Bão số 6 chiều tối 10/11 bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa gây sóng gió mạnh, mưa lớn.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 17h ngày 10/11, tâm bão số 6 - Nakri nằm trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm mạnh cấp 10 (90-100 km/h), giật cấp 13.
Trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10-15 km, đi vào đất liền các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Vị trí của bão số 6 - Nakri chiều 10/11 và dự báo hướng di chuyển. Ảnh: NCHMF - TSR
Rạng sáng 11/11, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp ở cấp 7 (50-60 km/h), giật cấp 10.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên địa phận Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/h).
Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển phía tây khu vực giữa Biển Đông trong tối nay còn có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 13. Sóng biển cao 5-7 m. Khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Tỉnh Bình Định ứng phó bão số 6. Ảnh: Toàn Đức.
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao 4-6 m, biển động rất mạnh.
Trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11.
Từ đêm nay ở Gia Lai, Đắc Lắk gió giật cấp 7. Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Phú Yên có nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 1,5 đến 2,5 m.
Từ nay đến ngày 12/11, ở các tỉnh/thành từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên mưa lớn. Dự báo lượng mưa ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, Đắc Nông, Lâm Đồng khoảng 100-150 mm; khu vực từ Bình Định đến Khánh Hòa có thể đạt mức 200-300 mm, có nơi trên 300 mm. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc lượng mưa sẽ ở mức 100-200 mm.
Bão là trạng thái nhiễu động của khí quyển và là một loại hình thời tiết cực đoan. Bão có nhiều loại, nhưng ở Việt Nam, thuật ngữ "bão" thường được hiểu là bão nhiệt đới. Bão nhiệt đới là một trong các phân loại của xoáy thuận nhiệt đới, đặc trưng bởi một trung tâm có áp suất thấp, gió mạnh và cấu trúc mây dông xoắn ốc tạo ra mưa lớn. Các thành phần chính của bão bao gồm các dải mưa ở rìa ngoài, mắt bão nằm ở chính giữa và thành mắt bão nằm ngay sát mắt bão. Ở nước ta, mùa bão thường bắt đầu từ miền Bắc vào tháng 5,6 và di chuyển vào miền Nam cho đến hết tháng 12. Ba tháng 9,10 và 11 thường có nhiều cơn bão nhất. Trung bình, hàng năm có từ 4 đến 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới vào bờ biển nước ta.
Bạn có biết: Trên thế giới, bão thường mang tên phụ nữ và sau này cả tên nam giới, xoay vòng theo chu kỳ 6 năm (khi một cơn bão gây thiệt hại lớn, tên của nó sẽ được loại bỏ ra khỏi hệ thống đặt tên). Khu vực tây bắc Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam), bão có nhiều tên mới lạ của hoa lá, động vật, chim, thậm chí cả món ăn như Trami, Halong, Damrey (Con voi), Saola...
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ VHTTDL trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.