Khốn khổ vì… đá
Người dân ấp Thiên Bình lâu nay đã tự đặt cho xóm của mình một cái tên là xóm “giật mình”, bởi sống gần mỏ đá, thỉnh thoảng lại có một mỏ nổ mìn khai thác đá khiến người dân giật mình thon thót. Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (tổ 9, ấp Thiên Bình, xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) cho biết, cách đây chưa đầy 1 tháng, quán cơm của bà dính ngay một “hòn đá bay” nặng hơn 4 kg ngay giữa trưa.
“Lúc đó đang giữa trưa, quán còn vài khách ngồi ăn cơm thì một cục đá từ mỏ nổ mìn khai thác gần đó đã bay lạc vào nhà tôi và rơi ngày gần bàn ăn của khách. Sau khi xé mái lá của quán rơi xuống, cục đá hơn 4 kg còn văng xa hơn 20 m, rất may là không gây nguy hiểm cho ai”, bà Mai kể lại.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai đang ôm “hòn đá bay” nặng 4 kg kể lại sự việc. |
Còn đối với gia đình bà Giáp Thị Huệ (tổ 9, ấp Thiên Bình) mặc dù đã có hàng chục năm sống tại mảnh đất này nhưng giờ đây cũng phải sắp bỏ xứ ra đi do chỉ nằm cách mỏ khai thác đá khoảng 200 m nên mỗi lần mỏ đá nổ mìn thì nhà cửa của gia đình bà phải chịu trận theo.
Bà Huệ cho biết: “Mỗi khi các mỏ đá nổ mìn, nhà cửa rung lắc dữ dội, đá văng đầy mái tôn. Nhà của tôi giờ nứt toác hết, với tình hình này không biết nó sập lúc nào. Không chỉ vậy, mỗi lần mìn nổ là mấy đứa trẻ cháu tôi lại khóc thét, mình người lớn còn sợ thì trẻ em không sợ sao được”.
Ông Nguyễn Văn Phú - Chủ tịch UBND xã Tam Phước cho biết: Hiện trên địa bàn xã có 5 mỏ đá đang khai thác. Từ năm 2010, khi các mỏ đá đi vào hoạt động đến nay đã gây ra nhiều hệ lụy cho địa phương, trong đó có việc nhà cửa của người dân bị rung lắc, nứt nẻ tường nhà.
Không những phải sống chung với nỗi sợ hãi mỗi khi nổ mình, các hộ dân sống gần các mỏ khai thác đá bao năm nay cũng phải quen dần với cảnh trở thành bạn đồng hành của bụi. Bụi từ mìn nổ khai thác đá, bụi từ các trạm xay nghiền đá, bụi từ đường đi của các chuyến xe chuyên chở đá, tất cả khiến không khí xung quanh luôn bao trùm bởi một màn sương bụi. Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, bụi từ quá trình khai thác đá còn ảnh hưởng đến việc sản xuất của họ.
Tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, nhiều hộ dân đã phải chặt bỏ vườn cây, bởi bụi từ khai thác đá khiến cho cây trồng giảm năng suất hoặc chết. “Gia đình tôi đã phải chặt bỏ vườn chôm chôm lâu năm bởi vào mùa ra hoa bụi đá bám đầy khiến cây không đậu trái được. Mà không riêng gì gia đình tôi, nhiều gia đình khác trong ấp cũng phải chặt bỏ vì năng suất cây trồng giảm thê thảm do bụi đá”, ông Giản Văn Tuấn, ấp Ông Hường chia sẻ.
“Bỏ quên” hoàn thổ hậu khai thác
Ông Nguyễn Ngọc Thường – PGĐ Sở TN&MT tỉnh cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 40 mỏ đá đang hoạt động, trong đó có thời điểm các DN này chưa thực hiện tốt các quy định trong quá trình khai thác. Nhất là việc phun sương trong quá trình khai thác và vận chuyển”. Hiện trên địa bàn tỉnh có 9 mỏ đá đã đóng cửa dừng khai thác, tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi hoàn thành việc khai thác nhiều DN cũng “bỏ quên” luôn trách nhiệm hoàn nguyên, phục hồi môi trường.
Những vết tường nứt do nổ mìn phá đá gây ra. |
Mỏ đá tại khu vực ấp Cầu Hang, xã Hóa An, TP Biên Hòa, sau hàng chục năm được các DN khai thác, tận thu triệt để, nay “di sản” để lại là một bãi trống nham nhở, ngổn ngang, vách dựng đứng và những hố sâu ước tính lên tới 80 m. “Dưới các hố này nước đọng rất sâu, ai mà không may sa chân xuống là không thể lên được. Sợ nhất vẫn là mấy đứa trẻ vẫn hay xuống đó chơi”, ông Nguyễn Đình Đông, ấp Cầu Hang cho biết.
Tại mỏ đá Hóa An, một đoạn dài ngay cạnh con đường dân sinh các rào chắn rất sơ sài, các cột bêtông nằm nghiêng ngả và không có dây thép gai bao quanh. Theo một số người dân, trước đây đoạn hàng rào này cũng có dây thép gai bao quanh, nhưng được một thời gian đã bị một số người cắt trộm để tiện đổ trộm rác thải. Đoạn này lại nằm sát đường đi nên rất nguy hiểm cho người đi đường”.