Với độ cao 391m, nằm nổi bật trên cả một nền đồng bằng rộng lớn bao xung quanh TP.Tuy Hòa (Phú Yên), lại cõng trên mình hàng trăm tấn kim loại của các hệ thống cột phát sóng truyền hình, truyền thanh, rađa quân sự,… núi Chóp Chài được mệnh danh là "Ngọn núi trời đánh". Ít ai biết, có một tiểu đội cảnh sát bảo vệ Công an tỉnh Phú Yên đã âm thầm cắm chốt trên đây nhiều năm.
Quãng đường chỉ 3km vắt từ Quốc lộ 1A lên đỉnh núi Chóp Chài ngoằn ngoèo bám theo sườn núi, dốc dựng đứng. Làm thử một phép tính đơn giản, 3km chia cho độ cao lên tới 391m, ở những đoạn dốc trên 10 độ, những chiếc xe máy leo dốc, không chỉ phải cài số 1 thốc hết ga, mà người lái còn phải rướn mình đạp 2 chân xuống nền đường để lấy thêm đà.
Những cơn mưa phùn cuối tháng 12 cuốn thêm mây mù chụp lên đỉnh núi một màn sương trắng tuyệt mỹ, bảng lảng trong những tán cây, trông như tiên cảnh. Nhưng không ai dám phân tâm để ngắm cảnh đẹp. Một phần là dốc thẳng đứng bên cạnh miệng vực cheo leo, một phần phải căng mình ra chú ý những dấu hiệu của sét đánh trong cơn mưa.
Nỗi sợ hãi ấy không phải không có căn cứ, bởi nhà báo kỳ cựu Hồng Ánh, người đã có một thời gian dài theo dõi và thống kê chi tiết về "rốn sét" ở Tuy Hòa này, đã cảnh báo trước: dân Phú Yên còn gọi ngọn núi này là "Núi trời đánh"!
Theo thống kê của ông, chỉ tính riêng từ năm 2004 - 2012, bộ đếm sét tại ăngten của VTV Phú Yên và Đài PT-TH Phú Yên đã thống kê được 47 lần sét đánh. Đó là chưa kể đến vô số cú đánh khác vào ăngten của Trạm rađa Chóp Chài, VNPT Phú Yên hay hệ thống đường dây điện dẫn lên núi.
Những người lính bảo vệ hằng ngày phải sống cùng, chiến đấu và chơi trò ú tim cùng... thần sét. |
Theo kỹ sư Nguyễn Thanh Hà, Phó phòng Kỹ thuật Đài PT-TH Phú Yên, mỗi khi giông sét nổi lên, không ai trên đỉnh núi này có thể ngồi yên được. Sét đánh gần, đánh xa quanh núi như bom nổ, làm vỡ loảng xoảng cửa kính nơi ở và làm việc.
"Nếu ai chưa biết sét hòn, sét cục như thế nào, chỉ cần trời làm giông, trên đỉnh núi Chóp Chài sẽ biết. Khi sét đánh vào trụ ăngten, những khối lửa to như nồi cơm điện rơi từ đỉnh xuống đất thật hãi hùng".
Hơn 100 người sinh sống, làm việc trên núi Chóp Chài thì quá nửa bị thiên lôi đánh hụt. Tháng 9/2012, khi trời bắt đầu nổi giông, kỹ sư Đặng Rõ chạy ra sân để ngắt thiết bị điện. Bỗng nhiên, anh thấy trời đất sáng lóa, cùng với đó là một tiếng nổ đinh tai trên trụ ăngten. Những khối lửa rơi lả tả, Đặng Rõ khuỵu gối không thể bước nổi vào phòng.
Kỹ sư Lê Ánh Dương, Trưởng phòng kỹ thuật VTV Phú Yên, trên đường lên đỉnh núi Chóp Chài để kiểm tra hệ thống máy phát, khi đến lưng chừng núi chợt có tiếng điện thoại di động reo. Vừa mở điện thoại đưa lên, anh bỗng thấy bên tai tóe lửa cùng với tiếng nổ chát chúa. Thả rơi điện thoại, sờ lên mặt thấy nóng ran, nhìn xuống thấy điện thoại bốc cháy, anh mới biết mình vừa thoát chết.
Một công nhân của Công ty Điện lực Phú Yên chờ đến khi tạnh mưa mới leo lên trụ điện để nối lại đường dây vừa bị sét đánh đứt. Vừa lên được hơn 1m, sét bỗng đánh ngay chỗ dây điện bị đứt khiến anh rơi tự do như con gấu say mật. Mọi người khiêng anh vào phòng kiểm tra, may mà không bị gì, chỉ có… đũng quần ướt nhẹp.
"Khi trời bắt đầu nổi giông, tất cả tranh thủ ngắt hệ thống điện rồi chạy vào trong nhà án binh bất động, không ai được ra ngoài. Những người ở tầng trên đội mũ bảo hiểm chạy xuống tầng trệt trốn sét. Dù khác cơ quan, đơn vị nhưng những người ở tầng trệt cũng sẵn lòng chia một góc giường, chiếc chiếu chờ giông sét đi qua".
"Sống ở đây là sống chung với thiên lôi, chỉ còn cách đùm bọc nhau để tồn tại", kỹ sư Nguyễn Văn Nam, kỹ thuật viên Đài PT-TH Phú Yên tâm sự.
Với những hành trang đầy tính đe dọa mà vị đồng nghiệp ở Phú Yên đã trang bị khi lên núi, vừa khi đặt chân xuống nền đất trước cổng cột phát sóng truyền hình Chóp Chài, tôi giật mình nhảy dựng lên khi nghe tiếng lẹt xẹt ngay từ trên đầu vọng xuống.
Dày đặc hệ thống cột điện, cột phát sóng rađa, đỉnh Chóp Chài được mệnh danh là “núi trời đánh” với hàng chục cú sét mỗi năm. |
Nín cười trước hành động của khách, Trung úy Nguyễn Văn Thành, cán bộ Phòng Cảnh sát bảo vệ (PC65) Công an tỉnh Phú Yên, giải thích: "Trạm điện cao thế có một chỗ bị hở, mấy hôm nay trời cứ mưa ẩm là phát tiếng lẹt xẹt, chứ không phải là tiếng sét "dọn chỗ" đâu. Thời điểm này là qua mùa cao điểm của sấm sét rồi, anh yên tâm".
Bên trong gian nhà chừng 40m2 chia làm 3 gian, vừa là chỗ nghỉ, vừa là bếp ăn, vừa là phòng làm việc, những chiến sĩ của Tiểu đội Cảnh sát bảo vệ mục tiêu Chóp Chài đang chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Phía bên ngoài sân, một bếp củi đang đùn lên những đụn khói, nhọc nhằn cháy trong cơn mưa phùn lất phất và khí hậu ẩm ướt trên đỉnh núi.