Nước Pháp ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất trong lịch sử vào ngày 28/6. Số người thiệt mạng liên quan đến đợt sóng nhiệt đang hoành hành cả châu Âu tiếp tục tăng.
|
Nhiệt độ đạt đến 45,9 độ C tại Gallargues-le-Montueux, thuộc vùng Provence, miền Nam nước Pháp, cao hơn cột mốc kỷ lục 44,1 độ C được thiết lập vào tháng 8/2003 gần 2 độ. Ảnh: AP. |
|
Ít nhất 12 thị trấn ở miền Nam nước Pháp ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục vào ngày 28/6. Ba thị trấn có nhiệt độ vượt qua cột mốc 45 độ C. Trước đó, giới chức Pháp đã cảnh báo đợt sóng nhiệt đầu hè sẽ đạt mức ảnh hưởng cực đại vào ngày 28/6 sau gần một tuần cả "lục địa già" chịu cái nắng thiêu đốt. Ảnh: NASA. |
|
Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết năm 2019 đang "đi đúng lộ trình" bước vào hàng một trong những năm nóng nhất của thế giới. Giai đoạn từ năm 2015-2019 cũng trở thành chặng 5 năm liên tục nóng nhất trong lịch sử. Cơ quan này nói sóng nhiệt châu Âu "hoàn toàn giống" các hiện tượng khí hậu cực đoan khác liên quan đến tác động của khí thải nhà kính. Ảnh: AFP. |
|
Cả châu Âu gánh chịu đợt sóng nhiệt lịch sử vào đầu hè. Nhiệt độ ở nhiều vùng trên "lục địa già" có thể vượt mốc 40 độ C và lên đến 45 độ C. Các vùng phía nam châu Âu có thể ghi nhận mức nhiệt kỷ lục. Tuần qua, Pháp đã ra báo động đỏ về nhiệt độ, lần đầu tiên kể từ khi hệ thống này bắt đầu được sử dụng vào năm 2004. Ảnh: AFP. |
|
Châu Âu cũng từng gánh chịu một đợt sóng nhiệt nghiêm trọng đầu thế kỷ 21, kéo dài từ tháng 7-8/2003. Đợt sóng nhiệt quét qua châu Âu được xem là nguyên nhân dẫn đến gần 15.000 ca tử vong, ghi nhận riêng tại Pháp, với phần lớn nạn nhân là người cao tuổi. Mùa hè nóng kỷ lục năm đó vừa bị xô đổ vào ngày 28/6. Ảnh: AFP. |
|
Giới chức nhiều nước châu Âu đã phát cảnh báo nguy cơ cháy rừng do ảnh hưởng của tình trạng nắng nóng kéo dài. Tại Tây Ban Nha, đám cháy ở vùng Catalonia có nguy cơ phá hủy hơn 5.500 ha diện tích đất rừng và thảm thực vật. Các chuyên gia địa phương đã bày tỏ lo ngại đây chỉ mới là vụ cháy lớn tự phát đầu tiên dưới ảnh hưởng của đợt sóng nhiệt lịch sử tại châu Âu. Ảnh: AFP. |
|
Tại Italy, mức nhiệt ghi nhận có nơi đã vượt qua mốc 42 độ C. Nhiều nơi cũng vượt qua mốc 40 độ C, đặc biệt tại các vùng miền Trung và miền Nam "đất nước hình chiếc ủng". Một số thành phố lớn, trong đó có thủ đô Rome, đã đăng cảnh báo nhiệt độ ở mức cao nhất. Ảnh: AFP. |
|
Có ít nhất 4 bộ, ngành tại Pháp được đặt trong tình trạng báo động đỏ. Tình hình nắng nóng được mô tả là giống Saudi Arabia hơn là nước Pháp. Nắng nóng bất thường được dự báo sẽ kéo dài qua đến tuần sau. Ảnh: AP. |
|
Trong khi đó, Tây Ban Nha có ngày thứ 2 liên tiếp ghi nhận nhiệt độ qua mốc 43 độ C. Giới chức địa phương nói lính cứu hỏa đang đồng loạt đối phó với 20 hướng di chuyển của ngọn lửa để ngăn đám cháy lan rộng. Ở vùng trung tâm Tây Ban Nha, một vụ cháy ở ngoại ô thành phố Toledo khiến người dân hai tòa nhà phải sơ tán. Ở Valladolid và Cordoba cũng ghi nhận hai trường hợp tử vong vì sốc nhiệt. Ảnh: AFP. |
|
Từ năm 1975 đến nay, Tây Ban Nha chỉ mới ghi nhận 9 đợt sóng nhiệt xảy ra vào tháng 6. Riêng trong vòng 10 năm qua, đã có đến 5 đợt sóng nhiệt đến sớm vào tháng đầu hè. Ảnh: Getty. |
|
Gần 4.000 trường học ở Pháp vẫn tiếp tục đóng cửa qua tuần sau hoặc mở các dịch vụ hỗ trợ hạn chế cho các bậc phụ huynh không thể ở nhà chăm con cái. Giới chức nhiều nước ở châu Âu liên tục cảnh báo người dân về các nguy cơ sức khỏe, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ nhỏ. Ảnh: AP. |
nước Pháp nóng kỷ lục
Pháp
sóng nhiệt châu Âu
Pháp đạt nhiệt độ kỷ lục
nóng lên toàn cầu
biến đổi khí hậu