Ngày 9/9, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo Sở Tài chính và Ban quản lý các khu công nghiêọ (KCN) tỉnh Sóc Trăng tạm dừng áp dụng quyết định ban hành giá dịch vụ thoát nước thải tạm thời trong KCN An Nghiệp.
Quyết định này do Sở Tài chính Sóc Trăng ban hành, mức giá được áp dụng 6 tháng, từ ngày 1/8 là 12.005 đồng/m3 đối với nước thải có hàm lượng COD từ 2.000-2.300mg/l.
So với quyết định 292 ngày 30/12/2014 (áp dụng từ 1/1/2015), giá xử lý nước thải do Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng quy định tăng 3.025 đồng/m3.
Trao đổi với Zing, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết trước khi có dịch Covid-19, các cơ quan chức năng đã họp để xem xét các kiến nghị tăng giá xử lý nước thải. Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu đơn vị chức năng thuê tư vấn độc lập để đánh giá việc tăng giá nước nhằm đảm bảo khách quan.
“Việc ban hành quyết định tăng giá xử lý nước thải vào lúc này là không đúng vì đang xảy ra dịch Covid-19. Giá này có thể điều chỉnh lại, tăng nhưng lũy kế”, ông Lâu nói.
Sau sự cố gây ô nhiễm vào năm 2020, doanh nghiệp xử lý nước thải trong KCN An Nghiệp xin nâng công suất từ 10.000 m3 lên 20.000 m3/ngày đêm. Ảnh: Việt Tường. |
Ngày 6/9, lãnh đạo các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong KCN An Nghiệp của tỉnh Sóc Trăng đã phản ứng với quyết định tăng giá xử lý nước thải do Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng ban hành.
Ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Các công ty thủy sản thời gian qua đã cố gắng hoạt động cầm cự nhưng giá xử lý nước thải đột ngột tăng 30% là khó chấp nhận.
Chủ một doanh nghiệp thủy sản khác tại KCN An Nghiệp cũng phản ánh với giá xử lý nước thải tăng 30%, mỗi năm chi phí sản xuất phát sinh của công ty này tăng thêm trên 2 tỷ đồng.
Ông Đỗ Ngọc Tài, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết giá xử lý nước thải đột ngột tăng 30% tại Sóc Trăng là bất hợp lý vì hiện nay các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Hiện nay, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong đó tiền điện phục vụ sản xuất đã được giảm.
“Giá xử lý nước thải muốn tăng phải có lộ trình chứ không thể tăng đột ngột được, nhất là lúc các doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Trong KCN An Nghiệp chỉ có một nhà máy xử lý nước thải giống như ‘một mình một chợ’. Nếu có thêm nhà máy xử lý nước thải khác sẽ tạo được cạnh tranh và các doanh nghiệp sẽ có sự lựa chọn hơn”, ông Tài nói.