"Cả nghìn hộ dân phải bỏ nhà, bỏ đất canh tác để nhường đất cho dự án mỏ sắt Thạch Khê. Ai cũng nghĩ cuộc sống sẽ tốt hơn tại nơi ở mới nhưng mọi điều ngược lại. Thiếu nước sạch, thiếu đất, thiếu việc làm đã khiến không ít người quay về bên moong mỏ, giữa lúc mỏ sắt đang nằm im lìm”, bà Nguyễn Thị Phú (75 tuổi, thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), tâm sự.
Vỡ mộng bên moong mỏ
Căn nhà cấp bốn của gia đình bà Phú đã cũ nát, từng mảng tường bong ra nhưng nhiều năm nay bà không dám sửa chữa hay cơi nới. Mỗi sáng, bà lão đã ngoài tuổi thất thập vẫn chăm chút từng giàn trầu không mới, mong có cái mang ra chợ bán.
“Có mỏ sắt, nước ngầm tụt cả, cây cối cũng chả sống được, chỉ mỗi cây trầu là bám tốt ở mảnh đất đầy cát lại thiếu nước này”, bà Phú nói.
Bà Phú lo lắng với cuộc sống cạnh mỏ sắt. Ảnh: Phạm Trường. |
Bà Phú kể năm 2007, người dân 5 xã ven biển Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc của huyện Thạch Hà thuộc diện giải tỏa nhường đất cho dự án mỏ sắt Thạch Khê. Một năm sau, chủ đầu tư đưa máy móc về khai thác mỏ, bà cùng người dân địa phương trong vùng dự án đã bàn giao đất sản xuất và nhận tiền đền bù. Còn những gia đình diện giải tỏa cũng phải bỏ nhà, bỏ đất canh tác để chuyển đến khu tái định cư.
Những tưởng khi chuyển đến nơi ở mới, cuộc sống, công việc sẽ tốt hơn mảnh đất lâu nay họ bám trụ, thế nhưng mọi điều lại đi ngược với suy nghĩ của bà Phú và những người dân vùng ven mỏ sắt.
Cứ thế, gần 15 năm qua, không chỉ bà Phú mà hàng nghìn hộ dân vùng dự án ngậm ngùi khi vùng mỏ sắt Thạch Khê mãi nghèo, không thể trồng nổi cây cối hay nuôi con gì.
Gia đình bà Phạm Thị Hiền (45 tuổi, thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn) cũng không ngoại lệ khi nằm trong số hàng nghìn hộ dân thuộc khu vực quy hoạch vành đai mỏ sắt. Bà cho hay trước khi mỏ sắt chưa khai thác, nước sinh hoạt chủ yếu từ giếng khơi hoặc giếng khoan.
Nhưng từ năm 2008, khi dự án bắt đầu hoạt động, mạch nước ngầm đã tụt hẳn, nguồn nước trở nên ô nhiễm, nhiễm phèn. Cây cối quanh khu vực vào tình cảnh khô héo, chỉ có cây trầu không là có thể trụ nổi.
Mỏ sắt nay là vũng nước sâu cùng tình trạng sa mạc hóa. Ảnh: Phạm Trường. |
Đến năm 2011, khi mỏ sắt tạm đóng cửa, dừng khai thác, cây cối mới dần trở lại màu xanh, nhưng lúc này ruộng đồng nhiều nơi đã tạo thành vũng sâu đầy nước hoặc phủ trắng cát.
“Trước đây ngoài ruộng vườn còn nuôi được trâu, bò, cộng với đi làm thuê thời vụ ở thành phố nên có phần trang trải. Còn giờ trồng cây gì cũng chẳng nên, nuôi con gì cũng chả lớn. Mọi thứ nay chỉ nhìn vào giàn trầu không lúc xanh, lúc héo”, bà Hiền buồn rầu.
Cần sớm có kết cục cho dự án?
Do nằm trong khu vực quy hoạch mỏ sắt, nhiều năm qua, thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn thuộc diện ba không: Không được đầu tư hạ tầng giao thông, không xây nhà văn hóa và không xây dựng nông thôn mới.
Không những thế, việc vướng quy hoạch dự án mỏ sắt nên nhiều diện tích đất đai không thể cấp sổ đỏ, chuyển đổi hay tách khẩu, nhiều thế hệ trong các gia đình đã quá đông song vẫn chịu cảch sống chung bất đắc dĩ.
Người dân các xã vùng bãi ngang huyện Thạch Hà trong khu mỏ sắt sống bằng nghề đi biển, trồng trọt và chăn nuôi. Khi được di dời lên các khu tái định cư cách mỏ khoảng 3-5 km họ dần bỏ nghề biển để làm phụ hồ, giúp việc, hàn xì...
Thu nhập bấp bênh nên nhiều năm nay một số gia đình ở xã Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Lạc... đã xin phép chính quyền cho về sống tại những ngôi nhà trước kia nhường cho dự án, nhưng chưa giải tỏa để trồng trọt, chăn nuôi và hứa sẽ rời đi nếu dự án hoạt động trở lại.
Người dân vùng quy hoạch mỏ sắt gặp khó khăn trong chăn nuôi, phát triển kinh tế. Ảnh: Phạm Trường. |
Gia đình bà Nguyễn Thị Bình (62 tuổi, xã Thạch Lạc) thuộc diện di dời đến khu tái định cư mới, cách nhà cũ chừng 3 km. Nhưng chỉ ít năm sau đó, do nơi ở mới không có đất nông nghiệp, thiếu nước sạch, việc làm nên bà Bình cùng các con lại khăn gói quay về bám trụ bên moong mỏ.
“Cứ nghĩ ra nơi ở mới sẽ tốt hơn, có việc làm, nước sạch nhưng gần 10 năm nay chưa có gì cả. Thanh niên còn đi làm thuê được còn người già, trẻ nhỏ chẳng biết làm gì nên buộc phải quay lại nhà cũ để kiếm sống”, bà Bình ngậm ngùi.
Không chỉ xã Đỉnh Bàn mà hơn 1.400 hộ dân của xã Thạch Khê và Thạch Lạc (huyện Thạch Hà) cũng chịu cảnh tương tự khi bởi vướng quy hoạch dự án mỏ sắt nên đất đai không thể cấp bìa đỏ, chuyển đổi hay tách bìa làm nhà. Từ năm 2019 đến nay, nhiều người đã liều xây nhà mới, cải tạo công trình khi chưa được sự cho phép của chính quyền.
Người dân vùng quy hoạch dự án mỏ sắt nói rằng dự án không được triển khai, nằm bất động nhiều năm càng khiến cuộc sống họ gặp khó khăn, vướng mắc. Họ mong cơ quan chức năng sớm đưa ra kết cục cho dự án này để tái thiết lại cuộc sống.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn, bày tỏ mong muốn “khai tử” dự án mỏ sắt Thạch Khê.
“Việc dừng khai thác mỏ trong những năm qua đã phá vỡ quy hoạch xây dựng hạ tầng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp của người dân khiến kinh tế trì trệ. Với những phần đất vướng quy hoạch địa phương không thể làm gì được mà phụ thuộc vào mỏ sắt”, ông Sơn nói.
Những ngôi nhà diện giải tỏa song chưa bị phá dỡ, trở thành nơi trở về của người dân cạnh mỏ sắt. Ảnh: Phạm Trường. |
Còn ông Nguyễn Văn Sáu, Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), nói tỉnh từng lên kế hoạch di dời gần 4.000 hộ dân vùng bãi ngang thuộc 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà đến khu tái định cư để nhường đất cho dự án mỏ sắt.
Thế nhưng, 15 năm qua, chỉ hơn 100 hộ được chuyển đi nơi khác. Hơn 4.800 ha đất dự kiến sử dụng chỉ mới giải phóng được 839 ha. Khó khăn nhất hiện tại ở địa phương là vướng quy hoạch khiến việc tách hộ để cấp đất cho người dân không thể giải quyết được.
“Vướng quy hoạch và việc thu hồi diện tích đất lớn gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân và làm kinh tế các xã vùng bãi ngang thụt lùi, nhiều việc bị đình trệ. Địa phương mong Trung ương sớm có quyết định về dự án để dân ổn định cuộc sống”, ông Sáu nói.
Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê có diện tích 4.821 ha, trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Dự án triển khai năm 2008 với tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng, vòng đời khai thác hơn 50 năm.
Năm 2011, dự án phải tạm dừng để cơ quan quản lý thẩm định lại thiết kế kỹ thuật, tái cơ cấu cổ đông.
Gần đây, tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét chấm dứt dự án trước tháng 5/2021.