Korea JoongAng Daily chỉ ra theo truyền thống, ngôi sao kiếm được tiền nhờ tài năng âm nhạc hoặc diễn xuất. Sau đó, họ tiếp tục tích lũy tài sản thông qua những thành tựu trong công việc. Nhưng giờ đây, mọi người có thể trở nên nổi tiếng bằng cách chứng tỏ họ giàu có thế nào và họ vung tiền mua sắm ra sao.
Trường hợp của Song Ji A là bằng chứng. Người đẹp gần đây nổi tiếng khi tham gia chương trình hẹn hò Single's Inferno. Tuy nhiên từ trước đó, cô đã có lượt theo dõi lớn nhờ video đánh giá về các món hàng hiệu.
Ji A đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội vì mặc hàng nhái. Ngày 25/1, Song Ji A đăng video xin lỗi và thừa nhận bản thân sai lầm khi mặc hàng giả. Người hâm mộ của Song Ji A cảm thấy bị phản bội bởi cô không hề giàu có những gì người đẹp xây dựng và như những gì họ tưởng tượng về thần tượng bấy lâu nay.
Xây dựng hình tượng “ngậm thìa vàng” để kiếm lời
Theo Korea JoongAng Daily, yếu tố quan trọng làm nên sự nổi tiếng của Song Ji A chính là lối sống xa hoa mà cô thể hiện trên mạng xã hội. Trước tranh cãi, cô là hiện thân của sự trẻ trung, giàu có. Đây cũng là hình tượng được nhiều thanh niên Hàn Quốc thần tượng.
Tuy nhiên, Korea JoongAng Daily đặt ra câu hỏi tại sao mọi người lại hâm mộ cá nhân nào đó bởi sự giàu có của họ?
Lim Myung Ho, giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankook cho biết: “Chúng ta thường tưởng tượng về người giàu và muốn trở thành một trong số họ. Có một thứ gọi là Hiệu ứng Panoplie. Khi bạn mua cùng một món đồ với ai đó, bạn có thể cảm thấy mình 'ngang hàng' với họ. Đó là lý do chính khiến mọi người mua những món đồ xa xỉ. Ngay cả khi đó là món đồ nhỏ nhất, rẻ nhất của thương hiệu, người mua cũng thấy như họ đã trở thành người giàu”.
Song Ji A mặc hàng nhái trong chương trình Single's Inferno. |
Theo giáo sư, khi không thể sở hữu những món đồ xa xỉ, mọi người có thể cảm nhận điều tương tự khi ngưỡng mộ ai đó giàu có và tham gia fandom của họ.
“Với những người thuộc nhóm sau, họ thấy bản thân là bạn của người giàu đó, dù qua hình thức trực tuyến. Từ đó, họ cũng có thể thấy mình giàu có và sinh ra cảm giác vượt trội”, giáo sư phân tích.
Song Ji A không phải trường hợp duy nhất ở Hàn Quốc nổi tiếng nhờ những video thể hiện sự giàu có.
Ham Yon Ji từ gia đình tài phiệt, đứng sau gã khổng lồ thực phẩm Ottogi của Hàn Quốc được biết đến với sở thích mua sắm đồ xa xỉ. Phó chủ tịch Chung Yong Jin của tập đoàn tài chính Shinsegae cũng tạo dựng được lượng người theo dõi lớn trên Instagram với hình ảnh doanh nhân giàu có nhưng bình dị.
Thông qua nội dung chủ yếu xoay quanh lối sống sung túc, họ trở nên nổi tiếng và được nhiều người ưa thích vì giàu có, tương tự cách của Paris Hilton và gia đình Kardashian.
Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Heon Sik nói: “Lối sống sang trọng của họ mang lại cho người xem sự hài lòng khác nhau. Mọi người không xem nội dung của những người đó vì tài năng họ có. Họ mua sắm hàng hóa xa xỉ và kiếm được lợi nhuận bằng cách làm như vậy. Nếu ai đó nổi tiếng với tài năng của họ như ca sĩ bị bắt gặp mặc đồ giả, mọi người sẽ không thực sự quan tâm. Nhưng một tài khoản nổi tiếng bởi lối sống giàu có lại dùng hàng giả thì người xem không còn lý do gì để tiếp tục theo dõi”.
Nguyên nhân của làn sóng tẩy chay Song Ji A
Giáo sư Lim cho rằng chính với lý do trên, người hâm mộ thấy bị phản bội sau khi tin tức Song Ji A dùng hàng giả được đăng tải.
“Cô ấy nói dối là sai, nhưng chúng ta hãy xem xét nguyên nhân của sự tức giận và phẫn uất này đến từ đâu. Ban đầu, người hâm mộ của Song Ji A có thể cảm thấy họ cũng thuộc 'tầng lớp cao cấp' giống thần tượng. Nhưng bây giờ, cảm giác đó đã bị loại bỏ vì Song Ji A dùng hàng giả”, chuyên gia phân tích.
Trước đó, Song Ji A không chỉ khoe hàng hiệu mà còn thể hiện lối sống sung túc. Cô từng khoe sống trong căn hộ cao cấp, có tầm nhìn ra sông Hàn. Ở Hàn Quốc, những ngôi nhà nhìn xuống sông Hàn tượng trưng cho sự giàu có. Giá căn hộ Song Ji A đang ở được cho là có giá khoảng 3 tỷ won và và cùng khu với nhiều ngôi sao Kpop như J-Hope (BTS), Sunny (SNSD), Jae Joong (JYJ).
Tuy nhiên, mới đây căn hộ khiến Song Ji A một lần nữa vướng vào tranh cãi. Theo đó, công ty quản lý xác nhận cô chỉ thuê chứ không phải chủ sở hữu.
Song Ji A chưa bao giờ công khai sinh ra trong gia đình giàu có nhưng cô từng nói: "Cha mẹ mua cho tôi mọi thứ tôi muốn. Cha tôi cho phép tôi làm bất cứ điều gì khi còn nhỏ vì chúng tôi rất may mắn có đủ khả năng xử lý”. Theo Korea JoongAng Daily, chính những chia sẻ đó đã dựng lên hình tượng “ngậm thìa vàng” cho Song Ji A và cô kiếm lời từ việc đó. Ở Hàn Quốc, “ngậm thìa vàng” chỉ những người sinh ra trong gia đình giàu có.
Song Ji A từng được yêu thích khi sống trong căn hộ cao cấp, dùng nhiều hàng hiệu. Ảnh: Instagram. |
Nhà phê bình Kim Heon Sik nhận định: “Song Ji A đã kiếm được số tiền lớn nhờ hình ảnh sang trọng. Nhưng sự nổi tiếng của cô ấy được tạo bởi những món đồ nhái. Ngoài làm mất lòng tin của người hâm mộ, vấn đề vi phạm luật sở hữu trí tuệ cũng đáng lo ngại. Vì vậy, hình ảnh của cô ấy trong mắt công chúng đã trở thành giả tạo".
Giáo sư xã hội học Song Jae Ryong của Đại học Kyung Hee chỉ ra người Hàn Quốc chỉ trích các tầng lớp xã hội giàu có, được thừa kế của cải, nhưng sâu thẳm bên trong họ ước mình cũng được sinh ra với những “chiếc thìa vàng”.
“Có lẽ Song Ji A đã nắm bắt được tâm lý đó và nhắm vào những người thần tượng sự giàu có. Từ đó, hàng hóa xa xỉ trở thành vũ khí của cô ấy. Chúng tôi không biết điều gì xảy ra ở hậu trường, nhưng cô ấy đã biết cách tự sản xuất các video một cách hiệu quả”, Song Jae Ryong trao đổi với Korea JoongAng Daily.
“Fan của đối tượng giàu có và tán thưởng video mua sắm hàng xa xỉ thường là những người đang tìm kiếm ai đó có thể thay họ làm những điều họ không thể thực hiện trong cuộc sống. Và người đó đặc biệt dễ tìm thấy ở môi trường trực tuyến", giáo sư nhận định.
Korea JoongAng Daily cho biết Hàn Quốc từng nhiều lần tranh cãi gay gắt về văn hóa chạy theo những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội một cách mù quáng. Theo Korea JoongAng Daily, người Hàn Quốc gọi đó là “tâm lý hầu gái”.
“Giao phó cái tôi đã trở thành một từ thông dụng trên mạng xã hội. Nó đề cập đến những người có lòng tự trọng thấp và tự bù đắp bằng cách đầu tư tình cảm vào người mà họ tôn thờ, đến mức đánh đồng bản thân với họ.