Son Heung-min đang có màn trình diễn thuyết phục tại Tottenham. "Mặt trời Á Đông của Ngoại hạng Anh" liệu có thể cùng ĐTQG Hàn Quốc tỏa sáng tại World Cup vào tháng Sáu này?
Son Heung-min sinh năm 1992 tại Gangwon, Hàn Quốc. 15 tuổi, cậu đã lọt vào mắt xanh của Soner Uysal, HLV dẫn dắt đội trẻ Hamburg trên đường tìm kiếm tài năng trẻ của Hàn Quốc.
Cũng từ đây, chuyến hành trình của một mầm non bóng đá tiềm năng cho đến cầu thủ hay nhất xứ sở kim chi vào thời điểm hiện tại, chính thức bắt đầu.
Khăn gói lên đường rời xa quê hương, được tập luyện tại học viện bóng đá trời Âu là giấc mơ của mọi cậu bé đam mê trái bóng tròn, Son cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, cũng giống như bao cầu thủ châu Á khác, vấn đề của Son chính là thể lực.
Đối mặt với những bài tập chạy hàng chục vòng quanh sân mỗi ngày dưới thời tiết tuyết phủ trắng xoá khắc nghiệt, Son lần nào cũng thở hổn hển đầy khó nhọc và về đích sau cùng. Cậu ngậm ngùi nói lời chào tạm biệt mảnh đất chỉ mới làm quen được mới một năm trong thất bại non trẻ đầu đời.
Khép lại giấc mơ nước Đức, Son Heung-min trở về Hàn Quốc nhưng ngọn lửa tình yêu với bóng đá chưa bao giờ nguội tắt. Niềm hi vọng của Son một lần nữa được thắp sáng, khi các tuyển trạch viên của CLB Blackburn Rovers xứ sở sương mù đánh giá cao kỹ năng đặc biệt của một cầu thủ nhỏ con 16 tuổi.
Trước khi dấn thân vào cuộc hành trình mới được dự báo không kém phần khắc nghiệt, Son tự rèn giũa thể lực một cách khốc liệt, tránh dẫm vào vết xe đổ trong quá khứ.
Với những màn trình diễn xuất sắc trong màu áo của đội trẻ Blackburn Rovers cách đây 9 năm, Son được gọi lên ĐTQG tham dự U17 World Cup. Đội tuyển Hàn Quốc chỉ chấp nhận thất bại trong trận tứ kết gặp chính chủ nhà Nigeria, cũng là đội bóng đã đăng quang năm đó, nhưng cũng đủ để cái tên Song Heung-min một lần nữa được nhắc đến tại trời Âu xa xôi.
Vượt xa cả dự đoán của chính Son Heung-min, HLV Uysal mời cậu quay trở lại nước Đức. Son như con phượng hoàng lửa được tái sinh sau những tro tàn vấp váp của quá khứ. Cậu được thi đấu trong màu áo U18 Hamburg, trở thành chân sút hàng đầu của CLB, thậm chí còn được đôn lên chơi tại giải đấu chuyên nghiệp Bundesliga vào mùa giải 2009/10.
3 mùa giải sau đó, Song đã là một cái tên quen thuộc trong danh sách đội hình ra sân với 31/34 trận, ghi được 12 bàn thắng trên mọi đấu trường, trở thành cầu thủ châu Á thứ tư đạt cột mốc bàn thắng hai con số trong Top 3 giải bóng đá hấp dẫn nhất châu Âu.
Khi nhắc về cậu học trò nhỏ châu Á hai lần gia nhập Hamburg, HLV Uysan nhận định Son Heung-min là cầu thủ châu Á hay nhất so với thế hệ cùng thời.
Mùa hè năm 2013, Bayer Leverkusen ký với Hamburg một bản hợp đồng chuyển nhượng đắt nhất trong lịch sử CLB trị giá 10 triệu euro. Bản hợp đồng ấy có tên Son Heung-min.
Son thi đấu cho Die Werkself hai mùa giải, có tổng cộng 24 pha lập công trên mọi mặt trận, thành tích thậm chí còn tốt hơn cả tiền bối đồng hương Cha Bum-kun, tiền đạo huyền thoại của Bundesliga.
Trong quãng thời gian 7 năm kể từ khi còn là một cậu bé 15 tuổi, Son Heung-min bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ thi đấu chuyên nghiệp bằng chuyến hành trình gian nan đến Đức, sau đó được tái sinh khi đặt chân đến nước Anh.
Để rồi mùa thu năm 2015, sau khi bắt đầu sự nghiệp tại Hamburg, Son lại một lần nữa trở lại xứ sở sương mù viết tiếp giấc mơ ngàn đời của biết bao thế hệ cầu thủ châu Á.
Tháng 8/2015, Son chính thức chuyển đến chơi tại giải Ngoại hạng Anh dưới màu áo Tottenham Hotspur. Với mức phí 22 triệu bảng Anh, Son đã trở thành cầu thủ châu Á đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá, mang theo rất nhiều niềm tự hào và kỳ vọng của khán giả nơi quê nhà.
Với một giải đấu khắc nghiệt và muôn vàn khó khăn như Premier League, không lấy gì làm khó hiểu khi một cầu thủ châu Á phải vật lộn ròng rã để thích nghi. Mùa giải đầu tiên, Son chỉ được thi đấu 13 trận, ghi được 4 bàn thắng và nhận về những hoài nghi, chỉ trích trên các phương tiện báo chí truyền thông nổi tiếng là lắm điều, hay soi mói tại Anh.
Tuy nhiên, hành động trên không phải là bằng chứng cho thấy HLV Mauricio Pochettino phủ nhận năng lực của Son. Chính chiến lược gia Argentina là người đã thuyết phục cậu học trò đừng vội nản chí sau năm đầu tiên thất bại ở Anh. Từ đó, chân sút người Hàn Quốc luôn thể hiện sự chăm chỉ và năng nổ trên sân cỏ.
Lee Sungmo, phóng viên Goal Hàn Quốc kể lại một lần hỏi thăm Son: "Tôi có dịp gặp cậu ấy sau trận đấu và hỏi: 'Son, những ngày này cậu có ổn không?'. Cậu ấy nhoẻn miệng cười và trả lời bằng giọng điệu chắc nịch: 'Tôi khoẻ, đừng lo cho tôi'." Ở Son vẫn luôn thường trực một nụ cười rạng rỡ, bình dị và ôn hoà như thế.
Tuy nhiên, đến mùa giải năm ngoái, Son dần bắt nhịp với lối chơi nặng về thể lực và tốc độ của Ngoại hạng Anh. Anh có cho riêng mình 14 bàn thắng, 6 pha kiến tạo thành bàn cho các đồng đội.
Tuy nhiên, trong một đội hình sở hữu những chân sút chủ lực với thể lực sung mãn như Harry Kane, Christian Eriksen, Dele Alli, thì cái tên Son Heung-min bỗng chốc hóa mờ nhạt. Anh vẫn là cái tên quen thuộc thường xuyên bị thay ra khỏi sân vào những phút gần cuối của trận đấu.
Son ý thức được mình chỉ là kép phụ, chấp nhận lu mờ trước những cầu thủ đẳng cấp nước Anh. Tuy nhiên, lợi thế lớn nhất mà cầu thủ châu Á sở hữu, điều mà các tên tuổi lớn lại ít khi có được, đó chính là sự cần cù.
Son đa năng, chịu khó đeo bám, có khả năng thích nghi ở mọi vị trí, luôn biết cách nổ súng khi Harry Kane tịt ngòi hay dính chấn thương, khi Tottenham cần anh lên tiếng.
Đó là lý do Pochettino từng sử dụng Son ở nhiều vị trí, giúp anh phát huy đa dạng các tố chất của mình: tiền vệ cánh trái, tiền đạo cắm và cả vị trí tiền đạo xếp bên cạnh Harry Kane.
Còn lẽ thường, Son sẽ thường xuất hiện bên cánh trái, nhường chỗ cho Harry Kane chơi chính giữa hàng công. Còn khi tiền đạo số 1 của The Spurs vấp phải sự đeo bám quyết liệt từ phía đối thủ, Son sẽ tận dụng khả năng bứt tốc của mình để làm đa dạng hoá các mảng miếng tấn công của Tottenham.
Son chưa phải là quân bài chủ lực của HLV Pochettino, nhưng chắc chắn đã trở thành mắt xích quan trọng dẫn dắt lối chơi cho đội bóng thành London. Son Heung-min được các đồng đội ở London đặt biệt danh là "Sonny", các CĐV Tottenham còn có riêng một bài hát gọi tên anh trên sân vận động.
Đây có lẽ là những dấu ấn tươi đẹp và trọn vẹn nhất mà một cầu thủ châu Á có thể đón nhận được nơi đất khách quê người. "12 tháng tới đây sẽ là khoảng thời gian quan trọng nhất trong sự nghiệp của tôi. Tôi đang tận hưởng cảm giác thi đấu ở Tottenham và đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp", Son Heung-min cho biết..
"Tôi luôn muốn mọi thứ sẽ còn trở nên tốt đẹp hơn nữa. Trong giấc mơ, bạn có thể làm bất kỳ điều gì bạn muốn. Như bao cầu thủ khác, tôi cũng mơ đến danh hiệu Quả bóng vàng", anh chia sẻ về giấc mơ và kế hoạch tương lai của riêng mình.
Son chưa có bóng vàng ở châu Âu, nhưng anh đã là cầu thủ vàng trong lòng người hâm mộ nơi quê nhà. Không quá để nói rằng, Son giờ đây đã trở thành trụ cột của ĐTQG tại vòng chung kết World Cup mùa hè năm này, mang theo những ước mơ cháy bỏng được tái hiện mùa hè tuyệt diệu của người Hàn Quốc 16 năm về trước.
Son Heung-min thường hay bị đặt lên bàn cân so sánh với tiền bối, cầu thủ Park Ji-sung. Cũng dễ hiểu, Park từng được thi đấu tại Ngoại hạng Anh, thể hiện xuất sắc trong màu áo đội tuyển quê hương và là niềm tự hào của bóng đá châu Á.
Park đã có cho mình 4 danh hiệu vô địch Premier League, một chiếc cup Champions League danh giá cùng Manchester United, thậm chí còn góp công lớn đưa Hàn Quốc vào đến trận bán kết World Cup 2002 với 3 bàn thắng tại giải đấu.
Còn Son, anh chưa có gì với Tottenham, nhưng trước mắt lại là cả một giải đấu vĩ đại sẽ phủ sóng toàn cầu. Hành trang Son mang đến xứ sở bạch dương là tất cả tin yêu và sự ngưỡng vọng của khán giả quê nhà, và cả trọng trách giành được thứ hạng cao để đảm bảo cho chính sự nghiệp của bản thân anh.
2 năm nữa, Song Heung-min sẽ tròn 28 tuổi, độ tuổi mà bất kỳ một nam thanh niên Hàn Quốc nào cũng phải trải qua đợt thực hiện nghĩa vụ quân sự kéo dài 21 tháng.
Còn nhớ, với thành tích phi thường lọt vào đến bán kết giải vô địch bóng đá hành tinh, toàn đội hình Hàn Quốc năm 2002 đã được miễn nghĩa vụ quân sự.
Tuy nhiên, mọi thứ chưa bao giờ đơn giản. Mùa hè năm nay, Hàn Quốc nằm ở bảng F cùng với nhà ĐKVĐ Đức, Thuỵ Điển và Mexico. Giấc mơ vươn xa tại World Cup năm nay nghe chừng vẫn quá xa vời với người Hàn Quốc.
Nhưng hơn ai hết, Song biết rằng chỉ cần thi đấu không thuyết phục, cơ hội để anh được tiếp tục chơi bóng chuyên nghiệp không bị ngắt quãng sẽ trở nên ngắn lại.
Để có được chỗ đứng tại Ngoại hạng Anh như hiện nay, Song Heung-min đã chấp nhận bỏ lỡ những cơ hội được miễn nghĩa vụ quân sự cùng đội tuyển Hàn Quốc. Năm 2012, Son quyết định tập trung thi đấu cho Hamburg nhằm chứng tỏ năng lực thay vì có mặt tại Thế vận hội Olympic diễn ra ở Anh.
Ngày 11/8, khán giả chứng kiến một cuộc đấu giành huy chương đồng tưởng chừng nhàm chán bỗng trở thành trận thư hùng giữa hai đại diện châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản. Chung cuộc, các bàn thắng của Park Chu-young và Koo Ja-cheol đã giúp các cầu thủ Hàn Quốc được miễn nghĩa vụ quân sự, tiếp tục sự nghiệp chơi bóng.
Mùa hè sau đó 2 năm, Son được triệu tập lên đội tuyển Hàn Quốc để thi đấu tại World Cup Brazil. Tại loạt trận thứ 2 của vòng bảng, dù Son ghi bàn, đội bóng xứ kim chi vẫn không thể tránh khỏi trận thua 2-4 trước Algeria. Hàn Quốc sớm phải về nước, nhưng Son vẫn là một trong những cái tên được ca ngợi sau màn trình diễn trước toàn thế giới.
Son thậm chí còn thêm một lần nữa bỏ lỡ cơ hội. Là chủ nhà đăng cai Asian Games 2014, Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ gặt hái chiếc huy chương vàng của bộ môn bóng đá nam. Lần này, Son bày tỏ mong muốn được trở về nước phục vụ ĐTQG, nhưng chỉ nhận được sự từ chối của CLB chủ quản Bayer Levekusen.
Năm đó, Rim Chang-woo ghi bàn thắng quý như vàng ở những phút cuối cùng vào lưới Bắc Triều Tiên, giúp anh cùng các đồng đội tránh khỏi tham gia nghĩa vụ quân sự.
Đến năm 2016, Son được trở về khoác áo ĐTQG thi đấu tại Olympic 2016. Chỉ tiếc, vận may vẫn tiếp tục không mỉm cười với tiền vệ của Tottenham. Tại vòng bán kết, U23 Hàn Quốc đã phải dừng cuộc chơi sau khi để thua U23 Honduras với tỷ số tối thiểu 0-1.
Theo lời HLV Shin Tae-yong kể lại, Son đã khóc cả ngày trong khách sạn và thậm chí không chịu ăn uống. Bóng ma lời nguyền vẫn vây lấy cầu thủ họ Son, khiến một tài năng Hàn Quốc bấy giờ đã vươn ra châu Âu, vẫn không tránh khỏi nỗi lo sợ về một ngày không còn được tiếp tục thắp lửa ước mơ chơi bóng.
Son Heung-min đã 26 tuổi. Chỉ hai năm nữa thôi, cũng như tất cả nam thanh niên đồng hương khác, anh sẽ phải quay lại Hàn Quốc để dành một phần tuổi trẻ phục vụ cho Tổ quốc mình.
2 năm không phải là dài, nhưng đối với tuổi nghề của một cầu thủ chuyên nghiệp, từng ấy thời gian đã đủ để Son tụt lại phía sau so với những lứa mầm non đang trưởng thành trong bão táp và một giải đấu khắc nghiệt như Ngoại hạng Anh.
Điều Son cần hơn cả lúc này là chiếc huy chương vàng của Asian Games, một danh hiệu tại World Cup năm nay hay Asian Cup 2019. Giấc mơ World Cup vẫn còn quá xa vời đối với một đại diện châu Á, nhưng Sonny - mặt trời Á Đông của Ngoại hạng Anh - cứ mơ đi, cứ tiếp tục chiến đấu, như cách mà chính Son Heung-min đã vững vàng bản lĩnh để đến với giấc mơ chơi bóng châu Âu, khi còn là một cậu bé 15 tuổi ngày nào.