Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Số phận nghiệt ngã sau ánh hào quang của VĐV Trung Quốc

Trở về từ ánh hào quang của những chiếc huy chương, không ít chàng trai, cô gái vàng Trung Quốc đã phải đối mặt với hiện thực đắng cay sau giấc mơ hào nhoáng.

Số phận nghiệt ngã sau ánh hào quang của VĐV Trung Quốc

Trở về từ ánh hào quang của những chiếc huy chương, không ít chàng trai, cô gái vàng Trung Quốc đã phải đối mặt với hiện thực đắng cay sau giấc mơ hào nhoáng.

Trở về từ ánh hào quang của những chiếc huy chương, không ít chàng trai, cô gái vàng của đất nước tỷ dân giờ đây đang cay đắng nhận ra rằng, vinh quang chỉ là giấc mơ hào nhoáng nhất thời, còn cuộc sống với đầy gian khó, cám dỗ và sa ngã mà họ phải từng ngày đối mặt mới là hiện thực.

Guo Ping (Quách Bình), Á quân Marathon ở Chiba (Nhật Bản), trở thành hạt giống vàng khi mới vừa 9 tuổi với các nội dung sở trường là chạy trung bình và marathon. Năm 2006, cô cùng 2 nữ vận động viên khác đã đệ đơn ra tòa tố cáo việc bị ăn chặn tiền thưởng và tiền lương. 

Trước tòa, cô gái đã rơi nước mắt giơ đôi chân biến dạng đến mức gần như tàn phế vì cường độ tập luyện quá hà khắc.

Cô chia sẻ, nỗi ân hận lớn nhất đời cô là đã không học piano theo lời khuyên của thầy giáo dạy nhạc hồi tiểu học mà theo đuổi con đường trở thành một vận động viên, để giờ đây khi giải nghệ lâm vào cảnh khốn khó, đến người cha già cũng phải đi làm trong xưởng than để lấy 500 tệ (khoảng 1,5 triệu đồng) mỗi tháng. Lúc cùng quẫn, cô đã từng nghĩ đến việc bán huy chương, nhưng lại không dám làm vì e điều tiếng.

"Người khổng lồ" Huang Chengyi (Hoàng Thành Nghĩa), vận động viên bóng rổ cao 2m16, từng là đối thủ ngang tài ngang sức với huyền thoại Yao Ming (Diêu Minh) ở đội tuyển quốc gia. Nhưng chưa kịp lên đến đỉnh cao thì năm 2000, sau cuộc phẫu thuật chấn thương lưng thất bại, chàng trai tài năng đã phải gắn đời mình với chiếc xe lăn.

Bán hết gia sản, mẹ của Huang Chengyi đưa con đến Bắc Kinh để nuôi hi vọng chữa bệnh. Hai mẹ con đang trú tạm trong một khu nhà sắp bị phá dỡ và sống nhờ những đồng tiền người mẹ kiếm được từ việc nhặt rác.

Bữa tối của hai mẹ con với khoai tây, đậu tương và thịt heo - món quà của những người hảo tâm.

Chou Chunlan (Trâu Xuân Lan), nữ kiện tướng cử tạ, từng đoạt 9 huy chương vàng và phá kỉ lục quốc gia. Sau khi giải nghệ năm 1993, cô đã không kiếm nổi cho mình một việc làm và lâm vào cảnh khốn khó.

Đáng ngại hơn nữa, do ảnh hưởng của việc huấn luyện quá sớm và tiêm chất kích thích, cơ thể cô đã bị "đàn ông hóa". Trong ảnh, nữ vận động viên sinh năm 1971 đang soi gương để... nhổ râu.
Hiện cô đang làm nhân viên phục vụ tại một nhà tắm công cộng với mức lương chưa đầy 500 tệ. Trong ảnh là bữa trưa của cô tại nơi làm việc với cơm trắng và rau cải xào.
Vợ chồng cô may mắn được ở miễn phí trong căn buồng rộng 5m2 của nhà tắm công cộng.

Cai Li (Tài Lực), nhà vô địch cử tạ với 20 huy chương vàng Asiad, phá kỉ lục châu Á ở hạng cân trên 110kg, từng đoạt 40 huy chương vàng trong sự nghiệp thi đấu.

Tháng 5/2003, do ảnh hưởng của bệnh béo phì, anh đã mắc chứng ngưng thở khi ngủ dẫn tới suy hô hấp, nhiễm trùng phổi và qua đời ở tuổi 33. Trong 4 năm cuối đời, anh làm chân gác cổng ở Viện Thể dục thể thao tỉnh Liêu Ninh, khi mất, trong nhà chỉ còn đúng 300 tệ.

Li Ying (Lý Dĩnh), cựu đội trưởng đội tuyển điền kinh Trung Quốc. Tháng 4/1998, sau 1 tuần mất tích, xác cô được tìm thấy ở hồ chứa thuộc khu vực Kì Bàn San, tỉnh Thẩm Dương.

Theo tin đồn, cô đã tự sát do trắc trở trong cuộc sống và tình duyên cộng với công việc không được như ý. Sự việc đã làm chấn động làng thể thao Trung Quốc một thời.

Ai Dongmei (Ngải Đông Mai), người đứng chung đơn kiện với Guo Ping, cũng là một cựu quán quân marathon, từng đoạt 19 huy chương các loại ở các giải quốc tế. Do chấn thương trong khi luyện tập, đôi chân của cô đã bị tàn phế và phải kiếm sống bằng nghề bán rong, thu nhập cả gia đình chỉ có 1.300 tệ (khoảng 4 triệu đồng).

Năm 2007, cô mở blog cá nhân công khai rao bán những tấm huy chương đang có. Cảnh khốn cùng của nhà cựu vô địch sau đó được báo chí khai thác rầm rộ, dư luận đua nhau lên tiếng. Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng, cô mở được một cửa hàng quần áo. Tuy nhiên, do làm ăn khó khăn, cô đã về quê và làm công nhân đốt lò cho trạm xe lửa.

Li Chaohui (Lí Triều Huy), nhà vô địch thuộc thế hệ đầu tiên môn võ tự do, bị thải hồi vì chấn thương. Không chịu được cảnh nghèo, vợ anh đã đòi li dị. Năm 2010, anh bị phát hiện ung thư, đã phải chạy vạy khắp nơi để có tiền chữa trị, đến nay, số nợ đã lên đến 100.000NDT (khoảng 300 triệu đồng) và hiện đang nằm chờ chết.

Liu Fei (Lưu Phỉ), cô gái vàng của môn thể dục dụng cụ một thời đã không thể tìm được việc làm sau khi giải nghệ. Cả nhà cô sống trong một căn phòng nhỏ hẹp, bố cô phải nằm giường xếp ngoài hành lang. 

Cô gái cay đắng bày tỏ hối hận với con đường thể thao đã chọn: "Hoa, tiếng vỗ tay, cờ hồng phấp phới, giờ đây chúng đã xa tầm tay tôi quá rồi. Khi đứng trên bục vinh quang của nhà vô địch thế giới, tôi đâu có ngờ sau khi giải nghệ đời mình đã lập tức rơi vào ngõ cụt. Không có nhà ở, không có việc làm, không có tiền sinh hoạt tối thiểu, thậm chí đến cả hộ khẩu cũng không biết ở chốn nào".

Với Liu Fei lúc này, những đồ dùng cơ bản trong gia đình như máy giặt, tủ lạnh cũng là một giấc mơ xa xỉ. Món đồ điện gia dụng duy nhất trong nhà cô lúc này là chiếc tivi 14' hiệu Phoenix đã 15 tuổi.

Như một hệ quả của nhiều năm khổ luyện, cô gái vàng giờ đây bệnh tật đầy mình. Trong ảnh, mẹ Liu Fei đang xót xa cho phóng viên xem mớ tóc rụng của con gái.

Theo Giáo Dục

 

Theo Giáo Dục

Bạn có thể quan tâm