộc đời tôi. Mọi người đều hy vọng được sống theo cách họ muốn theo khả năng để đạt đến hạnh phúc", Ding Hong bày tỏ.
Hạnh phúc với cuộc sống tối giản
Yang Zonghan (30 tuổi) đã theo đuổi lối sống không tiêu thụ được 8 năm. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật môi trường tại ĐH quốc gia Cheng Kung (Đài Loan, Trung Quốc), Yang trở thành kỹ sư với mức lương 1 triệu nhân dân tệ/năm.
Ở tuổi 30, Yang đã nghỉ hưu. Anh thường xuyên ăn rồi ngủ, không mua nhà, mua xe hay vay tiền để chi tiêu. Anh vẫn đi đôi giày mua từ nhiều năm trước và đi nhờ xe.
Yang Zonghan đã theo lối sống không tiêu thụ trong 8 năm qua. |
Yang Zonghan biết đến Freeganism vào năm 2012, khi anh chọn dành một kỳ học trao đổi tại Croatia. Tại trường, anh quen với nhóm bạn là những Freegan trẻ tuổi.
Nhóm của anh dùng đồ tái chế để thắp sáng, đốt lửa nấu ăn và sưởi ấm. Họ cũng tìm kiếm đồ ăn thừa trong thùng rác và các khu chợ, từ bánh ngọt, gà nguyên con, thịt lợn... Họ còn lập một "chợ miễn phí", nơi mọi người có thể góp vào những đồ không dùng đến và cầm đi thứ người khác đem tới mà không cần bù tiền.
Sau khi trở về nước, Yang đã truyền bá phong cách sống này lên mạng xã hội và nhận được sự ủng hộ của nhiều người trẻ.
Thỉnh thoảng, Yang làm chuyên gia khách mời cho các buổi thuyết trình và kiếm được khoản tiền lớn, cao hơn cả mức lương trung bình của một nhân viên văn phòng. Dù biết mình có thể kiếm được nhiều hơn song anh vẫn giảm số lượng bài giảng vì chỉ muốn "làm một con lười nhàn nhã".
"Quan trọng là tôi muốn chăm sóc gia đình mình nhiều hơn. Vài năm trước, cha tôi bị bệnh Alzheimer và mẹ cũng đổ bệnh không lâu sau đó. Bây giờ, tôi dành nửa thời gian trong ngày cho họ".
Baoma có cuộc sống đơn giản hơn sau khi chuyển đến ngôi làng ở Tam Á. |
Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, Baoma lập gia đình và sinh con, rồi cùng bạn bè mở một thẩm mỹ viện. Mỗi khi rảnh rỗi, cô thường đi du lịch ở khắp nơi để được trải nghiệm những thứ mới mẻ.
Một lần, cô dự định đến làng Houhai (Tam Á, Hải Nam) để học lướt sóng. Nhưng 6 tháng sau, cô đã quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân của mình và chuyển hộ khẩu tới ngôi làng ven biển. "Tôi đã làm việc quần quật suốt 2 tháng chỉ đến đây chơi 2 tuần, tại sao tôi không đến ở đây luôn chứ?".
Tại đây, cô có những người bạn mới với cuộc sống bình dị hơn. Sau một thời gian, Baoma cảm thấy nhu cầu vật chất của mình ngày càng giảm.
Khi sống ở thành phố, cô thường mua túi xách, dây chuyền và đồng hồ đắt tiền, nhưng ở làng Houhai, những thứ đó không còn giá trị. Mỗi ngày, cô chỉ mang mấy chiếc tủi vải nhỏ đi chơi. Thậm chí, cô không dùng đến mỹ phẩm dưỡng trắng, chỉ thoa kem chống nắng và dầu dừa.
Cô nói rằng bớt mua sắm, tiêu tiền khiến cuộc sống trở nên vui vẻ, thoải mái hơn. Cô không còn phải chạy theo những trào lưu vật chất mà được tận hưởng những niềm vui giản dị.