Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Số phận trái ngược của hai 'anh em’ ngành bia

Trong khi Sabeco báo lãi lớn trong năm 2016 thì phía bên kia, lợi nhuận của "người anh em" Habeco lại xuống thấp kỷ lục.

Mới đây, cả hai doanh nghiệp sản xuất bia trong nước hàng đầu Việt Nam là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2016.

Trong khi Sabeco đạt được mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi thành lập thì phía bên kia, “người anh em” Habeco lại ghi nhận lợi nhuận xuống thấp nhất kể từ năm 2010.

ket qua kinh doanh cua sabeco,  habeco anh 1
Kết quả lợi nhuận trước thuế của Sabeco giai đoạn năm 2008-2016. Đồ hoạ: Việt Dương.

 

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 của Sabeco, tính riêng quý IV, doanh nghiệp bia này đã thu về hơn 8.844 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng, tăng 80% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận trước thuế Sabeco đạt 1.196 tỷ đồng, tăng 27%.

Tính trong cả năm 2016, doanh thu của Sabeco đạt hơn 30.666 tỷ đồng, tăng 13%. Tổng lợi nhuận trước thuế doanh nghiệp đạt 5.707 tỷ đồng, tăng gần 31% so với năm 2015. Con số lợi nhuận này cũng là mức cao nhất Sabeco đạt được kể từ khi thành lập vào năm 2003 đến nay.

Trong khi đó, báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2016 của Habeco cho biết riêng trong quý IV Habeco đã đạt 3.791 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 22%. Tuy nhiên, một loạt các khoản chi phí khác liên quan tăng mạnh đã khiến lợi nhuận của Habeco sụt giảm chỉ còn vỏn vẹn 42 tỷ đồng. Vào quý IV/2015, Habeco thậm chí còn báo lỗ gần 39 tỷ đồng cũng vì các chi phí liên quan quá cao.

Luỹ kế cả năm 2016, Habeco đạt gần 10.384 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ so với năm trước. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận trước thuế doanh nghiệp lại tụt giảm 16% chỉ còn hơn 1.002 tỷ đồng. Mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2010 của Habeco.

ket qua kinh doanh cua sabeco,  habeco anh 2
Kết quả lợi nhuận trước thuế năm 2016 của Habeco xuống thấp kỷ lục từ năm 2010 đến nay. Đồ hoạ: Việt Dương.

 

Cuối năm 2016 vừa qua, cả hai doanh nghiệp bia hàng đầu trong nước đã "dắt tay nhau" lên sàn chứng khoán và được các nhà đầu tư đón nhận rất tích cực.

Trong khi Sabeco niêm yết trên sàn HOSE, sau đó trở thành "hiện tượng" chứng khoán thì Habeco cũng là mã cổ phiếu có giá trị cao nhất và được nhà đầu tư săn đón trên thị trường UPCoM trước khi chuyển sang niêm yết trên HOSE mới đây.

Hiện nay, giá trị của cổ phiếu Habeco đã giảm rất nhiều so với cuối năm 2016 và thấp hơn rất nhiều giá trị của cổ phiếu Sabeco. Giá cổ phiếu BHN của Habeco đang được giao dịch với giá 127.500 đồng/cổ phiếu, giảm gần 1 nửa so với cuối năm 2016. Giá trị vốn hoá thị trường hiện tại của doanh nghiệp bia nội đứng thứ 2 Việt Nam này đạt khoảng 29.555 tỷ đồng, xấp xỉ 1,4 tỷ USD.

Trong khi đó, cổ phiếu SAB của Sabeco đang ở mức 217.000 đồng/cổ phiếu, và là mã cổ phiếu có giá giao dịch lớn nhất trên thị trường. Hiện tại, tổng giá trị vốn hoá thị trường của Sabeco lên tới 139.158 tỷ đồng, tương đương gần 6,2 tỷ USD và lớn thứ 3 trên thị trường chứng khoán sau Vinamilk và Vietcombank.

ket qua kinh doanh cua sabeco,  habeco anh 3
Giá trị vốn hoá hiện tại của cổ phiếu Sabeco cao hơn rất nhiều so với Habeco. Đồ hoạ: Việt Dương.

 

Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết thị trường bia, rượu, nước giải khát tại Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh vài năm trở lại đây. Đã có nhiều nhà giáo dục, cơ quan y tế lo ngại về tình hình tiêu thụ rượu, bia của Việt Nam nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy người dân lo sợ về tình hình đó.

"Nếu xét về mặt kinh tế thì việc sản lượng tiêu thụ rượu, bia ngày càng gia tăng ở Việt Nam là tốt nhưng về mặt xã hội sẽ là vấn đề rất đáng quan tâm", ông HIếu chia sẻ.

Đánh giá về tình hình kết quả kinh doanh năm 2016 của Habeco không khả quan, ông Hiếu cho biết báo cáo tài chính đóng vai trò quan trọng với nhà đầu tư trong việc định giá cổ phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông cho rằng sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp chỉ là một yếu tố để xem xét, ngoài ra còn có những yếu tố phi tài chính khác như thị trường, sức phát triển... Vì vậy, kết quả kinh doanh có thể không lạc quan nhưng những nhà đầu tư chứng khoán sẽ có những tiêu chí để định giá cổ phiếu của doanh nghiệp.

"Nhìn chung, cổ phiếu ngành bia, rượu, nước giải khát của Việt Nam vẫn luôn được các nhà đầu tư đón nhận vì thị trường tiêu thụ rất lớn. Tuy nhiên, do có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới thị trường nên xét về mức độ an toàn thì cổ phiếu ngành bia, rượu sẽ khó ổn định như những doanh nghiệp sản xuất phổ biến khác", ông Hiếu bày tỏ.

Chính thức khởi động thoái vốn Nhà nước tại Sabeco

Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty cũng thông qua việc cho phép bộ phận quản lý vốn Nhà nước được sử dụng các nguồn lực tại Sabeco, để triển khai công tác thoái vốn này.




Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm