Chiều 22/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 tại thành phố.
Mở đầu họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết đến 18h ngày 21/11, TP.HCM có hơn 456.000 ca mắc Covid-19. Thành phố đang điều trị hơn 13.000 bệnh nhân, trong đó có 574 trẻ em dưới 16 tuổi, 327 bệnh nhân nặng đang thở máy, 9 bệnh nhân được can thiệp ECMO.
Ngày 21/11, TP có 1.223 bệnh nhân nhập viện, 749 bệnh nhân xuất viện, 59 trường hợp tử vong. Tổng số vaccine đã tiêm tới nay là hơn 13,8 triệu liều; trong đó, hơn 7,8 triệu mũi 1 và hơn 6 triệu mũi 2.
75% F0 tử vong là người chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều
Tuần qua, số F0 ở TP.HCM dao động mức 1.000 ca, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết với tình hình này thì không thể nói là có đợt dịch mới.
Sở Y tế khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng chống dịch trong cộng đồng, thực hiện nghiêm 5K.
Theo bà Mai, vừa qua, Sở Y tế có công văn trình Bộ Y tế, kiến nghị cho phép F0 không triệu chứng, đã tiêm đủ liều vacicne, được giảm thời gian cách ly trong 7 ngày.
“Đây là chủ trương dựa trên cơ sở các trường hợp ghi nhận F0 đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Những trường hợp này trên 81% không có triệu chứng và có xét nghiệm âm tính ngày thứ 7”, bà Mai nói.
TP.HCM đã tiêm hơn 13,8 triệu liều vaccine; trong đó, hơn 7,8 triệu mũi 1 và hơn 6 triệu mũi 2. Ảnh: Chí Hùng. |
Liên quan số ca tử vong những ngày vừa qua, bà Mai cho biết trong ba ngày 19-21/11, TP có 151 người tử vong. Trong đó có 18 ca mắc bệnh nền. Theo thống kê, trên 75% tổng số ca tử vong là các trường hợp chưa tiêm vaccine nào hoặc tiêm chưa đủ liều.
Bà Mai cho biết có nhiều yếu tố liên quan đến những người tử vong chưa tiêm vaccine, như việc những trường hợp này thuộc nhóm chống chỉ định, người lớn tuổi ngại tiếp cận vaccine. “Những người này khi mắc Covid-19 thì khả năng tử vong rất cao”, bà Mai nói.
Đối với một số trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng vẫn tử vong, bà Mai cho rằng vấn đề này không bất thường khi xét đến yếu tố cộng đồng. Cụ thể, khi số F0 tăng lên, khoảng 15% đến 20% ca mắc có diễn tiến nặng.
Trong số các trường hợp nặng, có 5% trở nên rất nặng, có nguy cơ tử vong. Bởi vậy, ngay cả khi độ phủ vaccine ở mức cao, các ca tử vong do Covid-19 vẫn xuất hiện là điều không tránh khỏi.
"Để giảm số ca tử vong, chúng ta cần giảm số F0 nhập viện. Để giảm F0 nhập viện, người dân cần nâng cao ý thức cộng đồng, tuân thủ 5K và không lơ là dù đã tiêm đủ liều vaccine", bà Mai khuyến cáo.
Chấn chỉnh tình trạng không tiếp nhận khai báo của F0
Báo chí phản ánh vừa qua, nhiều trường hợp dương tính khi báo địa phương nhưng không được tiếp nhận, cấp thuốc.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết đơn vị có ghi nhận tình trạng này.
Theo ông Tâm, nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là một số trạm y tế địa phương không đủ nhân sự hoặc đường dây nóng hoạt động chưa được thông suốt. Về việc này, ông Tâm cho hay ngành y tế sẽ chấn chỉnh.
Ông Tâm cho biết theo quy trình, nếu người dân phát hiện dương tính sẽ báo cho trung tâm y tế địa phương hoặc trạm y tế lưu động. Trong 24 giờ, trạm y tế cử nhân viên xuống tận nhà người dân kiểm tra, qua đó sẽ có đánh giá tình trạng bệnh cũng như điều kiện cách ly tập trung hay tại nhà.
“Hiện có một số người dân khi báo không được cấp thuốc nên họ không báo nữa và gây nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, việc không khai báo còn thiệt hại cho gia đình người F0”, ông Tâm nói.
Lý giải điều này, ông Tâm cho hay theo quy định, không phải trường hợp nào cũng được cấp thuốc. Tuy nhiên, những trường hợp F0 sau khi báo cáo sẽ được theo dõi, nếu bệnh nhân chuyển nặng sẽ được đưa lên tuyến trên để can thiệp, còn những F1 trong gia đình cũng được theo dõi để quản lý.
Ông Tâm đề nghị các địa phương tăng cường truyền thông quy định cấp phát thuốc để người dân hiểu.
Trạm y tế địa phương cần thường xuyên theo dõi lực lượng có đủ đáp ứng, đảm bảo tiếp nhận thông suốt đường dây nóng.
Những trường hợp F0 sau khi báo cáo sẽ được theo dõi, nếu bệnh nhân chuyển nặng sẽ được đưa lên tuyến trên để can thiệp. Ảnh: Chí Hùng. |
Dịch TP.HCM đang ở cấp độ 2. Tại 22 địa phương cấp quận/huyện, 11 đơn vị đạt cấp độ 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), 11 địa phương đạt cấp độ 2 (màu vàng - nguy cơ trung bình) và không có địa phương ở cấp độ 3.
Trong đó, 11 địa phương có dịch ở cấp độ 1 là quận 1, 4, 6, 7, 8, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Củ Chi; 11 địa phương cấp 2 là 3, 5, 10, 12, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, Thủ Đức, Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè.
Theo thống kê, có 2 địa phương tăng cấp độ dịch so với tuần trước là quận 5 và Phú Nhuận (cấp 1 lên cấp 2); 4 địa bàn giảm cấp độ dịch là quận 11, Bình Thạnh, huyện Củ Chi (từ cấp độ 2 xuống cấp 1) và huyện Cần Giờ (từ cấp 3 xuống cấp 2).