Một ngày giữa tháng 11/1989, những tiếng súng vang lên tại cửa hàng rượu ở hạt San Jacinto, bang Texas. Allen Hilzendager, chủ cửa hàng tử vong tại chỗ.
Timothy Mark Jordan, Kerry Dixon và Claude Jones lần lượt bị bắt giữ khi cảnh sát địa phương vào cuộc. Đây là một trong những vụ án oan sai tai tiếng trong lịch sử ngành tư pháp nước Mỹ.
Mù mờ
Theo hồ sơ vụ án, ngày 14/11/1989, Jones và Jordan là những người trực tiếp bước vào cửa hàng và bắn chết Hilzendager trong khi Dixon đỗ xe chờ phía ngoài. Một người đàn ông cùng cô con gái 14 tuổi phía bên kia đường là những người hiếm hoi chứng kiến vụ việc.
Tuy nhiên, khi được triệu tập, cả hai đều thừa nhận không thể nhận diện khuôn mặt kẻ thủ ác.
Dẫu vậy, Jones, Jordan và Dixon vẫn bị bắt giữ để phục vụ điều tra. Trong đó, Jones được xác định là chủ mưu và là người trực tiếp bắn chết chủ cửa hàng.
Tại phiên tòa thứ nhất tháng 8/1990, chứng cứ duy nhất kết tội người đàn ông này là một sợi tóc thu thập được ở ngăn kéo đựng tiền. Stephan Robertson, nhà hóa học được chỉ định hỗ trợ cảnh sát trong vụ việc, khẳng định đã thử nghiệm mẫu tóc với 12 người khác nhau và kết luận sợi tóc chắc chắn thuộc về Claude Jones.
Năm 2010, khi công nghệ xét nghiệm DNA phát triển, Claude Jones mới được minh oan. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, những gì Robertson nói trước tòa lại đầy tính mâu thuẫn. Trước đó, ông từng khẳng định mẫu vật phẩm này quá nhỏ để có thể xét nghiệm xác định tội phạm. Tới khi bị chất vấn về cơ sở nào để kết tội Jones, nhà hóa học này trả lời "không biết".
Sợi tóc sau đó được chuyển tới cho một chuyên gia nghiên cứu tóc tại Texas. Ông cũng kết luận mẫu vật phẩm quá nhỏ để có thể phân tích, và tòa án không thể dựa vào chứng cứ buộc tội này để kết tội Jones.
Trước những lời khai đầy mâu thuẫn của Jordan, Tòa án Texas vẫn khép tội chủ mưu giết người với Claude Jones và tuyên ông án tử hình. Kerry Dixon nhận án tù chung thân trong khi Timothy Mark Jordan, sau phiên tranh tụng, chỉ phải nhận mức án 10 năm tù.
Trước tòa, ông khai rằng Jones thú nhận với mình về việc giết chủ cửa hàng. Tuy nhiên, khi trả lời chất vấn của bồi thẩm đoàn, Jordan lại khai Dixon là người nói với mình rằng Jones chính là kẻ đã giết Hilzendager.
Những lỗ hổng
Phán quyết của tòa đã vấp phải sự phản đối dữ dội. Barry Scheck, người đồng sáng lập The Innocent Project, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trên lĩnh vực pháp lý đặt tại New York, khẳng định với NBC News: "Sợi tóc này không đủ để kết án tử hình một người đàn ông vô tội. Họ không có đủ bằng chứng để kết tội Jones. Dựa trên hệ thống pháp luật Texas, tất cả bằng chứng họ có được cũng là chưa đủ".
Theo quy định của luật pháp bang Texas, lời khai của một nhân chứng đơn lẻ tại hiện trường là không đủ để kết tội một cá nhân. Hơn nữa, tính xác thực trong lời khai của Jordan vẫn là dấu hỏi khi câu trả lời của ông trước tòa và trước bồi thẩm đoàn là khác nhau.
Đi sâu vào điều tra, những tình tiết đáng ngờ liên tục được phát hiện. Đầu tiên là nhà hóa học Stephan Robertson.
Theo khai nhận trước tòa, Robertson cho biết đã xét nghiệm mẫu tóc của 12 người có liên quan, bao gồm cả Dixon và Jordan, trước khi kết luận sợi tóc thu được ở ngăn kéo đựng tiền là của Jones. Tuy nhiên, theo điều tra của Tạp chí The Texas Observer, mẫu tóc của Jordan trên thực tế không hề được thu thập và phân tích.
Một tình tiết đáng ngờ khác của Jordan chính là lời khai của ông khi ra tòa. Theo đó, vào tháng 5/2004, tức 4 năm sau khi Jones bị hành quyết, Jordan đặt bút ký vào một bản tuyên thệ. Ông thừa nhận việc đi trộm cướp, giết người là nghe theo lời của Dixon chứ không phải như những gì Jones khai trước tòa.
Trong khi đó, những lời buộc tội Jones tại tòa thực chất do ông nghe theo chỉ dẫn của cảnh sát nhằm giảm nhẹ tội cho bản thân.
Trước những tình tiết mới của vụ án, tháng 8/2007, Duane Jones, con trai Claude Jones, kết hợp cùng Văn phòng Luật sư Mayor Brown, dưới sự hậu thuẫn của The Texas Observer và The Innocent Project, yêu cầu Văn phòng Luật sư hạt San Jacinto và các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương xét nghiệm lại DNA của sợi tóc thu thập được ở hiện trường. Tuy nhiên, yêu cầu này lập tức bị từ chối.
Hai thập kỷ oan sai
Không bỏ cuộc, tháng 9/2007, Mayor Brown tiếp tục đâm đơn kiện lên Tòa án bang Texas yêu cầu xét nghiệm DNA và áp dụng phương pháp Bảo đảm vật chứng nhằm tránh việc tiêu hủy sợi tóc, vật chứng duy nhất của vụ việc.
Tháng 6/2010, yêu cầu cuối cùng cũng được Hội đồng Thẩm phán Tòa án Texas chấp thuận. Năm tháng sau, với sự phát triển của công nghệ xét nghiệm DNA, kết quả cuối cùng được công bố.
Theo đó, sợi tóc thu thập được không phải của Claude Jones. Bằng chứng duy nhất đã bị loại bỏ, một trong những vụ án oan sai tai tiếng nhất ngành Tư pháp Mỹ chính thức khép lại sau hơn 2 thập kỷ. Claude Jones cuối cùng cũng được chứng minh vô tội, tuy nhiên, ông khi đó đã qua đời.
"Ít nhất, nếu họ xét nghiệm DNA, bản án dành cho cha tôi có thể đã khác đi. Cha tôi thú nhận ông ấy là một tên cướp và từng cướp ngân hàng. Tuy nhiên, ông ấy không phải loại người sẵn sàng ra đường và giết chết người khác", Duane Jones bộc bạch với Dailymail hồi tháng 11/2010.