Có rất nhiều biệt thự do người Pháp xây dựng hiện đang nằm ở vị trí “đất vàng” của TP HCM.
Nghịch lý
Nằm tại vòng xoay quận 5, TP HCM, phía đường Hải Thượng Lãn Ông giao với Nguyễn Thi có một căn biệt thự cổ được xây từ thời Pháp. Nằm cạnh bưu điện trung tâm Chợ Lớn, địa chỉ buôn bán của người dân quận 5, vì thế biệt thự này được đánh giá có giá trị hàng chục triệu USD.
Thế nhưng, trải qua thời gian, căn biệt thự hiện đang xuống cấp trầm trọng, từ những khe nứt của bức tường, cây dại chen nhau mọc. Tại đây đang có 3 hộ gia đình sinh sống, phần lớn là công nhân nhà máy dệt, được cấp nhà từ sau giải phóng.
Nhiều biệt thự tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh đang xuống cấp nghiêm trọng. |
Chị Lê Thanh Trúc, 29 tuổi, sinh ra và lớn lên trong căn biệt thự này kể: “Sau giải phóng, gia đình tôi được cấp nhà ở tại căn biệt thự này. Tôi sống ở đây đã gần 30 năm, hiện căn nhà xuống cấp một cách trầm trọng. Tường xây lâu quá nên mục ruỗng, thấm nước phải lấy xi măng chắp vá khắp nơi, cứ mưa là dột. Trước đây có tới 5 hộ gia đình sinh sống. Sau không chịu được vất vả nên 2 hộ đã đi thuê nhà nơi khác”.
Cũng theo chị Thúy, đã từng có cán bộ trên phường, quận xuống khảo sát, họp bàn với dân chuyện di dời, nhưng đến thời điểm này đâu vẫn hoàn đấy. Gia đình chị mong muốn sửa chữa, nhưng vì đây là sở hữu chung của nhiều hộ nên không thể tự quyết.
Mặt khác, ngôi nhà chưa được xếp hạng biệt thự, nên dù có sửa chữa vẫn phải xin phép và muốn có phép phải chờ khảo sát, phê duyệt của rất nhiều cơ quan liên quan, cực kỳ khó khăn, nếu không nói là bất khả thi.
Tương tự, căn biệt thự cổ khác tọa lạc tại số 5 đường Lê Công Kiều, quận 1 được xây dựng từ năm 1930, đã bị bỏ hoang từ nửa năm nay.
Chị Nguyễn Thị Thu làm nghề bán nước ở trước biệt thự này 15 năm nay cho biết: Chủ biệt thự thấy căn nhà xuống cấp nhiều lần muốn xin đập bỏ để xây một khách sạn có quy mô 10 tầng, nhưng đến nay chưa được cấp phép. Trước đó, nhà còn cho thuê, nhưng nay vì xuống cấp trầm trọng nên người thuê cũng bỏ, khiến biệt thự thành nhà hoang.
Qua năm tháng không có người ở, những viên ngói hình vây cá đang rơi rụng dần. Đặc biệt, cửa sổ của toàn bộ tầng 2 bắt đầu bung ra, trở thành mối lo của các hộ dân kinh doanh, sinh sống xung quanh.
Anh Nguyễn Văn Hùng, người thuê cửa hàng kinh doanh đối diện căn biệt thự bày tỏ: “Các hộ dân xung quanh đây rất sợ căn nhà này sập thì không biết hậu quả ra sao nữa”.
Cần sớm phân loại
Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 1.350 nhà cổ, biệt thự cổ tập trung nhiều nhất tại các quận 1, 3 và 5. Cuối năm 2015, sau khi một biệt thự tại Hà Nội bị sập khiến 2 người tử vong, UBND TP HCM đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra các biệt thự xuống cấp và đồng ý cho phép tháo dỡ 29 căn không thể bảo tồn.
Nhưng trên địa bàn còn rất nhiều ngôi biệt thự có nguy cơ sụp đổ, chủ nhà mong ngóng được phép gỡ bỏ, xây mới. Tuy nhiên đến thời điểm này, Sở Kế hoạch - Đầu tư chưa hoàn thiện bảng quy định về phân loại, xếp hạng biệt thự nào được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa, biệt thự nào có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ, về lịch sử, văn hóa...
Phải chờ đợi quá lâu mà chưa thấy phân loại, xếp hạng biệt thự, người dân sống ở đây lâm vào tình cảnh ở thì tạm bợ, nguy hiểm, mà tự tháo dỡ thì bị xem là hoạt động trái phép.
Đơn cử là việc xảy ra tại căn biệt thự cổ kiểu Pháp hơn 100 tuổi nằm tại số nhà 237 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh. Chủ nhà cho biết đã nhiều lần xin ý kiến phường để sửa chữa vì căn biệt thự đã quá xuống cấp, nhưng phường thông báo cần có quyết định của UBND thành phố.
Vì lo lắng đến sự an toàn của gia đình nên cuối tháng 6/2016, chủ nhà tự tháo dỡ mà chưa được phép. Ngay lập tức việc làm này bị đình chỉ.
Hơn 1.300 biệt thự, nhà cổ nhưng chất lượng lại chưa được đánh giá đầy đủ, trong đó có nhiều căn nhà bị bỏ hoang chờ... sập đang trở thành mối lo của nhiều người.