USS Indianapolis trên biển vào năm 1939. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Sau khi chứng kiến sức hủy diệt khủng khiếp từ thử nghiệm hạt nhân Trinity, Washington đã có trong tay vũ khí kết thúc cuộc đại chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại. Kế hoạch sử dụng bom hạt nhân tấn công Nhật Bản nhằm nhanh chóng kết thúc Thế chiến II được phê duyệt.
Nhiệm vụ tối mật
Ngày 16/7/1945, tuần dương hạm USS Indianapolis (CA-35), lớp Portland do thuyền trưởng Charles B. McVay III chỉ huy rời cảng San Francisco trong một nhiệm vụ bí mật. Con tàu sẽ chở theo thành phần bom hạt nhân đến căn cứ không quân Mỹ ở đảo Tinian chuẩn bị cho kế hoạch tấn công Nhật Bản.
Để đảm bảo yếu tố bí mật, CA-35 sẽ rời cảng một mình mà không có tàu hộ tống nhằm tránh sự chú ý của máy bay và tàu ngầm Nhật Bản. Ngày 26/7/1945, tàu cập cảng đảo Guam để tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm. Tại đây, một số thủy thủ hoàn thành nhiệm vụ được thay thế bởi các thủy thủ khác.
Ngày 28/7, tàu rời đảo Guam hướng đến vịnh Leyte, nơi tàu sẽ hội quân cùng lực lượng đặc nhiệm 95 do phó đô đốc Jesse B. Oldendorf chỉ huy để tiến về đảo Tinian.
Số phận bi thảm
Đêm ngày 30/7/1945, khi đi qua đảo Palau, một đảo quốc ở Thái Bình Dương và cách Philippines khoảng 800 km về phía đông, CA-35 lọt vào tầm ngắm của tàu ngầm I-58 do thuyền trưởng Mochitsura Hashimoto chỉ huy. Ban đầu, vị chỉ huy tàu ngầm Nhật nghĩ rằng ông đã phát hiện được thiết giáp hạm lớp Idaho.
Tuần dương hạm USS Indianapolis tại Trân Châu Cảng năm 1937. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Lúc 00h14, tàu ngầm I-58 bắn liên tiếp 2 ngư lôi đánh trúng phần mũi bên mạn phải của CA-35. Vụ nổ xé toạc vỏ tàu và tạo nên một lỗ lớn. Nước ồ ạt tràn vào khiến phần mũi chìm nhanh xuống nước khiến phần đuôi tàu bị kéo lên cao.
Chiến hạm có lượng choán nước gần 10.000 tấn chìm chỉ 12 phút sau vụ nổ. Khoảng 300 thủy thủ trong số 1.196 người chìm theo tàu. Khoảng 896 người khác nhảy xuống biển với vài xuồng cứu hộ và không có áo phao.
Hải quân Mỹ không hề biết chiếc tàu chở theo thành phần bom hạt nhân đã bị đánh chìm nên không có hoạt động cứu hộ nào được triển khai ngay sau đó. Những người sống sót sau khi tàu chìm phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nước ngọt và cá mập tấn công dữ dội. Đây là một trong những vụ cá mập tấn công con người dữ dội nhất.
10h25 ngày 2/8/1945, hơn 3 ngày sau khi tàu chìm, máy bay tuần tra PV-1 Ventura phát hiện những người trôi dạt trên biển trong một chuyến bay tuần tra thường xuyên. Các tàu của Mỹ trong khu vực được lệnh nhanh chóng đến hiện trường để tham gia cứu hộ.
Vị trí tuần dương hạm CA-35 bị đánh chìm. Đồ họa: Wikipedia |
Tuy nhiên, sứ mệnh cứu hộ dường như diễn ra quá muộn, trong số 896 người thoát khỏi tàu, 575 người đã chết vì kiệt sức do mất nước, cá mập tấn công. 321 người được cứu thoát, trong đó 2 người tử vong sau đó.
879 người thiệt mạng trong thảm kịch. Vụ chìm tuần dương hạm USS Indianapolis là một trong những bi kịch trên biển tồi tệ nhất đối với hải quân Mỹ.
Nổi oan ức của vị thuyền trưởng
Tháng 11/1945, thuyền trưởng Charles B. McVay III, một trong những người sống sót bị đưa ra tòa án binh với tội danh đặt cuộc sống của thủy thủ đoàn vào tình huống nguy hiểm. Ông bị cáo buộc là không ra lệnh cho tàu chạy theo kiểu “zic zac” để tránh bị tàu ngầm tấn công.
Thuyền trưởng McVay bị kết án oan suốt 55 năm. Ảnh: Wikipedia |
Tại phiên tòa, thuyền trưởng McVay nhiều lần đặt câu hỏi tại sao hải quân không tiến hành các hoạt động cứu hộ. Ngoài ra, việc cứu hộ hoàn toàn vô tình chứ không phải là một nhiệm vụ chính thức. Tuy nhiên, phía hải quân không đưa ra câu trả lời.
Hải quân Mỹ sau đó tuyên bố rằng họ không nhận được tín hiệu SOS vì tàu CA-35 hoạt động theo chế độ im lặng vô tuyến. Tuy nhiên, hồ sơ giải mật sau đó cho thấy 3 tín hiệu SOS được tiếp nhận nhưng không ai có hành động cụ thể.
Một trong số chỉ huy đài vô tuyến mặt đất cho rằng tín hiệu SOS là trò lừa đảo của Nhật Bản, một sĩ quan khác báo lại không được quấy rầy và một người khác nhận tín hiệu trong trạng thái say rượu.
Trước khi tàu rời cảng, thuyền trưởng McVay đã yêu cầu tàu hộ tống đi cùng nhưng không được đáp ứng. USS Indianapolis một mình tiến ra biển mà không có hệ thống phát hiện tàu ngầm hay tàu hộ tống đi cùng.
Điều khiến thuyền trưởng McVay cảm thấy oan ức hơn cả là những vị chỉ huy cấp cao trong hải quân ra lệnh cho ông thực hiện nhiệm vụ đều im lặng. Vị thuyền trưởng vô tội trở thành “kẻ chịu trách nhiệm” cho cái chết của gần 900 thủy thủ.
Việc bị kết án oan khiến ông phải chịu nhiều chỉ trích từ thân nhân những thủy thủ thiệt mạng. Ngày 6/11/1968, McVay tự sát vì phải chịu quá nhiều áp lực từ cuộc sống cô độc và những lời chỉ trích từ thân nhân các thủy thủ thiệt mạng.
Tháng 7/1998, hơn 50 năm sau sự cố chìm tàu, Hunter Scott, một học sinh 12 tuổi ở Pensacola, Florida đã tiến hành cuộc điều tra về sự cố chìm tàu USS Indianapolis. Scott lúc đó là học sinh lớp 6 tiến hành phỏng vấn 150 người còn sống, nghiên cứu hơn 800 tài liệu và kết luận thuyền trưởng McVay nên được minh oan.
Công trình nghiên cứu của cậu học sinh 12 tuổi dẫn đến cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ. Tháng 10/2000, Tổng thống Bill Clinton ký quyết định minh oan cho thuyền trưởng Charles B. McVay III. Trong Thế chiến II, khoảng 380 tàu chiến của Mỹ bị đánh chìm nhưng McVay là vị thuyền trưởng duy nhất phải ra hầu tòa.