Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Sơn hà cố nhân’ - Lời cảnh tỉnh dành cho người Trung Quốc

Với “Mountains May Depart”, đạo diễn Giả Chương Kha thêm một lần nữa khai thác nhẹ nhàng, tinh tế những ảnh hưởng của bùng phát kinh tế Trung Quốc tới con người và xã hội nơi đây.

Được xem là “cánh chim đầu đàn” của “thế hệ thứ sáu” đạo diễn điện ảnh Trung Quốc, Giả Chương Kha luôn đem tới cho công chúng những cú chuyển mình đầy bất ngờ trong phong cách làm phim.

Năm 2013, A Touch of Sin (Thiên chủ định) - tác phẩm thắng giải Kịch bản xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes, khiến người hâm mộ bị sốc bởi tính bạo lực khi lột tả trần trụi những vấn nạn xã hội đương thời tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Phim được giới phê bình quốc tế đánh giá cao, nhưng rốt cuộc lại bị cấm chiếu tại chính quê nhà.

Mountains May Depart (Sơn hà cố nhân) là bộ phim mới nhất của đạo diễn Giả Chương Kha, lấy ba mốc thời gian là năm 1999, 2014 và 2025. Ảnh: Sihai

Bước sang tác phẩm mới nhất, Mountains May Depart (Sơn hà cố nhân) - bộ phim tranh giải Cành cọ vàng tại Cannes 2015, Giả Chương Kha vẫn không ngần ngại đề cập tới những đổi thay của đất nước Trung Quốc. Song, giọng điệu của ông trở nên nhẹ nhàng hơn. Phim không gây sốc, nhưng đủ khiến người xem trăn trở khi đào sâu vào những cảm xúc bên trong con người trước những thay đổi lớn lao của xã hội.

“Tương lai buộc ta phải xét về hiện tại dưới một lăng kính khác”

Giống như các tác phẩm trước của Giả Chương Kha, Mountains May Depart có cấu trúc được chia làm ba phần. Nhưng đó không phải ba câu chuyện độc lập, mà là ba mốc thời gian xoay quanh một nhóm nhân vật. Sinh, lão, bệnh, tử, những mối quan hệ chằng chịt trong xã hội, biến chuyển chóng mặt của thời gian, lẫn nhiều bài học đắng chát từ cuộc sống… trở thành đề tài xuyên suốt bộ phim.

Nội dung Mountains May Depart kéo dài trong vòng 25 năm, bắt đầu từ 1999, tiếp nối ở 2014, và kết thúc vào 2025, tương ứng cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Phim mở đầu bằng cảnh một nhóm bạn trẻ đang say sưa nhảy múa trên nền nhạc Go West của nhóm Pet Shop Boys, ca khúc quốc tế rất được người ta yêu thích lúc bấy giờ. Đó là đất nước Trung Quốc khi sắp sửa bước sang thiên niên kỷ mới.

Từ một nhóm bạn ba người, hay chính xác hơn là một cuộc tình tay ba, những thay đổi bên trong xã hội Trung Quốc cứ thế dần dần được bóc tách qua lăng kính của Giả Chương Kha. Ảnh: Sihai

Nổi bật trong đám bạn trẻ là Đào (Triệu Đào - người vợ ngoài đời của Giả Chương Kha), cô gái trẻ làm nghề dạy khiêu vũ ở Phần Dương, một huyện nghèo thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Đào rơi vào mối tình tay ba với hai chàng trai khác biệt cả về tính cách lẫn gia thế. Một bên là chàng thợ mỏ Liên Tử (Lương Cảnh Đông) lầm lì, cục mịch, không giỏi trong việc thể hiện tình cảm; bên kia là Kim Sinh (Trương Dịch) giàu có, luôn biết cách chiều lòng người mình yêu thương.

Hai con người đồng thời đại diện cho hai phong cách hoàn toàn trái ngược: Liên Tử bảo thủ, hướng nội, còn Kim Sinh cởi mở, hướng ngoại. Với đầu óc kinh doanh sẵn có, Kim Sinh mua lại cả mỏ than, lập tức đuổi việc Liên Tử để ngăn cản bạn mình đến với Đào. Mong muốn có một tương lai vững chắc, Đào quyết định chọn người đàn ông chu cấp cho cô tiền tài và vật chất, mặc cho tình cảm của người còn lại cũng là rất chân thật.

Phần đầu của bộ phim có nhịp điệu khá chậm rãi, kéo dài tới gần 45 phút. Nhan đề Mountains May Depart cũng chỉ xuất hiện khi phần thứ hai chuẩn bị bắt đầu. Từ một chuyện tình tay ba, Giả Chương Kha hướng tác phẩm sang câu chuyện về tình mẫu tử. Hóa ra quyết định của Đào không mang lại hạnh phúc cho cô. Cái chết đột ngột của người cha trở thành lý do duy nhất để Đào được gặp lại cậu con trai Dollar, vốn đang sống cùng Kim Sinh và gia đình mới tại Thượng Hải sau khi hai người ly dị.

Phần giữa của bộ phim là câu chuyện tình mẫu tử đầy cảm động giữa Đào và con trai Dollar. Ảnh: Sihai

Trớ trêu thay, đây cũng là lần cuối cùng hai mẹ con được hội ngộ, bởi Kim Sinh sắp đưa Dollar sang Australia sống. Đến phần cuối, Giả Chương Kha không còn tập trung về Đào, mà mô tả cuộc sống tại xứ sở kangaroo của Dollar hơn 10 năm sau đó. Bởi theo ông, “tương lai buộc ta phải xét về hiện tại dưới một lăng kính khác”.

Những số phận bị bỏ ngỏ

Nhan đề tiếng Hoa của bộ phim là Sơn hà cố nhân, tức “những người bạn cũ thì như núi và sông”. Cùng với tên tiếng Anh, chúng tạo ra cảm giác xa cách khó tả. Cả ba phần của bộ phim đều bắt đầu hoặc kết thúc bằng những cuộc chia ly.

Ở phần đầu, Đào chia tay với Liên Tử và cả hai không gặp lại nhau trong suốt 15 năm. Ở phần giữa, Đào tiếp tục phải nói lời tạm biệt với hai người đàn ông quan trọng trong đời mình là bố ruột và con trai. Ở phần cuối, mặc cho sự phản đối của cha, Dollar quyết định bỏ nhà ra đi, thậm chí là rời khỏi Australia để tìm thứ khỏa lấp những điều trống vắng trong lòng cậu.

Các nhân vật trong Mountains May Depart cứ đến rồi đi như những “bóng ma”, chỉ lướt qua trong chốc lát rồi trở lại ở một mốc thời gian khác, trong một hình ảnh khác. Liên Tử tiếp tục có mặt ở phần hai, vẫn trung thành với nghề mỏ sau 15 năm. Có điều, anh đã có vợ con, cuộc sống chưa đủ cơm no áo ấm mà lại hay tin mình mắc bệnh hiểm nghèo.

Những cuộc chia ly cứ thế rải rác xuất hiện trong Mountains May Depart, không để lại lời giải thích rõ ràng nào cho những nhân vật trên màn ảnh. Ảnh: Sihai

Tương tự, nhân vật Kim Sinh chỉ xuất hiện trở lại sau một phần tư thế kỷ, tức ở đoạn cuối phim. Anh nay đổi tên thành Peter, sống cuộc đời già cỗi bên Australia cùng cậu con trai bất trị Dollar. Hai người bạn năm xưa vô tình trở thành đại diện cho hai luồng tư tưởng hoàn toàn trái ngược tại Trung Quốc lúc này. Kim Sinh không phải là lựa chọn chính xác dành cho Đào, nhưng chắc gì đến với Liên Tử cô đã có được hạnh phúc? Cứ thế, Giả Chương Kha không cho người xem biết số phận của các nhân vật trong phim rốt cuộc sẽ ra sao, mà chỉ đặt ra những dấu chấm hỏi bỏ lửng.

Nhìn chung, Mountains May Depart vẫn mang đậm phong cách làm phim quen thuộc của Giả Chương Kha, người rất thích sử dụng những cú máy dài, âm nhạc cô động và kịch bản tỉ mỉ, chi tiết. Nếu như A Touch of Sin từng gây ấn tượng bởi những cảnh quay hành động mang màu sắc võ hiệp, thì Mountains May Depart lại khiến khán giả nao lòng bởi hàng loạt cảnh tĩnh.

Ở mỗi mốc thời gian, Giả Chương Kha chọn một góc quay ở tỷ lệ khác nhau (từ khung hình vuông 1.33, màn ảnh rộng 1.85 tiêu chuẩn đương thời, cho đến 2.35 đại diện cho tương lai), cách bài trí màu sắc cũng khác nhau, nhằm tạo ra không khí rõ rệt cho từng giai đoạn. Nối liền cả ba là ca khúc Take Care (Trân trọng) của Diệp Thiên Văn, bản hit nổi tiếng tại Trung Quốc trong thập niên 1990. Giai điệu thi thoảng lại vang lên, tạo ra cảm giác hoài cổ, bùi ngùi xen lẫn xót xa.

Lời cảnh tỉnh về giấc mơ “go West”

Phần cuối cùng của Mountains May Depart lấy bối cảnh tại Australia cũng là lúc đạo diễn Giả Chương Kha tìm cách bước ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân khi đây là bộ phim đầu tiên ông quay ở nước ngoài, sử dụng cả ngôn ngữ tiếng Anh. Nhân vật Dollar chính là lời tiên đoán và cảnh tỉnh mà nhà làm phim muốn dành cho quê nhà. Kim Sinh đặt tên tiếng Anh cho con với mong muốn kiếm được thật nhiều tiền, nhưng đổi lại ông phải mất đi quá nhiều thứ.

Cậu bé bất trị Dollar tại Australia chính là lời tiên đoán và cảnh tỉnh dành cho người Trung Quốc về giấc mơ "go West". Ảnh: Sihai

Ký ức thuở nhỏ về huyện Phần Dương cùng món há cảo mẹ nấu đã trở thành mảng màu mờ nhạt trong tâm trí Dollar. Cậu không còn có thể nói chuyện với cha bằng tiếng mẹ đẻ, còn Kim Sinh thì vẫn không biết tiếng Anh dù sống tại Australia, phải nhờ Google Translate để biết đường chửi mắng con. Giấc mơ Tây phương trong suốt 25 năm trước đó dường như đã vỡ tan như bong bóng bọt xà phòng.

Trong suốt sự nghiệp làm phim của Giả Chương Kha, Mountains May Depart có lẽ là tác phẩm mang đậm tính cá nhân nhất. “Lý do tôi thực hiện bộ phim là bởi cuộc sống luôn ngập tràn những điều không chắc chắn và khó đoán định”, nhà làm phim tâm sự tại Cannes 2015. Chính cuộc đời của cha mẹ ông, đặc biệt là cái chết đột ngột của bố vào năm 2006, là nguồn cảm hứng để Giả Chương Kha viết nên kịch bản bộ phim.

Chỉ có điều, tham vọng tạo ra một cốt truyện kéo dài hơn 25 năm, gồm ba phần phim đứng tách biệt về thời gian, bối cảnh và góc nhìn, khiến cho nhịp điệu của Mountains May Depart bị trúc trắc, chưa có được sự sắc bén, gãy gọn như các tác phẩm trước đây của nhà làm phim họ Giả.

Sau hai tiếng đồng hồ ứng với một phần tư của thế kỷ, Mountains May Depart kết thúc cũng y hệt như cách nó bắt đầu. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, chỉ có lòng người thì không bao giờ đổi dời. Giữa tiết trời giá lạnh, Đào nhảy lại điệu vũ tuổi thanh xuân của 25 năm trước thêm một lần nữa. Vẫn là vùng quê Sơn Tây và giai điệu quen thuộc của ca khúc Go West, như thể chẳng có gì đổi thay. Có khác chăng, là những nếp nhăn đã hiện rõ trên khuôn mặt của người phụ nữ ấy, khuôn mặt không thể giấu được nỗi buồn khi phải sống cảnh cô độc ngay giữa nơi quê hương xứ sở.

Sơn Phước

Bạn có thể quan tâm