Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Số phận Bia Sài Gòn – Miền Tây ra sao khi Sabeco lên sàn?

Bia Sài Gòn – Miền Tây đang nắm giữ 60% thị phần, tuy vậy, việc mở rộng hoạt động bán hàng của các hãng bia khác khiến miếng bánh thị phần của doanh nghiệp đang bị đe dọa.

Thời gian gần đây, khi thông tin về việc bán vốn nhà nước tại hai ông lớn ngành bia rượu Việt Nam là Sabeco và Habeco được công bố, cổ phiếu ngành bia nhận được nhiều sự chú ý của nhiều nhà đầu tư. Trong báo cáo mới nhất gửi nhà đầu tư của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), công ty này đã đưa ra những đánh giá về CTCP Bia Sài Gòn – Miền Tây (WSB), công ty con thuộc CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hoạt động trong ngành sản xuất bia tại thành phố Cần Thơ.

WSB có vốn điều lệ 145 tỷ đồng, trong đó Sabeco nắm giữ 51%, cá nhân ông  Robert Alexander Stone nắm giữ 7,66% và bà Nguyễn Thị Phương Khanh nắm giữ 5,7%. WSB còn sở hữu 20% vốn tại CTCP Bia Sài Gòn – Bạc Liêu và 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn – Sóc Trăng.

Hoạt động chính của WSB thuộc khâu sản xuất trong chuỗi giá trị của Sabeco, với sản phẩm sản xuất chính là bia chai và bia lon. Hiện, doanh nghiệp có hai nhà máy với tổng công suất 100 triệu lít/năm, công suất hoạt động 100-115%, được đặt tại Cần Thơ và Sóc Trăng.

Cụ thể, nhà máy tại Cần Thơ có công suất thiết kế 50 triệu lít/năm, diện tích 40.000 m2 hoạt động từ năm 2005 với sản phẩm chính là sản xuất bia chai Sài Gòn đỏ (chiếm 90% tổng sản phẩm), hiện nhà máy đang hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 15%; Nhà máy Sóc Trăng 2 cũng có công suất thiết kế 50 triệu lít/năm, diện tích 12,4 ha, đi vào hoạt động từ năm 2014 với sản phẩm chính là bia lon 333 (chiếm 80% tổng sản phẩm). Trong giai đoạn 2014-2017, nhà máy Sóc Trăng 2 được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, từ năm 2018-2026 được ưu đãi 50% thuế thu nhập doanh nghiệp.

So phan cua Bia Sai Gon - Mien Tay se ra sao khi Sabeco len san? anh 1

KQKD và công suất của WSB.

 

Do là công ty con của Sabeco, nên nguyên liệu đầu vào và đầu ra của WSB phụ thuộc vào Sabeco. Tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận giai đoạn 2011-2015 đạt mức bình quân lần lượt là 25% và 3%.  Trong các năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh phụ thuộc phần lớn vào khả năng mở rộng hoạt động của nhà máy cũng như nâng công suất từ các nhà máy hiện có.

Theo đánh giá của VDSC, cả hai nhà máy của WSB đang vận hành với công suất khoảng 58 triệu lít/năm và rất gần với ngưỡng tối đa 60 triệu lít/năm. Trong các năm tới, khả năng mở rộng công suất của WSB đến từ diện tích đất trống còn lớn (8 ha) tại nhà máy Sóc Trăng 2 và ưu đãi thuế trong trường hợp doanh nghiệp đầu tư mở rộng công suất tại đây. Tuy vậy, việc tăng công suất cho hai nhà máy của WSB bị giới hạn khi phụ thuộc rất lớn vào chính sách của công ty mẹ.

Mặt lợi khi gắn kết chặt chẽ với công ty mẹ là WSB đảm bảo ổn định được nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất cũng như được ưu tiên trong việc phân bổ kế hoạch sản xuất và bán hàng so với các đơn vị khác là các công ty liên doanh, liên kết khác của Sabeco. Ngược lại, do nằm trong chuỗi sản xuất của Sabeco, công ty gần như chỉ được hưởng lợi nhuận định mức cho sản xuất và không được hưởng lợi từ việc biến động giá nguyên vật liệu hay giá bán đầu ra.

Các nguyên liệu đầu vào chính cho một quy trình sản xuất bia gồm: gạo, hoa houblon và malt. Trong đó, công ty chỉ có thể tự chủ nguồn cung chỉ duy nhất là gạo, chiếm khoảng 3%-6% chi phí giá thành, hai nguyên vật liệu chính còn lại là hoa houblon và malt lại được cung cấp bởi Sabeco theo giá ký kết trên các hợp đồng ký cố định hàng năm.

So phan cua Bia Sai Gon - Mien Tay se ra sao khi Sabeco len san? anh 2

Sự gia tăng thị phần của các đối thủ khiến WSB đang gặp khó.

 

VDSC khuyến nghị các nhà đầu tư về sức ép cạnh tranh đang ngày một gia tăng tại thị trường bia miền Tây đối với WSB. Hiện, WSB nắm giữ 60% tại thị phần này với các thị trường chính là TP Cần Thơ, Sóc Trăng và khu vực Nam Sông Hậu. Tuy vậy, việc mở rộng hoạt động bán hàng của các hãng bia khác như Sư Tử Trắng (Masan) và Tiger (VBL) khiến miếng bánh thị phần của doanh nghiệp đang bị đe dọa. Đi cùng với đó, điều này cũng làm hạn hẹp khả năng tăng trưởng từ việc mở rộng công suất trong các năm tới của WSB.

Theo chỉ đạo từ Thủ tướng, hai công ty bia lớn nhất nước là Sabeco và Habeco phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán vào cuối năm nay. Với vai trò là công ty mẹ của WSB, rất có thể tính minh bạch trong việc hạch toán các chi phí giữa hai công ty sẽ thay đổi dưới sự có mặt của các cổ đông mới vào Sabeco, từ đó, gián tiếp tác động tích cực đối với WSB.

Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Tây được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 đơn vị là Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Cần Thơ và Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Sóc Trăng kể từ ngày 27/05/2006. Tháng 07/2010, cổ phiếu của Công ty chính thức giao dịch trên sàn Upcom với mã WSB. Ngành nghề kinh doanh của công ty gồm: sản xuất kinh doanh các loại bia, rượu, cồn và nước giải khát; kinh doanh chế biến nông sản để làm nguyên liệu sản xuất bia, cồn, nước giải khát...

Trên sàn Upcom, cổ phiếu WSB có mức giá khá ổn định và hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 50.000 đồng/cổ phiếu. Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, từ 61,4 tỷ đồng xuống 22 tỷ đồng. Theo giải trình của ban lãnh đạo công ty, nguyên nhân là do từ ngày 01/01/2016 thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tăng từ 50% lên 55% làm giảm lợi nhuận; doanh thu hoạt động tài chính giảm do cùng kỳ năm ngoái công ty được hạch toán lợi nhuận từ năm 2014 chuyển về.


http://infonet.vn/so-phan-bia-sai-gon-mien-tay-ra-sao-khi-cong-ty-me-sabeco-len-san-post210855.info

Theo Nguyễn Tuân/Infonet

Bạn có thể quan tâm