Sở Nông nghiệp Nghệ An: 'Dân nuôi chồn nhung đen tự phát'
Giám đốc Sở Nông nghiêp tỉnh Nghệ An cho rằng, nuôi chồn nhung đen không nằm trong danh sách khuyến cáo và người dân lại tự làm với nhau nên khó kiểm soát.
Liên quan đến một số cán bộ và người dân xã Quỳnh Bá (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) tham gia mô hình nuôi chồn nhung đen, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phan Chí Diên - Phó phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu và ông Hồ Ngọc Sỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An.
Chồn nhung đen được nuôi ở xã Quỳnh Bá. |
Tại buổi làm, ông Diên lúc đầu trả lời rằng huyện đã về cơ sở khảo sát và đã biết sự việc khoảng 2 tháng. Nhưng khi phóng viên hỏi về trách nhiệm của huyện thì ông Diên lại trả lời "mới cá nhân ông biết còn huyện thì chưa".
Ông Phan Chí Diên: Dân nuôi "chui"
- Việc các hộ dân xã Quỳnh Bá tham gia mô hình nuôi chồn nhung đen có thông qua chính quyền không, thưa ông?
- Về quy trình, bất kể anh nào muốn đưa giống cây/con vào thử nghiệm trên địa bàn huyện phải thông qua chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã). Khi có văn bản chấp thuận cho anh khảo nghiệm, thử nghiệm lúc đó mới được triển khai mô hình.
Còn chồn nhung đen của xã Quỳnh Bá là dạng mới, trong kế hoạch xây dựng mô hình chăn nuôi của huyện trong năm 2012 là không có.
- Việc triển khai "chui" này đến nay huyện vẫn chưa nắm được và chưa kiểm tra?
- Thông tin ở dân, có một số hộ ở Quỳnh Bá có nuôi nhưng họ nuôi dạng sản xuất giống cho công ty, nuôi theo kiểu mô hình và dự án của công ty. Anh em cũng đã đi vào thăm mô hình. Lúc xuống chỉ gặp dân, công ty thì ở ngoài Hòa Bình nên tất cả thủ tục chưa kiểm tra được. Hình như họ liên kết với nhau kiểu cá nhân thôi.
- Với cách làm hiện tại, liệu có mang lại hiệu quả cho người dân?
- Bây giờ thực sự chưa đánh giá được vì mới nuôi, họ ký hợp đồng dưới dạng góp vốn. Họ sản xuất con giống cho công ty, chưa phải sản phẩm thịt hay sản phẩm khác. Con chồn này lại dễ nuôi.
- Ông có biết cụ thể hình thức cụ thể nuôi được triển khai thế nào?
- Cái này cũng mới nghe nói chứ chưa xem hợp đồng nên chưa nắm được.
- Có thông tin cho rằng, mô hình nuôi chồn nhung đen của xã Quỳnh Bá đang đi theo hướng "đa cấp". Liệu dùng từ như vậy đã chuẩn chưa?
Theo tôi được biết, nói đa cấp là không phải. Theo báo cáo của xã, công ty này cũng có giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy phép của Bộ Nông nghiệp .
Ở đây họ về thông qua một số hộ dân, trực tiếp là các cán bộ địa phương như chủ tịch hội nông dân, bí thư, chủ tịch hội cựu chiến binh... còn chuyện giá cả đầu vào, thu mua sản phẩm, chuyện hợp đồng đó là chuyện của hai bên thỏa thuận còn mình có chứng kiến đâu mà biết đa cấp hay là một cấp.
- Chính quyền huyện biết nhưng vẫn để người dân tự chịu trách nhiệm với việc làm của mình mà không có hình thức can thiệp nhằm đảm bảo sự an toàn. Trách nhiệm nhà quản lý đã đúng?
- Thực ra đây cũng nhỏ lẻ, mô hình đang ít, thời gian cũng mới, chủ yếu là chính quyền xã chịu trách nhiệm quản lý còn huyện chỉ quản lý tổng thể. Mặt khác, chuyện du nhập các con/cây vào địa bàn huyện Quỳnh Lưu cũng rất rộng khó quản lý.
Có những mô hình do nhà nước triển khai sẽ được định hướng - nhân rộng nếu có hiệu quả, cũng có mô hình do dân tự phát nhưng rất thành công như nuôi hươu nai trước đây. Sau đó thấy sự phát triển, huyện cũng khuyến khích.
Bên cạnh đó, về cá nhân tôi thì tôi biết còn huyện... chưa biết vì tôi sống ở trong địa bàn xã Quỳnh Bá. Còn huyện không thể vào trong dân coi rau có phun thuốc sâu hay không, nuôi con chi (gì), trồng cây chi thì sao làm được. Tuy nhiên, trừ trường hợp vấn đề đó quy mô lớn, dư luận phản ánh nhiều về mặt trái thì mình phải nhảy vào cuộc.
Ông Hồ Ngọc Sỹ: Sở đang kiểm tra
- Thưa ông, 5 hộ dân xã Quỳnh Bá (huyện Quỳnh Lưu) đang tham gia mô hình nuôi chồn nhung đen của ông Đoàn Việt Châu cung cấp giống. Về phía cơ quan quản lý, Sở biết được những gì xung quanh vấn đề này?
- Tôi cũng mới nắm được thông tin mấy ngày gần đây nhưng chưa nắm cụ thể lắm. Mặt khác, loại chồn nhung đen này không nằm trong phạm trù khuyến cáo của Sở Nông nghiệp. Về cơ bản, các hộ nuôi ở đây dưới dạng tự phát.
Hiện Sở đã chỉ đạo các bên liên quan vào cuộc kiểm tra. Khi có thông tin sẽ thông báo rộng rãi để bà con cùng biết.
- Với giá 4 triệu/cặp chồn nhung đen mua vào, mức giá này so với giá thị trường chung có quá cao?
- Như tôi đã nói, các loại động vật này không nằm trong phạm trù của Sở khuyến cáo. Tuy nhiên, Sở biết thông tin đang chỉ đạo cho anh em kiểm tra. Cái quan trọng là đầu ra, bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi.
- Nói về cam kết bao tiêu sản phẩm, hợp đồng giữa nhà cung cấp giống với người tham gia chăn nuôi có ghi rõ "duy trì việc cung cấp chồn giống sinh sản và thu mua chồn con của mô hình cho người chăn nuôi lâu dài, kịp thời và ổn định". Từ "lâu dài" ở đây ông thấy liệu có ổn?
- Đúng rồi, lâu dài là lâu dài thế nào. Vì con này sinh sản nhanh và dễ nuôi, còn nếu đưa vào làm thương phẩm nói thật người dân cũng không mặn mà lắm đâu.
Dân mình cứ thấy lợi trước mắt là lao vào tham gia nhưng ít khi để ý đến sự ổn định. Nếu không có sự khuyến cáo, cảnh báo kịp thời dễ xảy ra tình trạng nông dân ào vào nuôi, khi đó ảnh hưởng đến kinh tế.
- Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình nuôi chồn nhung đen này không thưa ông?
- Tôi được biết, huyện Quỳnh Lưu đang triển khai đầu tiên chứ chưa có địa phương thứ hai. Ông Phan Chí Diên - Phó phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho hay theo báo cáo của xã, công ty cung cấp giống có giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy phép của Bộ Nông nghiệp.
Theo VTC