Năm 2009, Park Ji Sung trở thành cầu thủ châu Á đầu tiên góp mặt trong một trận chung kết Champions League. Với bóng đá châu Á, Park là niềm cảm hứng. Nhưng với Son Heung-min, Park còn là giấc mơ.
Khi Park Ji Sung có mặt trong thành phần Man United nghênh chiến Barcelona trên sân Olimpico, Son mới 17 tuổi. Anh chỉ vừa rời đội bóng quê nhà FC Seoul để chuyển đến Hamburg tập trong đội trẻ.
Với một cầu thủ mà sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp còn chưa bắt đầu thì vinh dự mà Park Ji Sung trải qua với Son giống như phóng ánh mắt nhìn về phía đường chân trời: Chỉ thấy nó rất đẹp, nhưng không biết bao giờ mới đi tới đích.
Park Ji Sung đã gieo vào trái tim Son Heung-min giấc mơ chinh phục đỉnh cao. Ảnh: Chosun |
10 năm chạm tới giấc mơ Park Ji Sung
“Buổi sáng đầu tiên sau khi xem trận đấu của Park Ji Sung, tôi thức dậy vào 4 giờ sáng. Có gì đó thôi thúc tôi phải bắt đầu hành động thay vì chỉ mơ ước”, Son kể lại với phóng viên David Hytner của The Guardian. Có thể nói, hành trình trở thành một cầu thủ lớn của Son Heung-min bắt đầu từ thời khắc trận chung kết Champions League 2009 diễn ra.
Giống như số phận đã an bài, tròn 10 năm sau, Son chơi trận chung kết Champions League của chính mình. Anh đã đi một hành trình rất dài, rất gian nan để trở thành một cầu thủ thậm chí còn vĩ đại hơn cả Park Ji Sung năm xưa.
Sau khi Tottenham vượt qua Ajax, tờ Daily Mail từng cho công bố một video tư liệu về một ngày bình thường của Son. Anh thức dậy, uống một ly nước, tự làm bữa sáng, xách giày đi tập, về nhà, ăn bữa tối, tự thư giãn rồi đi ngủ. Một cuộc sống mà so với thế giới xa hoa, lộng lẫy của giới cầu thủ thì quá đỗi nhàm chán và đặc biệt là thiếu đi một bóng hồng.
Cuộc sống của Son không có gì ngoài bóng đá. Ảnh: Getty Images. |
Ai cũng nói rằng Son điển trai, nổi tiếng, quá dễ để tìm cho mình một nửa xinh đẹp đầu gối tay ấp mỗi ngày. Nhưng Son khẳng định, anh sẽ không kết hôn, thậm chí không yêu cho đến khi… từ giã sự nghiệp bóng đá. Cầu thủ người Hàn Quốc rất thành thật tâm sự rằng, anh không muốn phí một giây nào trong cuộc đời cầu thủ của mình.
“Nếu lấy vợ, tôi dĩ nhiên sẽ đặt gia đình lên làm ưu tiên số 1. Bóng đá chỉ còn là số 2 và tôi không muốn niềm đam mê này chỉ là số 2 trong thời gian tôi còn thi đấu chuyên nghiệp”, Son tâm sự thêm.
Khoa học đã chứng minh, thể chất của những cầu thủ châu Á thấp hơn các đồng nghiệp châu Âu. Hình dung một cách nôm na thì nếu Harry Kane chỉ cần chạy 5 bước để vượt qua hậu vệ của đối phương thì Son cần gấp đôi số lần guồng chân để làm điều tương tự.
Chàng Super Sonic gây sốc thế giới
Tất cả các cầu thủ châu Á đều ý thức được điều đó. Họ đều ý thức được bản thân phải tập luyện gấp đôi, gấp ba lần người bình thường để san lấp khoảng cách đó. Vậy nên để san bằng và thậm chí còn sở hữu sức mạnh vượt qua những đồng nghiệp châu Âu như Son Heung-min, cường độ tập luyện của anh là không thể tưởng tượng nổi.
Son được báo chí Anh gọi là Super Sonic - nhanh tựa ánh sáng - sau khi có pha tăng tốc đạt tới vận tốc… 34,3 km/h. Càng bất ngờ khi biết, tốc độ của Son đang là khủng khiếp nhất Tottenham. Đến cả chuyên gia Lucas Moura cũng chỉ tăng tốc cao nhất là 33,5 km/h.
Chưa hết, trong khuôn khổ Premier League 2018/19, Son đã thực hiện tới 306 pha tăng tốc. Và có tới 27 lần trong số đó anh đạt vận tốc từ 25 km/h trở lên. Trung bình mỗi trận Son tăng tốc tới 20 lần. Tất cả các chỉ số này đều là nhiều nhất Tottenham.
Tiền đạo Hàn Quốc là cầu thủ tăng tốc nhanh nhất và nhiều nhất Tottenham. Ảnh: Getty Images. |
Khi biết về những thông số này, tờ Marca từng gọi Son Heung-min là “Quái vật châu Á”. Trang Koreaeng (một trang báo thể thao của Hàn Quốc) dí dỏm bình luận rằng, lẽ ra vai Flash trong các serie phim của Marvel nên giao cho Son Heung-min đảm nhiệm. Son có thể đạt tốc độ của Flash mà không cần kỹ xảo.
Những lời khen có cánh dành cho Son ngày hôm nay là hoàn toàn xứng đáng. Năm 2016, đích thân huấn luyện viên Mauricio Pochettino từng đề nghị Tottenham phải bán Son. Spurs mất 22 triệu bảng để mua cầu thủ này nhưng mùa bóng đầu tiên của Son tại Spurs kết thúc chỉ với 4 bàn thắng tại Premier League. Anh may mắn được giữ lại Tottenham không phải vì nhận được sự ủng hộ của Pochettino hay chủ tịch Daniel Levy, mà đơn giản vì Spurs không mua nổi Sadio Mane.
Từ một chàng trai mơ mộng, từ một cầu thủ bị coi là vô dụng và bị đưa vào danh sách cần thanh lý, Son đã nỗ lực không ngừng để trở thành trụ cột của Tottenham. Nếu không có gì thay đổi, chính Son sẽ là người lĩnh xướng hàng công Spurs trong trận chung kết Champions League với Liverpool (do Harry Kane chưa bình phục 100%).