Trong giai đoạn chuẩn bị cho Chiến tranh thế giới lần thứ hai, các tướng lĩnh quân đội muốn một phương tiện có thể chở pháo hạng nặng để thực hiện các cuộc tấn công phía sau hàng ngũ kẻ địch. Họ có một lựa chọn: Kết hợp sức mạnh của xe tăng với tính cơ động của máy bay. Vì thế, một chiếc xe tăng bay ra đời. Nó là sản phẩm mà cả giới lãnh đạo của Mỹ lẫn Liên Xô cũ đều mong đợi trong thập niên 30, Daily Mail đưa tin.
Hình minh họa chiếc xe tăng bay trên tạp chí Modern Mechanics vào năm 1932. Ảnh: Wikipedia |
Phía Mỹ yêu cầu John Walter Christie, một kỹ sư và nhà phát minh tạ bang New Jersey, thiết kế một chiếc xe tăng bay tự động vận hành với một đôi cánh. Christie (1865 - 1944) nổi tiếng nhờ phát triển hệ thống phanh mang tên Christie dành cho xe tăng. Phanh Christie là một bộ phận của nhiều xe tăng trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ông cũng là người Mỹ đầu tiên tham gia giải Đua xe công thức 1 của Pháp năm 1907. Động cơ V4 mà ông sử dụng là động cơ lớn nhất từng xuất hiện ở cuộc đua công thức 1.
Nguyên tắc cơ bản trong bản thiết kế của Christie là chiếc xe tăng chạy dọc theo đường băng với vận tốc 88 km/h bằng sức mạnh của chính nó. Sau đó, động cơ chuyển sang chế độ đẩy để xe tăng bay lên.
“Xe tăng bay là cỗ máy mà chúng ta dùng để kết thúc chiến tranh. Việc đối phương biết về sự tồn tại của xe tăng bay sẽ đảm bảo hòa bình tốt hơn tất cả hiệp ước mà con người có thể tạo ra”, ông Christie trả lời tạp chí Modern Machanics năm 1932.
Chiếc xe tăng bay Krylya Tanka là sản phẩm thử nghiệm của quân đội Liên Xô do kỹ sưOleg Antonov phát triển. Ảnh: Wikipedia |
Nhưng dự án vấp phải khó khăn về kỹ thuật và chiếc xe tăng chẳng bao giờ cất cánh. Bộ Chiến tranh Mỹ cắt đứt quan hệ với Christie khi ông rao bán bản thiết kế cho Liên Xô. Nhưng những thử nghiệm đầu tiên của phía Liên Xô cũng không khá hơn.
Gizmodo cho hay, khi sỹ quan chỉ huy cao cấp của Liên Xô nghiên cứu vấn đề, họ quyết định chọn giải pháp đơn giản nhất: Thả rơi xe tăng xuống đất. Vấn đề nằm ở chỗ, xe tăng không có dù nên ý tưởng không thành công. Thay vào đó, quân đội Liên Xô buộc xe tăng vào máy bay ném bom TB-3.
Oleg Antonov biến Krylya Tanka thành chiếc tàu lượn. Ảnh: Wikipedia |
Năm 1940, kỹ sư Oleg Antonov của Liên Xô nảy ra sáng kiến biến một chiếc xe tăng T-34 với khối lượng 32 tấn thành tàu lượn. Theo ý tưởng của ông, bộ đôi máy bay ANT-20 kéo chiếc xe tăng – mang tên Krylya Tanka – để đưa nó vào lãnh địa của địch. Phía Mỹ khẳng định Krylya Tanka chưa từng cất cánh. Nhưng các tài liệu của Liên Xô cho rằng họ đã thực hiện thành công một chuyến bay duy nhất vào năm 1941 hoặc 1942.