Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sở Xây dựng TP.HCM: Xóa ngập do mưa được, nhưng chưa có kinh phí

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật cho biết rất khó để đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng "cứ mưa là ngập" vì TP.HCM chưa đủ nguồn lực.

Trong bối cảnh mùa mưa chưa dứt, TP.HCM được dự báo vẫn đón những cơn mưa lớn từ nay đến cuối năm.

Chiều 9/6, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng cho biết việc nhiều tuyến đường ngập nặng sau mưa thời gian qua là do hệ thống thoát nước thoát không kịp.

Những tuyến đường "cứ mưa là ngập"

Theo ông Vũ Văn Điệp, TP.HCM đã giảm 3 điểm ngập từ năm 2020 đến nay (từ 18 điểm còn 15).

15 điểm ngập nặng gồm các tuyến đường Lê Đức Thọ, Phan Anh, Bạch Đằng, Hồ Ngọc Lãm, quốc lộ 13, Ba Vân, Bàu Cát, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Thảo Điền, Quang Trung, Kha Vạn Cân, Nguyễn Văn Khối, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng.

Ông Vũ Văn Điệp cho biết trước những bức xúc của người dân thành phố về tình trạng "cứ mưa lớn là ngập", việc đưa ra giải pháp khắc phục là điều rất khó. Theo ông, trong cơn mưa cường độ lớn, mưa tập trung trong thời gian ngắn đã khiến lưu lượng nước không kịp rút.

"Thiết kế hệ thống thoát nước của chúng ta chỉ đạt lưu lượng như thế, không thu về kịp nên gây ngập tức thời. Đây là khả năng tiêu thoát của hệ thống do thiết kế quy định", ông Vũ Văn Điệp nói về nguyên nhân.

Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, để tình trạng ngập được giải quyết dứt điểm, thành phố sẽ cần đầu tư nguồn lực xã hội rất lớn để xây dựng lại hệ thống tiêu thoát nước. "Làm được, nhưng phải đầu tư. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, chúng ta chưa thể", ông Điệp lý giải.

TP.HCM chua the khac phuc tinh trang 'mua la ngap' anh 1

Người dân đi trên đường Quốc Hương ngập nước ở khu Thảo Điền (TP Thủ Đức) chiều 2/6. Ảnh: Anh Nhàn.

Nhìn lại những năm qua, ông Điệp cho rằng so với các mức khắc phục đã thực hiện, tình hình giảm ngập đã đạt được những kết quả khích lệ như các rốn ngập đã được giải quyết triệt để, chiều sâu ngập cũng giảm đi, thời gian ngập cũng bị rút ngắn.

Theo ông Điệp, so với các đô thị khác, hệ thống tiêu thoát nước được đầu tư đồng bộ thường khắc phục được tình trạng ngập này.

Trong khi đó, các dự án đầu tư tại các điểm ngập hiện nay của TP.HCM đều có phương án tức thời, phi công trình nên không giải quyết được triệt để và vẫn đang chờ những phương án công trình để giải quyết.

Địa hình thấp tự nhiên

Theo thống kê, mức triều năm 2019 ở TP.HCM lập đỉnh kỷ lục là 1,77 m. Trạm Nhà Bè là 1,80 m. Từ đó đến nay, thành phố đã xuất hiện 73 lần đỉnh triều từ 1,6 m trở lên.

Nói về tình trạng ngập do triều, ông Điệp cho hay địa hình tự nhiên của TP.HCM rất thấp, trũng, khu vực diện tích dưới 1,5 m khoảng 45% diện tích thành phố. "Quy luật của nước là chạy vào chỗ trũng. Khi triều từ 1,4 m trở lên, nước sẽ chảy vào gây ngập các khu vực này", ông Điệp nói.

TP.HCM chua the khac phuc tinh trang 'mua la ngap' anh 2

Người dân đi dưới dòng nước ngập trong mưa chiều 2/6, đường Tô Ngọc Vân (TP Thủ Đức). Ảnh: Quỳnh Danh.

Ngoài ra, ông Vũ Văn Điệp cho biết TP.HCM đang có 24 điểm ngập tức thời sau mưa gồm Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Phan Huy Ích, Phạm Văn Đồng, Lê Thị Hoa, Tô Ngọc Vân, Đỗ Xuân Hợp, Hồ Văn Tư, Nguyễn Duy Trinh, Võ Văn Ngân, quốc lộ 1A, Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Hiệp Bình, Ung Văn Khiêm, Điện Biên Phủ, Đinh Bộ Lĩnh, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá, Trần Hưng Đọa, Nguyễn Biểu, Mai Xuân Thưởng, Tân Hòa Đông.

9 tuyến đường ngập do triều gồm Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, quốc lộ 50, Phạm Hữu Lầu, Huỳnh Tấn Phát, Trịnh Quang Nghị, Nguyễn Thị Thập, Tôn Thất Thuyết.

Để tránh ngập nặng các tuyến đường trong mùa mưa, đơn vị đã phối hợp các bên liên quan duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu kênh rạch, cửa xả để tránh nghẹt, tăng khả năng thoát nước.

Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật cũng xây dựng phương án tổ chức trực mưa, vớt rác miệng cống trước và sau cơn mưa. Phối hợp rà soát các cống kiểm soát triều và trạm bơm để tăng khả năng thoát nước như Bình Lợi, Bình Triệu, rạch Lăng, rạch Nhảy - ruột Ngựa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trạm bơm Thanh Đa...

Mưa kéo dài nhiều giờ, trung tâm TP.HCM ngập nặng

Hàng loạt tuyến đường trung tâm TP.HCM như Cống Quỳnh, Lê Lai, Lê Lợi, Bùi Viện ngập nặng khi mưa dông kéo dài từ trưa đến chiều.

Thư Trần - Ý Linh

Bạn có thể quan tâm