Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Sốc khi thấy sách phản giáo dục, tôi đi làm sách tranh'

30 tuổi, Rury Lee cầm một cuốn sách tranh và bị sốc khi thấy nội dung phản giáo dục. Ông quyết định sáng tác sách tranh, và trở thành một tác giả được yêu mến tại Hàn Quốc.

Rury Lee là tác giả 2 sách tranh best-seller ở Hàn Quốc và Việt Nam: Cái mũi đen, Làn hơi ấm. Song song với sáng tác, ông là tổng biên tập nhà xuất bản BookGoodCome - một đơn vị thiên về sách tranh tại Hàn Quốc. Cuối tháng 4, Rury Lee sang Việt Nam, có những hoạt động giao lưu độc giả, trò chuyện với các tác giả sáng tác sách tranh. 

Ông chia sẻ với Zing.vn về con đường trở thành tác giả sách tranh, việc thành lập nhà xuất bản, cũng như những nhận định về thị trường sách tranh hiện nay.

Rury Lee noi ve qua trinh lam sach tranh anh 1
Tác giả Rury Lee là người tâm huyết với sách tranh và sách cho thiếu nhi.

Thị trường sách tranh đang phát triển mạnh ở Việt Nam

- Điều gì khiến ông tới giao lưu với độc giả Việt Nam vào cuối tháng 4 vừa qua?

- Một đơn vị mời tôi tới giao lưu với độc giả. Với tư cách tác giả, tôi tới đây chia sẻ quá trình sáng tác sách tranh.

NXB của tôi không chỉ cung cấp sách tại Hàn Quốc mà có sách xuất khẩu ra nước ngoài, có mặt tại 11 nước như Italy, Pháp, Tây Ban Nha… Với tư cách người làm sách, tôi nói chuyện về triển vọng, tương lai của sách tranh.

- Ông đánh giá thế nào về chất lượng của 2 tác phẩm của mình in ở Việt Nam?

- Lần này sang Việt Nam, tôi có tham quan các nhà sách, sách và được biết sách của các nhà xuất bản ở Việt Nam. Tôi thấy chất lượng in sách tốt, không thua kém chất lượng in ấn ở Hàn Quốc.

Với 2 cuốn sách của tôi, Làn hơi ấm Chiếc mũi đen, chất lượng in ấn đảm bảo. Chỉ có 2 điểm khác biệt: sách Hàn Quốc có bìa dày, in hai mặt, chiều khổ hơi khác. Nhưng có thể do thị hiếu ở Việt Nam nên size nhỏ hơn, bìa giấy mỏng.

- Trước khi tới đây, ông đã tìm hiểu gì về thị trường sách tranh tại Việt Nam?

- Tôi có tìm hiểu thông tin về thị trường sách tranh Việt Nam qua đối tác của mình. Qua đó, tôi biết sách tranh là thị trường mới bắt đầu phát triển. Khi sang đây, tôi nhận thấy sách tranh phát triển nhanh chóng, cả về số lượng lẫn chất lượng.

- Thị trường sách tranh ở Hàn Quốc phát triển ra sao?

- Lịch sử phát triển sách tranh ở Hàn Quốc có bề dày, đây không phải thị trường mới mẻ. Ở Hàn Quốc, chỉ cần đơn vị làm sách đăng ký với chính phủ là có thể sản xuất loại sách đó.

Thị trường Hàn Quốc có khoảng 30.000 NXB đăng ký chính thức với nhà quản lý, trong đó, những đơn vị làm sách tranh đều đặn có khoảng 1.000 nhà sách.

Bị sốc khi thấy sách phản giáo dục, tôi đi làm sách tranh

Rury Lee noi ve qua trinh lam sach tranh anh 2
Hai cuốn sách của Rury Lee phát hành tại Việt Nam. Ảnh: NN

- Cho tới năm 30 tuổi, ông mới bắt đầu sáng tác sách tranh. Điều gì khiến ông thay đổi sự nghiệp như vậy? 

- Trước đây mơ ước của tôi là trở thành bác sĩ, cứu sống nhiều người khác. Đối với bất kỳ người cha nào, khi đứa con nhỏ nói muốn trở thành bác sĩ, phụ huynh sẽ rất hài lòng.

Nhưng bố của tôi khi nghe câu trả lời của tôi không hề thích thú chút nào. Lý do là khi đó điều kiện gia đình tôi rất khó khăn. Bố tôi thẳng thắn nói có lẽ không đủ điều kiện, chi phí cho tôi học đại học, ông gợi ý tôi vào xưởng làm công nhân.

Nghe bố chia sẻ, tôi nghĩ đối với người không có điều kiện học đại học, nhưng lại có mong mỏi giúp đỡ người khác, thì phải làm việc gì? Tôi mất một thời gian cân não. Đối với con người có hai phần: thân thể và tâm hồn.

Nếu tôi không thể thành bác sĩ cứu thân thể, thì có thể làm công việc giúp ích là làm đẹp tâm hồn người khác. Và công việc làm nghệ thuật là phù hợp. Và nhiều người không cần học đại học vẫn có thể thành nhà văn.

Tôi đã quyết định trở thành tác giả viết truyện như thế.

- Hành trình của ông bắt đầu như thế nào?

- Khi 30 tuổi, tôi được phân công dạy học sinh tiểu học, về nghệ thuật viết chữ (viết chữ đẹp là một phần quan trọng của người Hàn Quốc). Để chuẩn bị cho khóa dạy đó, tôi chuẩn bị sách tranh cho các em nhỏ. Một cuốn sách mà tôi tiếp xúc có nội dung phản giáo dục, tôi đã rất sốc.

Hình ảnh cuối cùng của cuốn sách là cảnh một thầy giáo bị treo ngược lên trần nhà, và nói với cậu học sinh: “Hãy giúp thầy, vì một con khỉ khổng lồ đã treo thầy lên”. Nhưng cậu học trò trong truyện nói trong vùng không có một con khỉ nào, và cậu bỏ đi.

Tôi nghĩ tại sao sách tranh lại vô cảm, phản giáo dục như thế. Với ấn tượng không được đẹp như vậy, nên tôi luôn xoay quanh câu hỏi sách tranh là như nào? Từ đó ngày nào tôi cũng ra hiệu sách tìm những cuốn sách tranh để xem những câu chuyện mà sách tranh chuyển tải như thế nào, ý nghĩa của nó ra sao…

Khi tìm đọc được cuốn sách tâm đắc, hài lòng, bằng mọi giá tôi muốn chia sẻ nó với mọi người xung quanh.

Bạn bè của tôi lúc đó 30 tuổi, họ không quan tâm nhiều tới dòng sách tranh. Để thuyết phục các bạn, tôi thường mang những cuốn sách tranh của tôi tới gặp bạn bè đang làm ở những công ty, nhà hàng. “Các bạn ơi, tôi đã tìm được những cuốn sách lý thú, các bạn có muốn xem không”, tôi nói.

Phản ứng của các bạn không giống tôi mong đợi. Họ nói thôi, ông đừng quan tâm sách vở, tranh pháo làm gì, hãy ngồi đây uống rượu với tôi.

Rury Lee noi ve qua trinh lam sach tranh anh 3
Rury Lee trong một hiệu sách. Ảnh: seoulselection

Tuy không ai bắt buộc tôi, nhưng tôi vẫn vẽ, làm sách tranh để chuyển tải sâu hơn nữa đến mọi người. Tôi chủ động, tự gửi sách tranh của mình tới các NXB, báo, đài, để chuyển tải được tác phẩm. May mắn, trong số các đơn vị tôi gửi, có một nơi uy tín đã giúp tôi ra mắt tác phẩm của tôi.

- Có một nơi uy tín giúp mình ra mắt sách rồi, điều gì khiến ông thành lập một nhà xuất bản?

-Việc tôi thành lập NXB của bản thân mình là một nhân duyên đặc biệt. Vào năm 40 tuổi, tôi gặp người vợ của mình. Lúc đó tôi làm việc ở một công ty, vợ tôi làm biên phiên dịch ở một công ty khác.

Chúng tôi gặp nhau, trở thành vợ chồng, và nói với nhau: 30 năm đầu chúng ta đã làm những việc để sống, và 40 năm nữa, chúng ta sẽ làm những việc mà chúng ta yêu thích. Thực hiện lời hứa, tôi nghỉ việc trước, sau đó vợ tôi cũng nghỉ. Chúng tôi cùng thành lập nên NXB của mình.

Hãy nhẫn nại thực hiện giấc mơ của mình, cho tới khi nào nó thành công

- Độc giả Việt Nam được đọc hai tác phẩm của ông là “Cái mũi đen” và “Làn hơi ấm”. Quá trình sáng tác hai tác phẩm đó diễn ra như thế nào?

- Cái mũi đen kể câu chuyện hai mẹ con chú gấu. Để lên được cốt truyện là quá trình khó khăn với tôi. Tôi đã đọc, tìm hiểu rất nhiều tác phẩm liên quan về gấu bắc cực. Thông qua đó tôi hiểu điểm yếu của gấu Bắc cực là chiếc mũi đen. Tôi thấy đây là chất liệu lý thú để tạo câu chuyện, và chọn nó là đề tài.

Nhưng tôi không biết kể câu chuyện bằng cách nào cho êm xuôi. Bí quá, tôi nấu một gói mì, ăn xong thì lên sofa nằm ngủ. Trong giấc mơ, tôi thấy hình ảnh hai mẹ con gấu Bắc cực.

Đó là một câu chuyện đẹp về tình mẫu tử. Tôi bật dậy, lao vào bàn làm việc, đưa ra những ý tưởng cho tác phẩm của mình. Sau đó tôi lên cốt truyện, hiệu chỉnh cho câu chuyện đó.

Khi đưa cho biên tập viên, tôi nhận lời nhận xét là câu chuyện khá nhạt nhẽo.

Tôi đã bị biên tập viên từ chối 38 lần, mãi sau mới có thể ra được câu chuyện khiến biên tập viên ưng ý. Với các biên tập viên, tôi nghĩ không phải họ đánh lỗi mình, mà tôi cho đó là ý kiến của họ giúp tôi sửa chữa sao cho tác phẩm hay hơn.

Cuốn Làn hơi ấm cũng sáng tác trong quá trình nghiên cứu về gấu bắc cực, tôi được biết gấu mẹ hay thổi làn hơi cho gấu con để duy trì sự sống trong điều kiện khắc nghiệt. Câu chuyện ban đầu cũng bị các biên tập viên từ chối.

Biên tập viên không nhận, thậm chí họ còn từ chối tới 40 lần các bản thảo. Tôi trải qua rất nhiều lần lên ý tưởng cho câu chuyện, cuối cùng mới ra được cốt truyện Làn hơi ấm.

Ở đây, tôi có một điều muốn chia sẻ với bạn trẻ: các bạn hãy nỗ lực thực hiện đến khi nào giấc mơ thành công!

Nghe truyện 'Cái mũi đen' của Rury Lee Câu chuyện về tình mẫu tử của Rury Lee thêm phần xúc động qua giọng đọc của MC Minh Trang, trong chương trình đọc sách của Không gian Mầm Nhỏ.

- Ngoài làm sách tranh, ông còn mở xưởng đào tạo người trẻ làm sách tranh. Điều gì khiến ông thực hiện công việc đó, và xưởng đào tạo hoạt động ra sao?

- Tôi làm mọi việc liên quan đến sách tranh, từ sáng tác, xuất bản, giới thiệu, quảng bá sách tranh. Duy chỉ có một việc là vẽ sách tranh tôi không làm được. Đối với các trường, cơ sở đang đào tạo tác giả sách tranh, các thầy cô giáo giảng dạy cho các bạn cách làm sách tranh; mỗi thầy cô khi giảng dạy, có những điểm thiếu thực tiễn. 

Với đặc thù công việc, tôi không phải tác giả vẽ sách tranh, tôi đứng trên vai trò một nhà biên tập, người tạo ý tưởng, kết nối tác giả với độc giả, tôi nghĩ mình có thể giúp đỡ tác giả sách tranh, bù đắp khoảng thực tiễn còn thiếu mà các bạn trẻ chưa được học.

Đặc điểm của sách tranh là nó không chỉ có tranh, mà còn có tính văn học, giao thoa giữa nghệ thuật hội họa và văn chương. Workshop mà tôi quản lý được nhiều bạn trẻ tại Hàn Quốc yêu thích. Đó là nơi kết nối tác giả với độc giả, hỗ trợ tác giả vẽ trong phần tạo ra cốt truyện văn học.

Tôi luôn nghĩ, mỗi người sinh ra đều là một nghệ sĩ. Với thời điểm phát triển nhanh mạnh về công nghệ, trí tuệ nhân tạo, người ta nghĩ trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người. Nhưng mỗi người là một nghệ sĩ, thì trí tuệ nhân tạo sẽ không thể thay thế được con người, bởi con người có tâm hồn.

Với tâm hồn, con người có vui buồn, u sầu, hạnh phúc…. Điều đó tạo nên sự riêng biệt, tính nghệ sĩ riêng của mỗi người. Thông qua các hoạt động hát, vẽ… giúp chúng ta thể hiện màu sắc cá nhân mình, con người nghệ thuật của bản thân mình.

Vai trò của tôi trong các workshop là thúc đẩy tác giả thể hiện con người nghệ thuật của mình. Khi họ ra tác phẩm, tôi quảng bá tới xã hội.

Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm