Tháng 2, nhóm 4 nhà nghiên cứu người Mỹ rời Honolulu (Hawaii) tới Kure Atoll - hòn đảo san hô xa xôi ở Thái Bình Dương, cách đó hơn 2.000 km.
Khi họ trở lại điểm bắt đầu, thế giới đã rất khác: đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp phá sản, hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải, mọi người phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
Nhóm nghiên cứu trải qua 8 tháng ở đảo san hô trong cảnh không tivi, không dịch vụ di động, truy cập Internet hạn chế. Thay vào đó, họ cập nhật thông tin về thế giới bên ngoài dựa vào các email thỉnh thoảng được bạn bè và gia đình gửi tới.
“Tôi chắc chắn đã nghe vài điều về dịch Covid-19. Tuy nhiên, tôi nghĩ giống như SARS hay cúm lợn, nó chỉ là một dịch bệnh tiếp theo, không có gì to tát. Tôi cho rằng dịch sẽ kết thúc khi chúng tôi về nhà”, Matthew Butschek II (26 tuổi) - thành viên nhóm nghiên cứu - nói với CNN.
Tuy nhiên, anh đã sai.
4 người không biết rõ về dịch Covid-19 sau 8 tháng làm việc ở hòn đảo xa xôi. |
Nơi trú ẩn an toàn
Kéo dài khoảng 9 km, Kure Atoll nằm trên rìa của quần đảo không có người sinh sống ở phía tây bắc Hawaii. Đó là khu bảo tồn động vật hoang dã do Sở Tài nguyên và Đất đai của tiểu bang Hawaii quản lý.
Kure Atoll là nhà của hàng trăm loài chim biển và hải cẩu có nguy cơ tuyệt chủng. Mỗi năm, 2 nhóm được luân phiên cử đến đây để nghiên cứu về hệ sinh thái của hòn đảo.
Họ có nhiệm vụ duy trì khu bảo tồn động vật hoang dã bằng cách dọn dẹp rác thải, quan sát các loài chim có nguy cơ tuyệt chủng sống trong khu vực và tiêu diệt golden crown beard - loài hoa họ Cúc đang tàn phá đảo san hô.
Matthew Saunter (35 tuổi) - trưởng nhóm nghiên cứu gần đây nhất - đã tới hòn đảo này 9 lần. Anh cho hay các nhà nghiên cứu tình nguyện đến đây vì bị thu hút bởi lời cam kết về sự cô lập với thế giới bên ngoài.
“Hòn đảo giống như chấm nhỏ giữa đại dương. Chúng tôi có thể nhận tin nhắn từ thế giới bên ngoài 2-3 lần/ngày. Đó có thể là điểm hấp dẫn của nơi đây”, Saunter nói.
Nhóm nghiên cứu làm nhiệm vụ bảo tồn trên đảo Kure Atoll. |
Nhóm nghiên cứu rời Honolulu vào tháng 2 và nhường chỗ ở Kure Atoll cho đoàn tiếp theo hồi cuối tháng 10.
Thay vì dùng email cá nhân, cả nhóm chia sẻ hộp thư chung mà bạn bè và gia đình có thể liên lạc với họ. Đó là tính năng truy cập Internet duy nhất mà họ có.
“Dịch bệnh dường như ở rất xa. Tôi chỉ đọc được vài điều trong tin tức. Vào tháng 2, tôi di chuyển đến Honolulu cùng lúc với chuyến bay từ Nhật Bản. Mọi hành khách đều đeo khẩu trang”, Charlie Thomas (18 tuổi) - thành viên nhóm nghiên cứu - nói.
Nhờ tin nhắn từ gia đình và bạn bè, nhóm nghiên cứu biết những gì đang xảy ra trên thế giới. Tuy nhiên, việc nghe kể về đại dịch rất khác so với tận mắt trải nghiệm.
Do đó, họ không thực sự hiểu về nó cho đến khi trở về nhà.
Chưa thể hội ngộ
Hiện, Thomas - thành viên duy nhất của nhóm nghiên cứu không đến từ Mỹ - trở về với gia đình ở khu vực Auckland (New Zealand) sau 14 ngày cách ly trong một khách sạn.
Hai thành viên Matthew Saunter và Naomi Worcester vẫn ở Hawaii. Trong khi đó, Matthew Butschek ở cùng gia đình tại Texas - tiểu bang đầu tiên của Mỹ chạm mốc 1 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 vào tháng trước.
“Tôi cảm thấy mình vẫn đang cố tìm hiểu về mọi thứ. May mắn là đến nay, không người quen nào của tôi mắc Covid-19”, Butschek nói.
Kure Atoll là nhà của hàng trăm loài chim biển và hải cẩu có nguy cơ tuyệt chủng. |
Các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội khiến nhóm nghiên cứu chưa thể gặp lại nhau.
“Tất cả đều khá kỳ lạ. Tôi phải nói lời tạm biệt với mọi người ở sân bay. Tôi chưa có cơ hội ôm họ kể từ khi trở về”, Worcester (43 tuổi) nói.
Dù nhóm vừa ổn định đời sống trong thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, nghiên cứu về hòn đảo vẫn phải tiếp tục.
“Quá trình lập kế hoạch thực sự rất khó khăn. Chúng tôi đang tìm kiếm đội nghiên cứu tiếp theo”, Saunter cho hay.