Ngày 22/9, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ký văn bản số 6819 gửi UBND TP.HCM về việc cơ chế tài chính đối với các cơ sở y tế tư nhân trong dịch Covid-19.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trước đó, thành phố đã có văn bản trình Bộ Tài chính và Bộ Y tế về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19. Đến nay, thành phố chưa nhận được ý kiến trả lời của Bộ Y tế hay văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Vì vậy, trong khi chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị UBND TP xem xét cho các bệnh viện tư nhân trên địa bàn tham gia phòng, chống dịch được hưởng một số cơ chế thu phí trong điều trị Covid-19 như sau:
- Chi phí điều trị Covid-19 (bao gồm tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật...): Ngân sách nhà nước thanh toán theo mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019. Bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh.
Bên trong phòng điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện FV. Ảnh: Duy Hiệu. |
- Chi phí vật tư tiêu hao chưa được kết cấu vào giá dịch vụ kỹ thuật và thuốc điều trị Covid-19 (trừ thuốc Remdesivir 100 mg, Molnupiravir 400 mg đã được Sở Y tế TP.HCM cấp): Ngân sách nhà nước thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng với giá thanh toán theo kết quả đấu thầu nhưng không cao hơn mức mà cơ quan Bảo hiểm xã hội đang thanh toán cho đơn vị.
- Chi phí phục vụ khác theo yêu cầu ngoài phạm vi chi trả của ngân sách nhà nước (tiền phòng và tiền ăn theo yêu cầu, các dịch vụ tiện ích tăng thêm khác theo yêu cầu của người bệnh...): Cơ sở y tế tư nhân được thu tiền người bệnh theo mức giá thỏa thuận giữa bệnh viện và người bệnh nhưng không được vượt quá mức giá mà bệnh viện đã kê khai với Sở Y tế (nếu có).
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, TP.HCM đã huy động các bác sĩ, điều dưỡng của 52 bệnh viện tư nhân, 200 phòng khám tham gia tất cả hoạt động phòng, chống dịch. Trong đó, 11 bệnh viện tư nhân đã chuyển đổi công năng một phần để điều trị điều trị Covid-19.
Sự tham gia của các bệnh viện tư nhân giúp bổ sung thêm nguồn lực về đội ngũ nhân viên y tế, cơ sở vật chất và góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện công lập, tiến tới sớm khống chế được dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM.
Trước đó, ngày 23/8, UBND TP.HCM có công văn 2828 gửi Bộ Y tế và Bộ Tài chính về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19.
Ngày 1/9, trong công văn số 10101, Bộ Tài chính gửi Bộ Y tế có ý kiến như sau: "Đề nghị của UBND TP.HCM về việc chấp thuận cho các cơ sở y tế tư nhân được thực hiện điều trị bệnh Covid-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ điều trị tương ứng là chưa phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế khẩn trương chủ trì nghiên cứu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền: Quy định các điều kiện, tổ chức thực hiện điều trị bệnh Covid-19 tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị Covid-19 ngoài công lập; quy định việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh Covid-19 tại các cơ sở điều trị Covid-19 ngoài công lập."
Ngày 9/9, Bộ Y tế có Tờ trình số 1359 về một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có đề xuất các cơ chế tài chính đối với các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập được huy động tham gia thu dung, điều trị Covid-19.
Nội dung chính theo tờ trình này như sau: "Việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho F0 do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo từng người bệnh với mức thanh toán do HĐND tỉnh - nơi cơ sở đặt trụ sở quyết định theo nguyên tắc không cao quá mức giá cao nhất của bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc mức giá cao nhất của bệnh viện Trung ương trên địa bàn".
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.